“Ma làng” - Một bộ phim truyền hình đáng xem
Chọn góc nhìn trực diện về đêm trước đổi mới ở nông thôn Việt Nam, Ma làng (đang chiếu trên VTV1) sinh động trong các cảnh quay, sâu sắc trong các chi tiết kịch bản, chăm chút trong diễn xuất của diễn viên, xứng đáng là một trong những bộ phim truyền hình đáng xem.
Không thể hình dung được rằng chúng ta đã phải trải qua một thời như thế. Một thời mà ông chủ tịch xã (như ông Thệ) say sưa với những biện pháp phát động chiến dịch, phong trào vô bổ, lãng phí sức lao động của tập thể chỉ để lấy thành tích báo cáo cấp trên và thu lợi cho phe nhóm...
Một thời mà những kẻ gian xảo, láu cá, thủ đoạn, luồn lọt (như Tòng) lại ung dung ăn trên ngồi trước và thao túng chính quyền, đưa người của dòng họ vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Một thời mà những kẻ xấu xa, cơ hội như Lường, Phạm Hò, Lọt ung dung nắm giữ các vị trí quyền lực của xã, câu kết biển thủ của công, tham ô tài sản tập thể và chèn ép những người lương thiện.
Người xem bàng hoàng tự hỏi mình "cái thời ấy là thời gì?" khi cha chung không ai khóc, ai cũng giành cái lợi về cho bản thân mình, những người dân thấp cổ bé miệng không thành Chí Phèo thì cũng thành AQ (như Dỏ, Nợi, Ló, Thìn, Bẹo), không biến chất đến tha hóa thì cũng co mình, thủ thế, đến làm người tốt cũng chẳng dám (như ông Tĩnh, bà Lâm, Thành). Mặc dù trong sâu thẳm, họ vẫn biết làm ngơ với cái xấu cũng là xấu.
Thế nhưng nếu Ma làng chỉ có những khoảnh khắc làm khán giả buồn, tức giận, thậm chí phẫn nộ như thế thì phim sẽ rất khô khan, nặng nề tính chính luận. Hai đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Hoàng Lâm đã đem vào những tiếng cười khiến không khí phim dịu lại và những vấn đề xã hội trở nên dễ đi vào lòng người.
Một điểm nhấn đặc biệt của Ma làng chính là "lạ hóa" các gương mặt cũ, thông qua việc đạo diễn đã dám giao những vai diễn khác hẳn với khung hình tượng của các diễn viên trước nay mà NSƯT Bùi Bài Bình trong vai thư ký ủy ban Tòng là một ví dụ sinh động.
Xưa nay nghệ sĩ này vốn quen vào những vai hiền lành, nhẫn nại, nói chung là kiểu "người tốt việc tốt". Nay, ông đóng vai một anh thư ký lươn lẹo, thủ đoạn để trở thành chủ tịch xã một cách xuất sắc: diễn như không diễn, chỉ một nụ cười nham hiểm, một cái nhíu mày thủ đoạn cũng đủ làm khán giả có cảm giác như đã gặp cái "ông thư ký” này ở đâu đó trong cuộc sống.
Bùi Bài Bình đã làm khán giả tin rằng họ không chỉ gặp ông Tòng trong đêm trước đổi mới mà còn cả trong đời sống hiện nay. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Hồng Sơn vào vai Dỏ - suốt ngày say xỉn - cũng đã làm ngạc nhiên không ít khán giả vì anh đã ít nhiều đóng khung trong những vai hiền lành.
Nếu còn điều gì để chưa hài lòng với Ma làng thì đó chính là đôi ba chi tiết hiện đại như micro không dây, quần áo học sinh quá tinh tươm, sạch sẽ, trang phục của các diễn viên cũng còn khá mới, một số đạo cụ như chén lại rất đẹp.
Bộ phim đang dần đến những tập cuối cùng nhưng dư âm hẳn sẽ dài hơn con số 19 tập. Chọn đề tài quen thuộc nhưng làm mới nó bằng cả tài năng và tâm huyết là một hướng lựa chọn đúng mà ê-kíp làm phim Ma làng đã đi. Hẳn không ít khán giả truyền hình mong mỏi được xem những bộ phim như thế.
Bài hát của phim - điểm nhấn đáng nhớ
Ít người biết rằng "Ông Phần nông thôn" với Đất và người nổi tiếng lại có một vị trí khác trong phim Ma làng: người viết lời ca khúc chủ đề của phim - Đêm cuối cùng của mùa đông. Những ca từ khắc khoải đã tạo thêm một điểm nhấn đáng nhớ sau khi mỗi tập phim khép lại:
Anh còn nhớ chăng đêm ấy, những bóng ma chập chờn, những lo toan nghẹn ngào cả miền quê đất người đều không ngủ yên. Đó là đêm, đêm cuối mùa đông; đó là đêm, đêm cuối cùng của mùa đông. Đó là đêm quặn lòng trong cơn đau trở dạ, khắc khoải mong một bình minh đầu tiên những tia nắng vàng đem về ấm no bình yên. Em không nhớ từ đêm đông ấy, ngọn lửa nào trong cây đuốc đầu tiên, lửa đã cháy cả làng quê thức dậy nối tiếp nhau soi sáng những nẻo đường...
Trở dạ thì đau đớn nhưng qua mùa đông, mùa xuân ấm áp sẽ lại về, như niềm vui sẽ lại về trên xã Băm Dương khi cái ác bị đẩy lùi.
Ý kiến bạn đọc