Sắc mầu Tây Bắc
Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tây Bắc lần thứ X - 2007 đã khép lại nhưng niềm vui thì vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của những người con núi rừng Tây Bắc.
Tiết mục khai mạc Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc lần thứ X. |
Ðây cũng là dịp tôn vinh những sắc mầu văn hóa - thể thao truyền thống và độc đáo đã được gìn giữ qua bao năm tháng trên những bản làng Tây Bắc xa xôi.
"Bản hòa tấu" của sắc mầu và âm điệu
Rực rỡ sắc mầu trang phục các dân tộc từ khắp mọi nẻo đường Tây Bắc đã cùng ùa về thành phố trẻ Yên Bái để chung niềm vui ngày hội. Ðêm khai mạc với sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã mang lại một không khí sôi động với sự tỏa sáng của những nét đẹp văn hóa, của sự hòa quyện những sắc mầu, âm điệu, vũ điệu riêng có của vùng cao Tây Bắc.
Vẻ quyến rũ của những họa tiết hoa văn thổ cẩm mang dáng dấp mộc mạc của núi rừng như cũng tỏa sắc nhiều hơn trong dáng vẻ e ấp của những thiếu nữ miền sơn cước. Và niềm vui hội tụ càng được thăng hoa khi hàng trăm nghệ nhân, diễn viên cùng đông đảo du khách cùng nắm tay nhau trong vòng xòe rộn ràng - một trong những đặc trưng sinh hoạt văn hóa cộng đồng nổi bật ở vùng cao Tây Bắc.
Bức tranh cuộc sống Tây Bắc được khắc họa thật rõ nét qua nhiều hoạt động sôi nổi trong ngày hội. Khác với không khí đua tài sôi nổi từ sân chơi thi đấu thể thao của 190 vận động viên dân tộc với những trò chơi dân gian truyền thống đã tồn tại lâu đời như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đánh quay truyền thống, chạy việt dã..., là một không gian đậm sắc mầu văn hóa Tây Bắc với những lời ca, tiếng hát, vũ điệu, lễ hội, trang phục, nhạc cụ... được các nghệ nhân mang tới từ những bản làng giàu bản sắc.
Du khách đến hội không thể không "say" trong chiều sâu văn hóa từ những trích đoạn lễ hội dân gian như: Ðám cưới dân tộc Dao Ðỏ ở Lào Cai, Cầu mùa của người Cao Lan ở Yên Bái, Kin Pang Then (lễ cúng mừng con nuôi) của người Thái Trắng ở Sơn La, Căm Mường của người Lự ở Lai Châu, Chá Chiêng của người Thái ở Hòa Bình, Khửn cẩu của dân tộc Thái Ðen ở Ðiện Biên. Nghệ nhân Tẩn Phù Quan (dân tộc Dao Ðỏ, Lào Cai) nói: "Chúng tôi mang đến ngày hội những giá trị văn hóa truyền thống, thật như chính cuộc sống của mình để mọi người đến hội đều biết đến cuộc sống và những sinh hoạt nghi lễ truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Dao Ðỏ".
Ăm ắp hơi thở cuộc sống vùng cao Tây Bắc. Chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc cũng là cơ hội tỏa sáng và tôn vinh đối với những giá trị văn hóa nghệ thuật của đất và người Tây Bắc.
Bài toán bảo tồn
Không chỉ là tôn vinh, Ngày hội năm nay tiếp tục đặt ra những vấn đề nhằm đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa - thể thao truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc trong cuộc sống hôm nay. Cuộc hội thảo "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ các dân tộc vùng Tây Bắc thời kỳ hội nhập" được tổ chức cũng với ý nghĩa này. Ông Ngô Quang Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: "...
Văn hóa các dân tộc Tây Bắc đa dạng, phong phú, giàu bản sắc đang được bảo tồn phát huy song một bộ phận trong đồng bào cũng bộc lộ những mặt yếu là thiếu sự vận động tự thân vươn lên, tư tưởng tự ti, chấp nhận đói thông tin, nghèo văn hóa, trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ từ phía Nhà nước mà chưa chủ động góp phần xây dựng đời sống văn hóa của chính mình". Những tác động không lành mạnh của kinh tế thị trường lên những giá trị truyền thống khiến các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và lễ hội dân gian đặc sắc vốn có độ bền vững lâu đời lại dần bị bỏ rơi và chìm vào quên lãng cũng là một thực trạng đáng lo lắng được nhiều ý kiến nêu lên.
Ông Ðinh Hồng Vận (Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận T.Ư) cho rằng, trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, cần chú trọng vừa bảo tồn, phát huy bản sắc, vừa kiên quyết ngăn ngừa và đấu tranh, chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại vào đời sống văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Ông cũng lưu ý đến những giải pháp để "cứu" và không đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã phải di cư khỏi những vùng hiện là nơi đang xây dựng các công trình thủy điện lớn vùng Tây Bắc.
Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hòa Bình Hoàng Thị Chiển lại nêu quan điểm: "Công tác bảo tồn vốn văn hóa dân tộc không chỉ đơn thuần là việc giữ lại tất cả những gì cha ông đã sáng tạo trong tiến trình lịch sử. Trái lại bảo tồn văn hóa dân tộc là phải dựa trên phương châm cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu, lỗi thời thì loại bỏ...".
Ý kiến bạn đọc