Vũ điệu khèn Mông

07:56, 25/01/2011

Ai đã một lần ghé thăm bản làng ở các tỉnh miền núi phía bắc chắc hẳn khó có thể quên được tiếng khèn của người Mông.


Cây khèn của đồng bào Mông có từ khi nào đến nay vẫn còn chưa rõ. Nhưng truyền thuyết của người Mông kể rằng: ngày xưa, một gia đình nọ có 6 anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Lúc chưa lập gia đình, tiếng sáo của họ khi thổi cùng nhau lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc lại ào ào như thác đổ. Những dịp hội hè, họ đều đến thổi sáo giúp vui. Sau này, khi họ có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, thay cho 6 anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn Mông ngày nay. Người đàn ông Mông dùng tiếng khèn để giải bày tâm sự và thổ lộ lời yêu.

Vật liệu để chế tạo nên cây khèn Mông chủ yếu là tre nứa và gỗ lấy trong rừng. Cấu tạo của một chiếc khèn Mông khá đơn giản, bao gồm 5 ống tre con và 1 ống cả dùng để ghép nối các ống con. Người ta chọn những nhánh tre già, đem vuốt cho sạch mắt và hong trên gác bếp từ 2 - 3 tháng. Sau đó mang xuống thông mắt và đục mỗi ống 1 lỗ nhỏ bằng nhau ở đầu ống khèn. Ống khèn cả được làm bằng gỗ xoan hoặc gỗ pơ-mu tiện nhẵn mặt ngoài và đục rỗng ruột bên trong, dùng mũi dao nhọn khoét các lỗ để ghép 5 ống con vào tạo thành hình dáng của khèn. Trong chiếc khèn Mông, bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn. Đây được coi là thanh quản của khèn. Trước kia, người Mông thường dùng kim loại đồng để tán mỏng, sau đó cắt nhỏ và ghép vào các ống khèn. Ngày nay, họ đã có những chiếc lam đồng đã được chế tạo sẵn, sau đó chỉ việc dùng dao rạch một đường nhỏ để lắp vào các ống khèn. Việc ghép nối các ống khèn con với ống khèn cả phải khít vào nhau, không để không khí lọt vào trong, như thế âm thanh của tiếng khèn mới đảm bảo độ vang.

Trên vùng đất Tây Bắc có nhiều nét tương đồng trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Mông với các cư dân miền núi khác như người Dao, người Tày, người Nùng... Duy chỉ riêng tiếng khèn của người Mông là thứ âm thanh không trộn lẫn với bất kỳ một loại nhạc cụ nào khác. Khèn theo chân họ lên nương, ra ruộng và ở đó những bài ca lao động đầy hóm hỉnh, vui tươi được tấu lên dù dưới bước chân đi là gập ghềnh đá và đá. Trong trẻo hay trầm khàn nhưng tất cả là để truyền đi một sức sống căng tràn và mãnh liệt từ những trái tim và tâm hồn không bao giờ biết mỏi, chỉ cần có cớ là khèn cất lên một cách duyên dáng giữa cuộc sống đời thường trong một ngày bình thường nhất.

Với cây khèn, người Mông đã dạy con trai vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật thổi và múa khèn. Hễ là con trai Mông thì điều đáng quý và trân trọng nhất đầu tiên là phải biết chơi khèn. Khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi mà mặc nhiên trở thành nét biểu trưng cho văn hóa của cộng đồng dân tộc gắn liền với chàng trai Mông.

Trải qua thời gian, cuộc sống nay đã có nhiều đổi thay, nhưng tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây khèn vẫn vậy. Tiếng khèn tìm bạn của các chàng trai Mông hôm nay không chỉ khiến các cô gái Mông nghe thấy phải đỏ mặt làm duyên, mà còn phải say đắm để rồi không thể kìm lòng mà tự nguyện xòe ô xoay tròn theo vòng múa nhịp nhàng, khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng, tình tứ. Những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của bất kỳ ai từng nghe xem một lần.

