“Cổ tích” một vùng quê
(HGĐT)- Trước khi đến xã Mậu Duệ (Yên Minh), nhiều người cho rằng: Ngày 9.9 (âm lịch) hàng năm người dân tộc Tày ở đây làm lễ “Tết cá”, nhưng có ý kiến cho đấy là Tết “cơm mới”, Tết “đón” bông lúa về; nhưng cũng có nhận xét “Tết 3 trong 1” quan trọng trong một năm làm ăn, hay Tết “cầu mùa” của người dân địa phương gắn với nền văn minh lúa nước có từ ngàn đời truyền lại.
Khi tôi đến, thì quả thật đó là cả một câu chuyện “cổ tích” vừa hư vừa có thật.
Trò đua cá
Cầm trên tay con cá chép màu đỏ, tôi cũng háo hức lao theo đám trẻ xuống suối Nà Đon trong tiếng hò reo. Bọn trẻ, mỗi đứa một con cá chép bắt từ ruộng lúa nhà mình về chọn màu đẹp, con khỏe xiên qua vây lưng, buộc sợi chỉ đỏ, se chắc, gắn con cá cùng sợi dây chỉ vào một chiếc mảng làm bằng cây sậy khô mọc bên bờ suối Nà Đon, cùng thả xuống suối, đuổi lội ngược dòng. Những bước chân gấp gáp chạy ngược làm nước bắn tung tóe, đám cá chép được bọn trẻ thả xuống thấy động thi nhau nhảy ngược kéo theo cái bè mảng bé xíu nhấp nhô trên mặt nước trong. Cả một đoạn dài dọc suối Nà Đon, thôn Nà Bủa, rộn tiếng reo hò. Cứ thế, một cuộc đua kéo dài, đứa nhỏ đua cùng đứa nhỏ, đứa lớn đua với đứa lớn, còn đàn cá đủ màu, kéo bè trên lưng thì đua nhau quẫy, nhảy trên mặt nước. Hỏi chuyện các “huấn luyện viên” tí hon trong cuộc đua cá trên dòng Nà Đon, được biết: Cá chép bắt về đưa vào chậu nướcthật to, nhốt 1 ngày không cho ăn để cá nhả bùn, rửa mang, hít thở nguồn nước trong lành. Bè mảng làm bằng cây sậy nhẹ, mọc bên bờ Nà Đon được phơi khô, buộc thành mảng đủ loại hình: Bè, tàu, thuyền... Dây buộc vây lưng thường được se bằng chỉ bông, nhuộm đỏ. Mỗi năm 1 lần, cứ đến sáng 9.9 (âm lịch) đám trẻ trong làng lại tụ tập bên dòng Nà Đon chơi trò đua cá chép, reo hò từ lúc mặt trời thức giấc cho đến khi chúng thấy đói bụng, vui vẻ, mệt nhoài.
Quan niệm dân gian nơi đây cho rằng: Cuộc đua càng dài, con cá càng khỏe, bơi càng nhanh, nhảy càng mạnh thì con cái, gia đình học càng may mắn, làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi, gia đình, dòng họ hạnh phúc, vững bền.
Người giữ lửa
Cụ Hòe năm nay 76 tuổi, cụ bàđã tuổi 78. Gia đình cụ cũng như nhiều gia đình trong xã Mậu Duệ xưa kia sinh rất nhiều con, cháu. Đến nay cụ Hòe sống với anh Tuấn là con trai cả, cụ bà sống với cậu con út. Cụ bảo: Hôm nay là 1 trong 3 ngày tết rất quan trọng trong một năm của người Tày Mậu Duệ. Tết 9.9 của làng có lệ đua cá, cắt bông lúa mới về cúng ông Táo (treo 4 góc gác bếp) và báo cáo tổ tiên mùa làm ăn cấy hái trong năm đã kết thúc. Tất cả cái tết nhà cụ bây giờ trông cả vào đứa con dâu (cô Thiện), vợ Tuấn.
