Tìm về đêm hội cầu trăng huyền thoại
(HGĐT) Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được sống dưới bầu trời tràn ngập ánh trăng nguyên thủy. Và cũng lâu lắm rồi, tôi mới lại cảm nhận được vẻ đẹp thuần khiến của đêm trăng nơi miền sơn cước. Từ ngày rời quê ra thành phố học tập rồi đi làm ở thị xã, nơi phồn hoa đô hội với những ánh đèn cao áp rực sáng cùng cuộc sống, công việc cứ cuốn đi theo dòng chảy của thời gian khiến ta không có được chút thời gian tĩnh tâm, thanh thản để tận hưởng vẻ đẹp của trăng
Thế nhưng, vào đúng đêm Rằm tháng 9, tôi lại được sống trong không gian vằng vặc ánh trăng sơn cước. Đặc biệt hơn, tôi được hòa mình vào đêm trăng viên mãn, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là Lễ hội cầu trăng của đồng bào dân tộc Ngạn ở thôn Lâm, xã Vô Điếm (Bắc Quang). Có lẽ không chỉ riêng tôi, còn rất nhiều người dân tộc Ngạn bản địa, đây là lần đầu tiên được tham gia lễ hội dân gian đậm màu sắc tâm linh. Ở tỉnh ta, dân tộc Ngạn có khoảng 2 nghìn người, họ sống rải rác ở các vùng nhưng tập trung đông nhất là thôn Lâm. Dân tộc Ngạn có những giá trị văn hóa tâm linh rất đặc sắc, trong đó có Lễ hội cầu trăng. Theo phong tục cổ truyền của người Ngạn, một năm có 3 thời điểm thích hợp để tổ chức Lễ hội cầu trăng là ngày 15 tháng 8, 9 và tháng 10 (âm lịch). Lễ hội được mở, mời nàng Hai (tên gọi trăng theo tiếng dân tộc Ngạn) xuống trần gian để người dân bộc bạch tâm sự sau một năm sinh sống, làm ăn, cầu nàng Hai cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, bản làng yên vui. Lễ hội cầu trăng là một sinh hoạt văn hóa hướng thiện, mang tính tâm linh, phản ánh đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Ngạn.
Trong không gian vằng vặc ánh trăng cùng với những nghi thức truyền thống được tái hiện trên nền ruộng mới gặt xong tại trung tâm thôn Lâm, tôi bắt gặp ánh mắt nhìn xa xăm của cụ bà Mùng Thị Mim, 89 tuổi. Khi được hỏi về Lễ hội cầu trăng truyền thống, cụ cho biết: Lễ hội cầu trăng có từ lâu lắm rồi, từ ngày đôi chân cụ còn khỏe, đủ sức vượt ngọn núi Khâu Lần, Khâu Lè, đã được nghe người kể truyền thuyết Lễ hội cầu trăng. Nhưng đây là lần đầu tiên cụ được xem lễ hội theo đúng nghi thức cổ truyền, trang nghiêm và linh thiêng. Người già trong bản kể lại: Lễ hội cầu trăng được tổ chức trên một bãi đất rộng để con cháu bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với nàng Hai, dâng lên Nàng những sản vật do người dân làm sau một năm cấy trồng. Phần lễ diễn ra từ đêm 14 (âm lịch), gồm các nghi thức cúng thổ công làng “Thổ coỏng chúa bản” tại đình Thảnh An, ngôi đình thiêng biểu hiện niềm tin, sức mạnh của người Ngạn thôn Lâm để xin phép tổ chức Lễ hội cầu trăng vào đêm hôm sau. Những người tham gia tế lễ gồm thầy cúng, già làng, 8 người giúp việc gồm 4 nam, 4 nữ. Lễ vật gồm 1 mâm mặn (đầu lợn, gà, vịt, xôi, rượu), 2 mâm ngũ quả, 1 mâm bánh làm từ ngũ cốc. Hôm sau, khi nàng Hai lên khỏi đỉnh núi, bắt đầu tỏa ánh sáng xuống bản làng thì đoàn người gồm già làng, đoàn bưng lễ vật, đội trống, chiêng, kiệu hương, nghệ nhân cúng tế rước lễ từ đình Thảnh An về đàn cúng ngoài trời được dựng ở trung tâm lễ hội, sau đó tiến hành cúng thổ công và các thần linh. Trong khi thầy cúng làm lễ, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh dàn cúng ngoài trời gọi là múa “Lộn trám” xin khai hội đón nàng Hai. Tiếp theo, người dân trong bản tế thần Mặt trăng và nàng Chổi còn được mệnh danh là “Nàng lũ quét”. Lễ vật gồm 2 mâm ngũ quả, 1 chậu nước nhỏ hứng ánh trăng, 1 hình nhân bện bằng rơm tượng trưng cho nàng Hai. Đội tham gia nghi thức tế lễ gồm thầy cúng và 2 cô gái theo hầu. Hai cô gái là những người “yếu vía” do thầy cúng tuyển chọn gọi là “Thổ Nàng Hầu”. Khi thầy cúng tiến hành các nghi lễ cúng tế, 2 nàng hầu ngồi cạnh chờ nhập thần. Lễ hội cầu trăng không thể thiếu phần thi ẩm thực truyền thống và biểu diễn văn nghệ dân gian của dân tộc Ngạn. Phần thi ẩm thực, các dòng họ Ngạn chia thành từng đội chế biến các món ăn truyền thống như cơm lam, bánh nhân trứng Kiến bọc lá sung, thịt vịt nướng, món rau rừng, rượu Đao, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, măng chua khô… Đêm hội cầu trăng kết thúc khi nàng Hai lên đứng đỉnh đầu và mọi người cùng tham dự sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những chén rượu sóng sánh, được người dân chia nhau cầu chúc cho một mùa vụ mới bội thu.
Lễ hội cầu trăng thể hiện nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Ngạn, ở thôn Lâm. Thế nhưng, khi những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại giao thoa, đan xen nhau tạo sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt cộng đồng thì nhiều nét văn hóa cổ truyền của người Ngạn bị mai một, trong đó có Lễ hội cầu trăng. Nhiều lớp hậu sinh đã không hiểu về giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Sơn, Vụ Văn hóa dân tộc cho biết: Dân tộc Ngạn là một nhánh nằm trong hệ ngữ Tày - Thái có bản sắc riêng. Trong cả nước, dân tộc Ngạn chưa đến 5 nghìn người. Và theo quy luật, tốc độ đồng hóa về văn hóa của dân tộc ít người diễn ra nhanh hơn, bị mai một nhiều hơn. Nếu không có chiến lược, chính sách bảo tồn thì những giá trị đó nhanh chóng bị lãng quên. Vì vậy, việc phục dựng lại Lễ hội cầu trăng của dân tộc Ngạn có ý nghĩa rất quan trọng, làm sống lại một không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc. Qua đó, giáo dục truyền thống cho các thế hệ để họ hiểu hơn, biết rõ hơn về những tập tục trong sinh hoạt của dân tộc.
Lễ hội cầu trăng của dân tộc Ngạn, lần đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh, không gian của cuộc sống hiện đại, tuy chưa nói hết, diễn tả hết những tinh túy của đời sống tâm linh, sinh hoạt cộng đồng nhưng đã gợi lại niềm tự hào, sự trân trọng đối với bao người. Qua đêm hội này, hy vọng những thế hệ trẻ người dân tộc Ngạn sẽ hiểu hơn về cội rễ của dân tộc mình. Từ đó, biết quý trọng, giữ gìn và phát huy để nó trường tồn và tỏa sáng.
Ý kiến bạn đọc