Nhìn lại 5 năm xuất bản sách VHNT tỉnh

17:20, 30/03/2011

HGĐT- Trong nhiệm kỳ vừa qua (2005 – 2010) công tác xuất bản sách VHNT của các hội viên và cộng tác viên trong tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.


Theo con số thống kê chưa đầy đủ, 5 năm qua đã xuất bản được 85 đầu sách, của 29 tác giả, trong đó có: 34 tập văn xuôi, 28 tập thơ; 15 tập sưu tầm văn nghệ dân gian; 3 tập ca khúc và 5 tập in chung nhiều tác giả. Bình quân mỗi năm in được 17 đầu sách, vượt gấp gần 3 lần chỉ tiêu do Đại hội III đề ra. Trong số các hội viên, cộng tác viên có sách in riêng, 8 tác giả có số sách in khá nhiều, đó là: Nguyễn Quang 16 tập (8 tập thơ, 8 tập văn xuôi); Triệu Đức Thanh 6 tập (2 tập văn xuôi, 3 tập thơ và 1 tập thơ - nhạc); Cao Xuân Thái 6 tập (3 tập thơ và 3 tập bút ký); Nguyên Bình 6 tập (đều là văn xuôi); Hoàng Thị Cấp 6 tập (4 tập sưu tầm, 2 tập sáng tác ); Đặng Quang Vượng, Nguyễn Trần Bé mỗi người 4 tập (văn xuôi và thơ...). Hầu hết các tập sách kể trên đều được in ấn ở các nhà xuất bản ở Trung ương như: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn, NXB Kim Đồng, NXB Văn hóa Dân tộc và Hội VHNT Hà Giang...


Sự bứt phá, vượt trội trong lĩnh vực xuất bản sách VHNT ở Hà Giang trong nhiệm kỳ qua là kết quả của một hướng đi đúng của Hội VHNT tỉnh; là sự đầu tư hỗ trợ có hiệu quả từ nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT của Chính phủ; là sự nỗ lực phấn đấu hết mình của các hội viên trên cả hai bình diện sáng tạo tác phẩm và tự lực, tự cường trong việc liên kết xuất bản. Nổi bật và đáng ghi nhận nhất là các hội viên: Nguyễn Quang (tự in 14/16 tập); Triệu Đức Thanh (tự in 5/6 tập); Nguyên Bình (tự in 6/6 tập); Hoàng Thị Cấp, Đặng Quang Vượng, Nguyễn Trần Bé... mỗi người tự in từ 2 đến 3 tập. Những tác giả kể trên luôn miệt mài sáng tác, sưu tầm để có những bản thảo tốt và tìm nhiều cách khác nhau liên kết với các nhà xuất bản để in ấn, phát hành. Điều đáng nói là, hầu hết các tác giả tự in đều phải bỏ tiền túi cá nhân đóng góp với các nhà xuất bản, trong khi sách in ra hầu như không bán được, đa phần chỉ để biếu, tặng!


Trong số 85 đầu sách được xuất bản 5 năm qua, có một tập của cộng tác viên, còn lại đều là của hội viên và hầu hết là của các tác giả đã thành danh; có 5 tập in chung, còn lại là sách in riêng. Sách in song ngữ (sáng tác, sưu tầm và dịch từ văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số) có 18 tập, chiếm tỷ lệ trên 22% tổng số sách đã in; có 12 tác giả là người dân tộc thiểu số, chiếm 40% số tác giả có sách xuất bản. Ngoài văn xuôi, thơ và sưu tầm còn có 4 tập ca khúc (trong đó có 2 tập thơ - nhạc) của các nhạc sĩ và tác giả thơ. Sách về đề tài thiếu nhi có tỷ lệ khá cao: 14 tập, chiếm hơn 16% (1 tập in chung, 3 tập thơ và 10 tập truyện). Đáng mừng nhất là đã có một xê-ri tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Quang. Trong tổng số 16 đầu sách của anh có tới 7 tập tiểu thuyết. Đây là một điều rất đáng mừng và là nét mới trong lĩnh vực xuất bản sách VHNT ở Hà Giang những năm qua, vì hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến nay chỉ có Nguyễn Quang xuất bản tiểu thuyết.


Chất lượng của các tập sách đã xuất bản tuy chưa được các nhà lý luận, phê bình VHNT nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, song với cảm nhận từ phía người đọc, chúng ta có thể vui mừng nhận thấy rằng: chất lượng các tập sách đã được nâng lên đáng kể cả về nội dung và hình thức. Hai tiểu thuyết của Nguyễn Quang đoạt giải cao toàn quốc và khu vực: Giải B của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009 cho tiểu thuyết Ánh trăng trong rừng trúc; giải A cuộc thi viết tiểu thuyết về thuỷ điện Sơn La cho cuốn Đất Mường nơi đáy nước. Hai tập truyện thiếu nhi Những đứa con của rừng của Nguyễn Trần Bé và Thác chuột đỏ của Hoàng Thị Cấp được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản và phát hành trên 32 ngàn bản mỗi cuốn. 18 tập sách của 18 tác giả gửi dự xét Giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh lần thứ III (giai đoạn 2005 – 2010) đều được Hội đồng Chung khảo của tỉnh chấm xếp giải (8 giải A, 5 giải B, 5 giải C)...


Mặc dù mỗi tác giả có một giọng điệu, cách thể hiện riêng, với những bút pháp và cảm xúc khác nhau, tài năng cũng ở nhiều mức độ khác nhau, song thông qua các hình thức nghệ thuật, nội dung các cuốn sách đều phản ánh sinh động về đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh với những phong tục, tập quán, những nét văn hoá đặc sắc, riêng có, đậm chất vùng miền, thấm đẫm hơi thở cuộc sống, với sự kỳ thú của thiên nhiên; cùng những thân phận, những suy nghĩ, tâm tư, sự bươn trải, vượt khó vươn lên của những con người đang ngày đêm đem sức lực, tài năng của mình dựng xây quê hương giàu đẹp, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì chất lượng các tập sách vẫn còn ở mức sàn sàn nhau; một số cuốn nội dung chỉ dừng ở mức phản ánh thông thường, thiếu chiều sâu, thiếu tính khái quát, ít mới lạ và chất lượng nghệ thuật chưa cao; chưa có những đầu sách thật sự gây chú ý của dư luận; thiếu những ấn phẩm đạt đỉnh cao...


NGUYỄN TR ẦN BÉ (Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về với Lau Xa
Xã Sủng Là,Có xóm Lau XaNếu đi, phải vượt những ba trái núiĐi – không thấy khe, thấy suốiĐi – cứ thẳng hướng mây trờiSương giăng giăng bay, kín cả núi đồi.
30/03/2011
Phố Cổ
Anh lên cao nguyênthăm phố CổMái ngói rêu phongthời gian trầm mặcNgôi nhà trình tườngmộc mạcấm nồng 5 thế hệ
30/03/2011
Thơ và hoa
ThơNhư rừng hoa nhiều màu sắcMỗi bài thơ, câu thơ, ý thơ...Là một bông hoa long lanh mặt trời
30/03/2011
Xa Hà Giang vẫn nghe tiếng khèn
Xa Hà GiangVẫn nghe tiếng khènTiếng khèn trầm đụcCuộn trào
30/03/2011