Tình yêu của người Mông là vậy, bắt nguồn từ tiếng khèn thật giản dị nhưng cũng vô cùng lãng mạn, tạo nên những đêm tình yêu đắm say mà không kém mãnh liệt. Đó là nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất rẻo cao với những đêm huyền diệu của tiếng khèn, đêm thổn thức của tiếng lòng, đêm của những khát khao mang vị ngọt ngào của tình yêu - tình bạn; chất chứa trong đó là những cảm xúc thiết tha, bồi hồi mà rạo rực của những chàng trai cô gái người Mông trong những vũ điệu xoay tròn quấn quýt bên nhau.

Những giai điệu khèn tình tứ, nhịp nhàng, uyển chuyển mà sâu sắc: “Đợi anh qua mùa đào, đợi anh qua mùa lanh”… sẽ mãi mãi còn ngân rung tận sâu thẳm cõi lòng của biết bao cô gái Mông. Con gái Mông 15, 16 tuổi đã biết nghe và đi theo tiếng gọi của khèn. Con trai tìm, gọi bạn để tâm sự, giao duyên nhất thiết phải là những âm thanh, giai điệu của khèn do chính mình thổi bay tới. Nhận ra tiếng khèn của chàng trai hoặc người yêu, nếu cô gái ưng thuận sẽ đáp lại bằng tiếng kèn lá rồi lặng lẽ tìm đến:

“…Ơ này anh chàng

Anh từ đâu ra

Núi rừng bao la

Sẽ kết đôi ta thành đôi vợ chồng…”

(Dân ca Mông)

Tiếng khèn chàng trai thổn thức trước sự xuất hiện của cô gái:

“…Đôi ta hát với nhau đêm nay

Hát với nhau một ngày

Mai có phải chia tay

Bụng của ta mới chịu…”

(Dân ca Mông)

Và rồi bên bạn tình, giọng khèn lại tiếp tục vút lên:

“…Kìa mưa cho hoa nở tươi

Kìa nắng cho hoa buồn khô

Gặp nàng, anh vui lắm

Bên nàng, anh yêu mãi cô nàng ơi…”

(Dân ca Mông)

Những lời tha thiết ấy tuy không thành ca từ nhưng ẩn chứa trong đó cả một sức sống và tình yêu vô cùng mãnh liệt. Âm thanh ngân nga, rạo rực, đôi khi rạo rực đến nghẹt thở và chỉ có đôi trai gái mới hiểu được khèn nói gì mà thôi.

Tuy nhiên một điều đáng buồn là nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân tộc, trong đó có văn hóa chơi khèn và múa khèn ít nhiều đã và đang bị mai một hoặc bị biến tướng trả tiền (như ở chợ tình Sapa).

Cây khèn và vũ điệu khèn của người Mông cũng có một đời sống văn hóa không kém phần sinh động, sâu sắc; nó gắn với quan niệm sống, văn hóa sống và như món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Thiết nghĩ, một nét văn hóa có bề dày và có chiều sâu như vậy cần phải được giữ gìn, bảo tồn, phát huy và phổ biến rộng rãi hơn nữa. Không biết đến bao giờ mới có lộ trình cụ thể đúng đắn và nghiêm túc về bảo tồn, giữ gìn, phát huy và phổ biến rộng rãi một nét văn hóa đáng quý, đáng trân trọng như thổi khèn, múa khèn của đồng bào dân tộc Mông. Và nếu được, một ngày không xa biết đâu cây khèn và vũ điệu khèn của người Mông lại được sánh ngang với những Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh… để rồi có thêm một di sản văn hoá phi vật thể được UNESSCO vinh danh.


baodulich.net.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 hoạt động, sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2010
Chiều 30.12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức gặp mặt báo chí nhân dịp kết thúc năm công tác và công bố các hoạt động, sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2010.
31/12/2010
Cái nhìn
Một cái nhìn thiện chíchắp cánh cho ta bay đến các vì sao.Một cái nhìn đố kỵdìm ta dưới đáy sâu địa ngục.
31/12/2010
Chiều hạ
Giọt nước nào trên láCòn lại sau cơn mưaTrong một chiều mùa hạTheo nhành non đong đưa...
31/12/2010
Mừng Xuân sang!
Mùa Xuân mới vừa tới nơiCao nguyên đá quê tôiLại vừa được quốc tế công nhận thànhCông viên địa chất thế giới
31/12/2010