“Ma làng” trong mắt bạn xem truyền hình

13:54, 25/10/2007

Bộ phim “Ma làng” hiện đang được phát sóng trên khung giờ Vàng của Đài Truyền hình Việt Nam và thực sự đây là một bộ phim có sức hút khá lớn với khán giả xem truyền hình. Tái hiện lại bối cảnh xã hội nhiều biến động cùng những vấn đề phức tạp ở nông thôn mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, “Ma làng” đem đến nhiều góc nhìn sâu sắc cho người xem.


 
NSƯT Bùi Bài Bình trong vai thư ký uỷ ban Tòng.
Những nỗi niềm sau luỹ tre làng…

“Ma làng” là một bộ phim tạo được dấu ấn đậm nét ngay từ những tập đầu tiên. Dù đề cập tới một vấn đề đã chìm vào quá khứ hơn 20 năm nhưng tính thời sự cùng những khía cạnh được bộ phim khai thác thật sự đáng chú ý.

“Những vấn đề được các nhà làm phim thể nghiệm trong “Ma làng” là những tồn tại có thực trong nông thôn Việt Nam giai đoạn trước và thậm chí đến ngày nay không ít làng xã vẫn còn chịu ảnh hưởng của những hủ tục và thói quan liêu ấy. Những kẻ cầm quyền thế trong tay nhưng lại đi ngược lại lợi ích của nhân dân và bóp méo tư tưởng của Đảng, Nhà nước như quyền chủ tịch xã Thệ, thư ký uỷ ban Tòng, phó chủ tịch phụ trách công an xã Lường hay Phạm Hò rồi Lọt không chỉ tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc trong thời đại mới. Với riêng tôi, bộ phim này là một tiếng nói thiết thực, ý nghĩa, có tác dụng cảnh báo và răn dạy rất tốt”, một khán giả tại địa chỉ hoabinh77@... nhận định.

Sự thống trị, kết bè kéo cánh của một bộ phận những kẻ có quyền tại xã Bâm Dương đã đẩy người dân miền núi nơi đây vào cảnh sống đói nghèo, trì trệ. Trong khi ruộng đất, đồi núi để hoang, người dân lại không được khuyến khích làm việc, nhàn rỗi sinh ra lười biếng và ỷ lại. Còn các vị “tai to mặt lớn” thì chỉ nghĩ đến chuyện bảo vệ “tước vị” và “dìm chết” những “mầm mống phản động” chống lại chúng. Điều đáng nói là những sự việc tưởng khô khan ấy đã được các nhà làm phim chuyển tải đến người xem rất tự nhiên và dễ hiểu.

Bạn Thanh Hùng tại địa chỉ thuytinh_buon@... tâm sự: “Nét hài hước của bộ phim khiến nhiều vấn đề phức tạp và khô khan được thể hiện sinh động và dễ hiểu. Hơn nữa nhưng điều được đề cập vẫn rất chân thực. Đó có thể được coi là một thành công của “Ma làng”. Bộ phim cũng khiến chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của bà con miền núi trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Nó rất tiêu biểu và ý nghĩa”.

Bộ phim không chỉ vạch trần những bộ mặt xấu xa, chuyên quyền mà còn phê phán những con người như ông Tính - một Bí thư Đảng uỷ, cựu chiến binh, gần 40 năm tuổi Đảng - chỉ vì giữ danh dự, giữ cái tiếng cho bản thân mà sợ hãi và nằm yên để cái xấu hoành hành. Tuy nhiên, bên cạnh đó hình ảnh của Tâm, của Nghiệp và rất nhiều bạn trẻ khác đã đem đến những tia sáng, những hi vọng cho sự đổi đời của làng quê này dù phía trước họ còn rất nhiều chông gai.

Đôi chút băn khoăn

Phải nói rằng “Ma làng” đã tập hợp được một lực lượng diễn viên đông đảo và chất lượng. Sự diễn xuất tự nhiên và chân thực của các diễn viên như Kim Oanh, NSƯT Bùi Bài Bình hay Hồng Sơn v.v… đã tạo được sức hấp dẫn lớn cho bộ phim. Ngoài ra, những hình ảnh mang đậm tính linh thiêng, biểu tượng như con rắn hổ mang chúa cũng là một nét khắc hoạ đậm nét trong “Ma làng” được nhiều khán giả quan tâm và yêu thích.

Song bên cạnh đó, nhiều bạn sau khi xem phim cũng có những “thắc mắc” rất chính đáng. Một bạn khán giả kể rằng: “Không hiểu sao bộ phim nói về thời kỳ bao cấp, tức là còn HTX nông nghiệp, có anh Chủ nhiệm, lao động theo kẻng… vậy mà khi dựng khu xử án mẹ con cô Tân lại có cả micro không dây - một trang thiết bị hiện đại mà có lẽ thời mở cừa sau này mới có”.

Đồng thời trang phục cho một số diễn viên cũng là điều mà khán giả quan tâm cho rằng cần được đầu tư và quan tâm kỹ hơn để phù hợp với bối cảnh.

Dù sao, với những công sức đã bỏ ra “Ma làng” thực sự đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả xem truyền hình. Hiện tại bộ phim dài 19 tập này đang được trình chiếu vào 21h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trên kênh VTV1 của Đài Truyên hình Việt Nam.


VTV.VN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nước đầy khe cạn
Xóm Khe Cạn chỉ có vài chục nhà. Những người trong các ngôi nhà ấy có gốc gác khác nhau và đến từ nhiều miền quê xuôi ngược. Hơn mười năm trước Khe Cạn là nơi được phát hiện có mỏ “vàng gốc”. Trong những vỉa đá vôi xám xịt gần khe cạn có lẫn rất nhiều các “cục vàng” tươi rói, sáng lấp lánh, mang hình khối lập phương trông vô cùng sướng mắt.
28/09/2007
Bản sắc văn hoá của người Lô Lô
(HGĐT)- Dân tộc Lô Lô có khoảng 3.300 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh ta và một số ít ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là một trong những dân tộc ít người nhất của nước ta. Mặc dù vậy, người Lô Lô vẫn đang chứng tỏ mình là một dân tộc bản lĩnh.
28/09/2007
Khai mạc ngày hội văn hoá- thể thao các dân tộc Tây Bắc
Ngày hội văn hoá- thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 10 đã khai mạc tối nay tại Yên Bái với sự tham gia của gần 700 diễn viên, vận động viên của sáu tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lai Châu.
24/10/2007
Tệ sao chép, hát nhép: Căn bệnh khó chữa
Nhiều chương trình ca nhạc ngày càng trở nên giống nhau; không chỉ ca sĩ hát nhép, mà các nhạc công cũng "múa đàn" trên sân khấu.
22/10/2007