Bài thơ cho lẽ sống
“...Nhưng bố mẹ ơi, con chẳng biết làm gì
Khi bố mẹ đau là tim con ứa máu...”
(Lời tâm sự của con)
Những câu thơ trên, trong bài thơ “lời tâm sự của con” là của cháu Nguyễn Thị Vân, năm nay cháu đã 28 tuổi, một nạn nhân chất độc da cam - đioxin, cũng là 28 năm cháu nằm một chỗ, tất cả mọi sinh hoạt đều nhờ vào cha mẹ. Đến năm cháu bẩy tuổi, nhìn cháu buồn, buồn lắm, bà ngoại cháu mới gọi chữ “vân” thành chữ “vui” cho nỗi buồn giảm đi một phần nào. Cũng từ đấy cả gia đình gọi cháu là Vui, vui nhưng mà thật buồn, buồn mà vẫn phải vui, bởi đó là một sự sống, một sinh linh nằm trong tình yêu mẫu tử.
Nguyễn Thị Vân hay Vui chưa hề được đến trường, cũng chưa hề nhận mặt chữ qua tiếng giảng bài của thầy cô, bởi ngay từ lúc sinh ra Vui đã thế. Mỗi lần bố mẹ cho Vui ăn uống đều phải dùng dây, loại dây đã được chuẩn bị sẵn trói chân tay Vui vào thành giường, thành ghế, bởi những hoạt động vô thức của tứ chi đã bị biến dạng mà người ta quen gọi là chân tay ấy:
“... Chỉ vì hai cánh tay không theo ý của con
Mà làm bố mẹ đau như thế...”
(Lời tâm sự của con)
Vui chỉ học chữ qua sự dịu dàng của mẹ, qua sự chăm sóc của cha, qua những ái ân của bà, của anh và của bao người thương cảm. Đôi chân cũng co quoắp, tật nguyền của Vui lần lần trên phím của chiếc máy tính xách tay đã cũ mèn, chiếc điện thoại bàn không dây cổ lỗ để tự học cho mình. Nỗi đau nhất, khó có thể vượt qua, đấy là trong đầu của Vui đều biết cả, biết hết mọi điều mà không thể làm gì được. Tôi đã xem Vui viết nhiều lần, tôi cũng đã xem Vui nhắn tin cho nhiều người là anh em họ hàng thân thích, họ là bạn của bố, là bạn của mẹ hay là bạn của anh trai. Để mỗi lần đến nhà, tôi đều gặp những nét mặt buồn và những đôi mắt thăm thẳm của những thành viên gia đình. Ngay đầu bài thơ, Nguyễn Thị Vân đã thốt lên nỗi đau ấy, nỗi đau của mái đầu thông minh mà lại bị thần kinh toàn thân ức chế:
“Trời ban cho con linh hồn và thần khí
Bố mẹ tạo con ra bằng tình yêu sự sống
Nuôi con lớn bằng tình yêu máu thịt
Nước mắt bố mẹ chảy dài theo năm tháng của đời con...”
Ôi, thật là nỗi đau còn mãi, còn mãi đến bao giờ?. Chị Thanh vợ anh đã phải nghỉ theo chế độ 176 để ở nhà trông con, chămmiếng ăn, giấc ngủ cho Vui. Từ lâu lắm rồi, chị cũng quên luôn năm tháng, để có một Vân hôm nay, để có bài thơ “Lời tâm sự của con” mà chính đôi chân co quoắp của cháu viết lên, viết lên bằng cả một chiều dài năm tháng, một di chứng của chiến tranh.
Thượng tá Nguyễn Trọng Kừ, bố cháu cũng phải nghỉ hưu sớm hơn để có điều kiện gần con, giúp đỡ vợ. Người chiến sĩ 33 năm trong quân ngũ, đi gần khắp chiến trường miền
Mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Nguyễn Trọng Kừ cùng 4 chiến sĩ trinh sát trong tổ đã dẫn đường cho một trung đoàn vào giải phóng thành phố Huế. Tổ trinh sát của anh đã kết hợp cùng 10 cô du kích nội thành Huế đánh bật một tiểu đoàn của địch trong chiến dịch này. Cứ ra trận là chiến thắng, là lập chiến công, anh được đề bạt làm Đại đội phó năm 1969, chỉ huy trận đánh núi Bàn Cờ, nay là khu du lịch nổi tiếng Bà Nà hits. Rồi đơn vị anh hành quân tiến đánh quân địch ở Phú Hương, Phú Dương, kết hợp cùng sư đoàn 338 tiến đánh giặc ở Bình Định, Quảng Ngãi...
Cứ thế, cuộc đời binh nghiệp kéo anh đi các trận tuyến theo dấu quân thù trên khắp chiến trường miền
Năm 1978 xảy ra sự kiện biên giới, anh được điều động về Quân khu II, bổ xung cán bộ quân sự cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên. Khi biên giới trở lại bình yên, anh lại trở về với trường Quân chính Hà Tuyên, rồi làm tham mưu tác chiến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên. Khi Hà Tuyên chia tách tỉnh, Nguyễn Trọng Kừ được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Quân sự tỉnh Hà Giang. Đến năm 1999, anh được nghỉ chế độ ở cấp bậc Thượng tá...
Bài thơ của Nguyễn Thị Vân lại như kêu lên, xé tan tất cả, dồn nỗi đau vào một người con gái bé bỏng mà khó có gì xoa dịu được:
“... Nhưng biết làm sao được bố mẹ ơi
Vì chất độc da cam mà con phải chịu
Đau cả thể xác lẫn tinh thần...”
Rồi Vân tự xoa dịu mình, hay xoa dịu nỗi đau đồng loại:
“... Nhưng con cảm thấy mình vẫn còn may mắn
Hơn nhiều người có số phận như con
Còn ý thức nhận biết nhiều cảm xúc
Những vui buồn và lẫn cả yêu thương...”
Nỗi đau sau chiến tranh mãi còn đó, một mảnh đời bất hạnh vẫn còn đó. Bài thơ Vân viết có thể là bằng máu, đi tìm lẽ sống của 1 con người bé bỏng... Nếu bố Vân không đi chiến trường, nếu bố Vân không bị nhiễm chất độc da cam, thì Vân đâu có nhiều nỗi đau về thể xác và tinh thần đến thế. Nếu không có những con người như Thượng tá Nguyễn Trọng Kừ, có hàng triệu sự hi sinh cả mang sống của mình thì đâu có tự do, độc lập hôm nay.
Hàng triệu con người phải gánh chịu nỗi đau sau chiến tranh, nỗi đau do một thứ chất độc khủng khiếp mà chiến tranh để lại: Da cam/đioxin. Còn hàng vạn mảnh đời bất hạnh như Vân, mang di chứng chiến tranh trên khắp đất nước. Ngôi nhà số 24, đường Trần Phú, tổ 5, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, nơi ấy có một nạn nhân chất độc da cam, nơi ấy có một bài thơ, có những câu thơ bằng máu.
Ý kiến bạn đọc