Tưng bừng Lễ hội Xuân Hà Nội 2008
Sáng 17/2, Lễ hội Xuân Hà Nội 2008 đã diễn ra tưng bừng xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quảng cáo Hà Nội tổ chức, nhằm tạo khí thế vui tươi cho nhân dân Thủ đô nhân dịp đầu xuân mới.
Lễ rước Tứ trấn. |
Gần 2000 người thuộc 18 đoàn lễ hội dân gian truyền thống của các quận, huyện, phường, xã đã tham gia diễu hành “Lễ hội Xuân Hà Nội 2008”. Sau hoạt cảnh vui “Đám cưới chuột” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn đã mở màn Lễ hội, người dân Thủ đô và du khách đã có dịp được thưởng thức nghệ thuật múa rồng, sư tử đặc sắc của Thủ đô. Ấn tượng nhất phải kể đến lễ rước "Tứ trấn Thăng Long".
Ngoài ra, người dân còn được thưởng thức các tiết mục đặc sắc như: trống hội, múa cờ, múa hát Ải Lao của hội Gióng, múa xênh tiền, múa bồng của hội làng Triều Khúc, hội thi dân gian “Kén rể” của làng Đường Yên (Xuân Nộn –Đông Anh), hội cờ người của phường Quảng An, những môn võ thuật cổ truyền, múa trống, múa chiêng…và một số hoạt động thể thao của Hà Nội như: khiêu vũ thể thao, thể dục dưỡng sinh... Lễ rước và biểu diễn đã diễn ra tưng bừng xung quanh hồ Hoàn Kiếm và 3 sân khấu chính đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Bà Triệu – Hàng Khay.
Tổng đạo diễn chương trình -TS. NSND Phạm Thị Thành cho biết: Lễ hội Xuân sẽ được tổ chức thành thông lệ hàng năm vào dịp đầu Xuân để trở thành nét văn hóa cho người dân Thủ đô. Lễ hội xuân năm nay nét văn hóa là chính, ngoài ra có cả thể dục thể thao, xiếc.
“Lễ hội Xuân Hà Nội 2008” có thể coi là bước tập dượt cho chương trình đại lễ 1000 năm TL-HN. Còn hơn 2 năm nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn những tiết mục nhân dân ưa thích để chuẩn bị cho chương trình 1000 năm. Với mục đích đó, nên các quận, huyện, làng, xã sẽ lựa chọn các tiết mục, lễ hội rất linh thiêng của địa phương mình vào để góp phần, các đơn vị khác tham gia tham gia biểu diễn. Chủ yếu lựa chọn các tiết mục văn hóa dân gian vừa là trò chơi nhưng cũngmang nghệ thuật âm nhạc, cách diễn, cách nói, cách múa...đặc sắc của làng quê đó.
GS. Hoàng Chương – Viện Trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian đã phát biểu cảm tưởng: “Lễ hội xuân Hà Nội 2008” sẽ khơi dậy tất cả tiềm năng văn hóa dân tộc, là cuộc tập dượt để chuẩn bị cho đại lễ hoành tráng nhất trong lịch sử - Lễ hội 1000 năm Thăng Long –Hà Nội sắp tới vào 2010. Điều đặc biệt của lễ hội này là không phải dùng các nghệ sỹ chuyên nghiệp để biểu dương nghệ thuật mà hoàn toàn là các nghệ sỹ dân gian trong tất cả các tiết mục. Điều đó cho thấy tiềm năng nghìn năm văn hiến của Hà Nội là vô cùng phong phú. Quân xâm lược từ trước đến nay vẫn luôn sợ nhân dân ta ở chính nền văn hóa đó, vì vậy mà chúng ta phải luôn tự hào, bảo vệ và phát huy nó nhiều hơn nữa trong cuộc sống hôm nay.Với tư cách là một giáo sư nghiên cứu về văn hóa, tôi rất thích thú, tự hào, vui sướng về lễ hội văn hóa hôm nay.
Ý kiến bạn đọc