Khau Vai - nơi thắp lên niềm tin và hạnh phúc
(HGĐT)- Cái rét nàng Bân tràn vào nước ta mang theo mưa, gió lạnh làm dịu đi cơn khát trên Cao nguyên đá. Lâu lắm rồi, người dân sống trên dải Cao nguyên đá mới lại cảm nhận được cái rét êm dịu đến vậy.
Gió không lạnh để mỗi người phải trốn chạy mà nó mơn man trên làn tóc, làm hồng thêm đôi má con gái vùng cao. Gió lay động những bông hoa dại đang rực lên giữa Cao nguyên đầy đá xám. Những chuyển động của đất trời cũng ngầm báo hiệu đã đến thời khắc diễn ra phiên chợ tình có một không hai, độc đáo của vùng cao Hà Giang - Chợ tình Khau Vai. Nét độc đáo của Chợ tình Khau Vai ở chỗ nó không hề mang tính thương mại, đây là nơi gặp gỡ của những chàng trai, cô gái yêu nhau nhưng không đến được nhau. Sau nhiều ngày đi bộ trên con đường mòn xuyên qua những dãy núi sắc nhọn, người con trai, con gái gặp lại nhau trong ngày chợ, uống với nhau chén rượu, cùng hàn huyên tâm sự trong một ngày chợ rồi chia tay. Mỗi người đi một ngả, lại trở về trên con đường mòn quen thuộc nhưng năm nào họ cũng đến chợ. Đến Chợ tình Khau Vai đã trở thành nỗi khát khao luôn thường trực trong tâm trí của những chàng trai, cô gái trên khắp dải Cao nguyên đá và mỗi khi gần đến thời điểm họp chợ nó lại bừng lên mãnh liệt. Đến Mèo Vạc những ngày này, ta lại được nghe nhịp tim thổn thức của các chàng trai, cô gái mong đến chợ tình. Chợ chỉ diễn ra một ngày duy nhất trong năm, trong khoảng thời gian ngắn, những người yêu nhau không đến được nhau do hoàn cảnh, do những cách ngăn của lễ giáo, tập tục tìm đến với nhau hàn huyên tâm sự.
Ai đã nghe thiên tình sử đẫm lệ giữa chàng Ba người dân tộc Nùng với nàng út, cô gái dân tộc Giấy sẽ luôn khát khao được đến Chợ tình Khau Vai. Ngày xưa, chàng Ba, nàng út yêu nhau tha thiết, nhưng chỉ vì những lễ giáo phong kiến, họ không đến được với nhau. Chia tay, họ cùng hẹn hàng năm vào ngày 27.3 (âm lịch) sẽ gặp lại nhau. Nhiều người đến chợ Khau Vai sau khi đi hết không gian chợ, say trong những điệu múa, tiếng khèn, ngợp trong sắc màu thổ cẩm đã hỏi tôi sao không thấy đôi nào tâm sự? Vâng, làm sao thấy được nếu ta mang một suy nghĩ, một hành động thực dụng đến Chợ tình Khau Vai. Đi chợ Khau Vai không thể xem được hình ảnh bắt vợ, bắt chồng như những nơi khác mà đến đây là đi tìm lại một thời đã xa trong tâm hồn, tìm lại sự linh thiêng, cao cả để rồi mỗi người biết trân trọng giữ gìn tình yêu, hạnh phúc gia đình trước những sóng gió của cuộc đời. Trên vùng cao, khoảng cách về không gian, thời gian rất lớn, chàng trai, cô gái cách nhau mấy quả núi, không gian vời vợi nhưng họ luôn quan tâm, dõi theo xem người bạn của mình cuộc sống ra sao. Và mỗi năm đến ngày Chợ tình, họ lại tìm gặp nhau. Vào ngày Chợ tình những người vợ, người chồng không cấm nhau đi gặp lại bạn xưa. Gặp nhau, qua ánh mắt, qua chén rượu biết cuộc sống người bạn của mình, sau đó lại trở về với những lo toan của cuộc sống gia đình, lại theo nhịp chuyển của mùa vụ, lại lên nương, đi rẫy với những công việc thường nhật.
