Càng đi càng thấy quê mình đẹp hơn
HGĐT- Nếu ai chưa một lần đến Hà Giang, thông tin về Hà Giang chỉ biết qua sách, báo sẽ chỉ hình dung được nơi ấy là vùng biên viễn xa xôi, đầy khó khăn, vất vả: Thiên nhiên khắc nghiệt, người thưa, đa dân tộc, cuộc sống của người dân vẫn còn lam lũ. Nhưng đã một lần đặt chân đến sẽ không khỏi choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên và tình người nơi đây.
Một Cao nguyên đá trải rộng hút tầm mắt với những rừng đá, dãy núi đá trùng điệp; cánh đồng mùa gặt với những thửa ruộng bậc thang, lúa chín vàng như mật; một tiếng khèn Mông hay một cung đường uốn lượn quanh mây đều tạo cảm giác lạ đối với mỗi người khi đến Hà Giang. Còn những ai đã nhiều lần đến, có dịp tìm hiểu phong tục tập quán, được cùng sinh hoạt với người dân địa phương, sống trong không gian văn hoá mang đậm màu sắc vùng cao sẽ càng thêm yêu quý mảnh đất này. Trong gian khó, những giá trị nhân văn cao đẹp càng được tôn vinh, những thành quả lao động nhọc nhằn của người dân, cách họ sống, lao động và bảo vệ biên cương thật đáng trân trọng. Tôi có nhóm bạn thời đại học, ra trường tôi lên Hà Giang công tác, họ ở lại Thủ đô Hà Nội - nơi cuộc sống phồn hoa náo nhiệt. Guồng quay của cuộc sống luôn cuốn hút tưởng như không thể dứt ra nổi, vậy mà hễ có chút thời gian họ lại lên Hà Giang. Hà Giang có gì cuốn hút vậy, câu trả lời không phải những gì cao xa, đơn giản là một buổi hoàng hôn Cao nguyên, khi mặt trời lặn dần phía núi mờ xa để lại quầng đỏ rực trên triền núi tạo nên vẻ đẹp rực rỡ. Rồi một nụ cười rạng rỡ của nàng sơn nữ đẹp như “mùa thu toả nắng” đã xoá hết những nhọc nhằn. Nghe những người bạn đồng nghiệp nói, viết về Hà Giang, chúng tôi những người làm báo Đảng ở Hà Giang rất tự hào. Cái khó khăn, vất vả trong cuộc sống của người dân nơi đây đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, chung tay giúp sức của nhân dân cả nước. Hà Giang tuy cách xa các vùng, miền về khoảng cách địa lý, cách xa về giao thông nhưng rất gần gũi, thân thương trong lòng mỗi người.
Những năm đi làm báo Đảng, tôi đã đặt chân đến nhiều miền quê trong tỉnh, từ nơi cuộc sống sung túc đến vùng sâu, vùng xa, cùng đồng cam, cộng khổ, chia sẻ khó khăn với người dân. Có những chuyến công tác phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, vượt qua nhiều ngọn núi, giữa mùa đông mồ hôi ướt đầm lưng áo để tìm hiểu, phản ánh cuộc sống thực tại ở địa phương. Càng đi, tôi càng học được nhiều điều, trưởng thành từ gian khó của cuộc sống. Khi ý chí, trách nhiệm của người làm báo Đảng hoà quyện, đồng cảm cùng cuộc sống người dân, lúc đó tâm hồn luôn hướng tới mục tiêu phản ánh cái hay, cái đẹp, cách làm mới để nhiều người biết, cùng nhau thực hiện, cùng xây dựng cuộc sống ấm no. Đã nhiều lần tôi mê mải ngắm nhìn sự hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, càng vui hơn khi biết Cao nguyên đá đang được hoàn thiện các thủ tục để trở thành Công viên địa chất. Trên nền của Cao nguyên đá là những kiến trúc độc đáo như nhà Vương, phố cổ Đồng Văn… Nhà Vương là công trình được xây dựng theo lối kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc), có diện tích trên 1 nghìn m2. Nhà Vương được xây dựng bằng chất liệu đá xanh, gỗ thông, ngói đất nung. Tổng thể nhà Vương gồm 4 nhà ngang, 6 nhà dọc đều làm 2 tầng với 64 buồng chia làm Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh. Tường được xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống. Bố cục ngôi nhà 3 lớp cao dần từ ngoài vào trong, hai góc trong cùng xây 2 lô cốt đá xanh, 3 tầng, trong đó tầng một thông với tầng ngầm khu nhà trong cùng. Cách 3 lớp nhà là 3 sân lát đá phiến. Khu nhà dài 56 m, rộng 20 m, cao 10-12 m… Xung quanh ngôi nhà xây tường bao bằng đá, dày 60-80 cm, cao 2,5-3 m, có cổng đá 15 bậc, xây ghép đá chạm khắc tinh xảo, uy nghi.
Cùng với nhà Vương, phố cổ Đồng Văn cũng là công trình kiến trúc độc đáo trên Cao nguyên. Khu trung tâm thị trấn Đồng Văn trước đây thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân (Tuyên Quang). Từ những năm 1880, người Pháp chiếm đóng Đồng Văn, họ đã quy hoạch, xây dựng khu phố Đồng Văn với những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc. Phố cổ Đồng Văn vẫn còn những ngôi nhà cổ được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ Tứ Xuyên (Trung Quốc). Khu phố cổ hiện còn khoảng 40 ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm. Căn nhà cổ nhất với thời gian khoảng 300 năm do ông Lương Trung Nhân, người đứng đầu dòng họ Lương xây dựng. Trải qua nhiều thế hệ sinh sống, ngôi nhà bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, việc tôn tạo của con, cháu sau này không giữ được những nét tinh xảo so với nguyên bản. Kiến trúc cổ của ngôi nhà hiện chỉ còn lại những bậc tam cấp, sân lát đá, trụ đá, chân cột chạm trổ và một bức tường đổ phía sau nhà. Hà Giang còn được biết đến với một đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ, một dòng Nho Quế đẹp như dải lụa xanh, một cầu Tràng Hương thơ mộng… Nhưng nổi bật trên tất cả là sinh hoạt văn hoá độc đáo của 22 cộng đồng dân tộc. Những ngày chợ phiên sặc sỡ sắc màu, những bát rượu tràn môi, những chảo thắng cố bốc hơi nghi ngút giữa chợ luôn đắm say lòng người. Cuộc sống, lao động của người dân Hà Giang đã tạo lên những bản anh hùng ca về tinh thần vượt khó.
Mảnh đất, con người Hà Giang luôn là đề tài hấp dẫn, nguồn cảm hứng vô tận, cuốn hút bao thế hệ người cầm bút. Chúng tôi, những người làm báo Đảng rất tự hào, hạnh phúc được sống, làm việc ở mảnh đất này. Ai đó nói rằng, Hà Giang chỉ có đá và núi, thiên nhiên khắc nghiệt, con người sống ra sao. Thế nhưng, trên mảnh đất khắc nghiệt ấy, người Hà Giang vẫn hiên ngang, kiên cường bám trụ, giữ vững từng nhành cây, ngọn cỏ, tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong gian khó, người Hà Giang đang nỗ lực vươn lên, phát huy tốt tiềm năng để phát triển. Đây là những chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ bến để mỗi người làm báo khai thác. Còn riêng tôi, những năm làm báo Đảng ở Hà Giang, mảnh đất này đã trở thành quê hương thứ 2, càng đi càng thấy người quê mình thân thương, mến khách, đất quê mình mênh mang, đẹp biết nhường nào.
Ý kiến bạn đọc