Phim Việt Nam dự Oscar 2008: Như một ước mơ lãng mạn
Sự kiện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quyết định cho Cục Điện ảnh gửi phim Áo lụa Hà Đông tham dự giải Oscar là một tin vui cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, như nhiều người trong cuộc nhìn nhận, khả năng để Áo lụa Hà Đông có thể vinh danh trên thảm đỏ Nhà hát Kodak ở Hollywood (Mỹ) trong đêm trao giải Oscar lần thứ 80 (24.2.2008) hãy còn khá xa vời...
Cảnh phim Áo lụa Hà Đông. |
Những người mẹ, người vợ Việt chưa bao giờ gục ngã trước khó khăn thử thách, luôn một lòng một dạ vì con, vì chồng. Đạo diễn kiêm nhà phê bình điện ảnh của Hàn Quốc Kim Ji Seok nhận xét: "Một bộ phim tráng lệ, phác họa cảnh một gia đình nghèo hèn và bị áp bức, có thể giữ vững được niềm kiêu hãnh và đức hạnh, vượt qua được nghịch cảnh; nêu được sức mạnh kiên cường của người phụ nữ Việt Nam dù phải chịu cảnh bần cùng".
Trong những ngày làm thủ tục để gửi Áo lụa Hà Đông sang Mỹ, diễn viên Phước Sang (Giám đốc Hãng phim Phước Sang, cùng hợp tác với Hãng phim BHD và Công ty Ánh Việt sản xuất Áo lụa Hà Đông) rất vui. Anh cho biết: "Đây là lần đầu một bộ phim tư nhân được Nhà nước đề cử tham dự giải Oscar. Không như những LHP khác, tác giả có thể tự gửi phim tham dự, ban tổ chức giải Oscar (của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ) quy định mỗi quốc gia tham dự giải “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” phải được chính phủ đề cử và chỉ một phim duy nhất". Áo lụa Hà Đông là bộ phim "Made in Vietnam" thực thụ từ sản xuất đến phát hành và trọn bộ phần kịch bản, đạo diễn, diễn viên... đều do người Việt đảm nhiệm.
Việt Nam đã từng đưa một số phim dự Oscar như Mùa len trâu (đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh) năm 2006, Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) năm 2007. Trước đó, năm 1993, Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng được vào danh sách đề cử giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Tuy nhiên đến nay điện ảnh Việt vẫn chưa nhận được giải Oscar - một trong những giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh thế giới. |
Tuy nhiên, chuyện dự Oscar và đạt được kết quả tốt có quá tầm so với mặt bằng về đẳng cấp và trình độ hiện nay của điện ảnh Việt hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Kết quả sẽ có vào ngày 22.1.2008, khi Hội đồng giám khảo công bố những phim nước ngoài được vào danh sách đề cử tượng vàng Oscar. Chỉ ở vòng sơ tuyển, Áo lụa Hà Đông đã phải cạnh tranh với hơn 100 phim đến từ các nền điện ảnh lâu đời và phát triển như Pháp, Đức, Ý, Canada hay Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran... Xem ra con đường được vào top 20 phim nước ngoài hay nhất cũng đã đủ để vinh danh nền điện ảnh Việt còn non trẻ.
Giám đốc Phước Sang nhận định thêm: "Về kỹ thuật, Áo lụa Hà Đông đạt đủ các yêu cầu về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh... theo chuẩn quốc tế, nếu không đã bị loại ngay từ vòng đầu. Song để tiến vào sâu hơn nữa, chưa thể nhận định gì vì còn tùy vào cảm nhận của các thành viên ban giám khảo". Anh khẳng định thêm, dù lần tham dự Oscar này không đạt được thành công, anh vẫn tiếp tục sản xuất những bộ phim tương tự Áo lụa Hà Đông trong tương lai. Bởi anh cho rằng, những người làm phim phải có thật nhiều tâm huyết và cá tính nghệ thuật để may ra, một ngày nào đó, hy vọng phim Việt Nam có thể được vinh danh tại xứ sở có nền điện ảnh hùng mạnh nhất thế giới.
Bà Dương Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: "Tham dự Oscar là cơ hội để chúng ta học được nhiều điều từ các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, còn đánh giá phim hay dở thì tùy ban giám khảo. Khi đi thi, ai cũng mong đứa con tinh thần của mình đoạt giải, nhưng đồng thời, chúng ta luôn phải biết người biết ta. Còn nếu để so sánh thì chúng ta phải xác định vị trí của điện ảnh Việt đang ở đâu trên thế giới, qua phim của các nước tham dự Oscar 2008. |
Ý kiến bạn đọc