Tôi cũng lên Mèo Vạc, giữa những ngày vùng cao đang rộn ràng trong các vũ điệu mang đậm âm hưởng, hương sắc Cao nguyên và cùng dòng người hoà vào mảnh đất Mèo Vạc - nơi có phiên Chợ tình huyền thoại để cảm nhận được cái mênh mang về không gian, thời gian nơi đây. Vẫn những dãy núi đá xám xịt, toát lên vẻ cằn cỗi, nghèo khó, nhọc nhằn nhưng bên trong nó là sức sống mãnh liệt. Mèo Vạc - địa bàn sinh sống của 16 dân tộc với nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Tuy cuộc sống vật chất khó khăn nhưng những lễ hội truyền thống như Cầu mưa của người Lô Lô, Lồng tồng của người Giấy, người Tày và Lễ hội Chợ tình Khau Vai của cả cộng đồng các dân tộc vùng cao là những suối nguồn hun đúc, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, ý chí cho người dân nơi đây. Những nét độc đáo đó đang được Mèo Vạc biến thành thế mạnh nhằm phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND huyện đã nhiều lần đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế điều kiện của Mèo Vạc, trao đổi rất thẳng thắn. Theo ông, cuộc sống người dân tuy phần nào giảm bớt khó khăn nhưng con đường làm giàu từ sản xuất nông nghiệp vẫn là ước mơ xa đối với người dân Mèo Vạc. Nơi đây, đất, nước quý hơn vàng. Bởi lẽ đá núi nhiều hơn đất, nước sinh hoạt luôn thiếu mà thiếu 2 yếu tố này thì làm việc gì cũng khó. Trước thực trạng đó, Mèo Vạc xác định việc sản xuất nông nghiệp nhằm mục tiêu chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực, còn làm giàu phải tìm những hướng đi thích hợp, trọng tâm sẽ tập trung vào chăn nuôi đại gia súc hàng hoá, phát triển công nghiệp khai khoáng, thuỷ điện và xây dựng các làng văn hoá du lịch gắn với lễ hội truyền thống. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu cho người dân thông qua các hoạt động dịch vụ mà còn giúp người dân nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hoá của dân tộc mình trước sự xâm nhập của các dòng văn hoá đến từ môi trường công nghiệp, hiện đại. Từ đó, huyện đã xây dựng được Làng Văn hoá du lịch dân tộc Lô Lô (thị trấn Mèo Vạc), Làng Văn hoá dân tộc Giấy xóm Nà Trào (Tát Ngà). Nơi đây thường xuyên diễn ra các sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc của người dân địa phương. Những đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở Làng Văn hoá Lô Lô, Nà Trào đã trở thành điểm tham quan lý tưởng của du khách, nhất là du khách đến từ phương Tây.
Những ngày này, trên con đường lên Mèo Vạc, chúng tôi gặp rất nhiều vị khách đi du lịch theo con đường khám phá. Họ đến Mèo Vạc, cùng ăn, ở, trực tiếp tham gia các sinh hoạt văn hoá cộng đồng cùng người dân. Chính sự mênh mang của núi rừng, những độc đáo trong sinh hoạt đã cuốn hút khách du lịch đến với Mèo Vạc. Rời xa những lo toan của cuộc sống thường nhật, tôi cũng thả mình theo sự mênh mang của núi rừng Mèo Vạc, tận hưởng không gian yên tĩnh và vui trong vũ điệu của người Lô Lô, trầm lắng trong các lễ hội tâm linh của người Giấy ở Nà Trào. Và không thể bỏ qua phiên Chợ tình Khau Vai. Ngày nay, Chợ tình Khau Vai không chỉ là nơi gặp gỡ của những người mang trong mình mối tình dang dở mà nhiều chàng trai, cô gái đến chợ để tìm bạn đời. Qua ánh mắt, qua tiếng khèn, tiếng sáo họ hiểu nhau, gắn kết với nhau. Tình yêu được nhóm lên từ vùng quê huyền thoại, họ sẽ không phải chịu cảnh chia ly mà được đến với nhau, được hạnh phúc bên nhau. Niềm hạnh phúc, tiếng sáo gọi bạn thúc giục bước chân của những chàng trai, cô gái vùng cao, rất nhiều đôi trai gái đã nên vợ, nên chồng từ những buổi đi Chợ tình Khau Vai.
Ý kiến bạn đọc