Bên bếp lửa đặt giữa ngôi nhà sàn rộng, một khuôn mặt thanh tú nhìn về phía chúng tôi ửng hồng. Thiện năm nay 39 tuổi, chị có đôi má bồ quân, một đôi mắt “biết nói”. Về làm dâu gia đình, chị đã có với anh Tuấn 2 con, chúng đã học tới lớp 10 ở phố huyện. Vừa làm bếp, Thiện vừa giải thích: Trong ngày lễ 9.9, nhà nào nhà ấy đều phải làm các món ăn truyền thống để cúng tổ tiên. Từ hồi nhỏ, trước ngày 9.9 khoảng vài ba ngày chị theo mẹ ra ruộng lúa nếp cái trồng ở góc làng gặt những bông lúa to, vừa đóng sữa đem về bỏ vào chõ cọ đồ xôi cho chín. Lúa được đem phơi, (hoặc khi trời mưa thì phải đem sao trên chảo cho tới khi khô), đem ra cối nước đầu làng giã lấy hạt. Đêm 8.9, đem hạt gạo đó ngâm nước đến sáng ngày 9 vớt, đãi sạch tiếp tục cho vào chõ xôi chín, đơm ra gói lá dong rừng làm cơm cúng tổ tiên. Món này người Tày gọi là Khẩu lang. Khẩu lang có hương cốm đầu mùa thơm ngậy, béo, dẻo, cộng thêm hương vị của lá dong rừng tạo thành món ăn đặc trưng, rất riêng trong đồ cúng tế. Bắc xong chõ xôi lên bếp, Thiện đưa tôi xem chiếc lá rừng có bản to, xanh ngắt, vương trên mặt lá, cuống lá chút lông tơ mịn, đây là lá Bùng Bục cũng lấy từ rừng. Lá Bùng Bục gói với cá chép ruộng đủ 12 con, tượng trưng cho 12 tháng của 1 năm, trộn ít măng giang rừng thái chỉ, om chua cộng các loại lá thơm trong rừng gói lại với nhau đem hấp (xôi) chín, nướng qua lửa cho thơm. Pẹ Pình (cá nướng) được chọn những con cá chép đều nhau, nướng trên gắp, bừng than hồng (12 con/gắp) được ướp muối, gừng và gia vị trong vườn cũng có mặt trong ngày lễ cúng. Cá nướng chín được gói bằng lá sấu, vắt nước chanh, gói lại bằng lá dong rừng. Sau một hồi dưới đôi bàn tay khéo léo của “cô tấm” Thiện, các món: Khẩu lang, mác máy, pẻ pình, cá nộm, bánh chưng nhân cá (12 con/cái), cốm xanh, rượu lủi…đã được sắp ra, bày lên mâm cúng làm lan tỏa một mùi thơm hấp dẫn, ấm áp đến lạ trong ngôi nhà sàn đầy ắp tiếng cười.
Lời ngỏ
Chứng kiến các món ăn truyền thống ở nhà cụ Hòe xong, chúng tôi tìm đến nhà bà cụ Khuê để xem các lệ cúng tế. Cụ Khuê cho hay, từ bé đã theo ông nhà cụ đi cúng lễ trong ngày 9.9 hàng năm. Theo quan niệm dân gian của người Tày Mậu Duệ, một năm có 3 cái tết rất quan trọng là: Tết Nguyên đán, Tết rằm tháng 7 và Tết 9.9 (âm lịch). Ngoài các lễ tết kể trên, người Tày vùng này còn có lễ cưới hỏi rất đặc biệt. Trong đó có 1 lễ bắt buộc trong ngày 9.9 con rể (mới hỏi, chưa cưới) phải mang đủ 3 cái lễ/năm và phải đủ 9 cái lễ trong 3 năm liền sau khi hỏi mới được tổ chức đám cưới. Còn ngày 9.9 mang lễ tết bố vợ phải có đủ: 120 con cá chép ruộng, 12 cái bánh chưng, 12 kg gạo nếp để thắp hương mời tổ tiên chứng giám cho tấm lòng thành của chàng rể mới và gia tộc bên nhà trai đối với nhà gái rằng: Họ thành tâm, cầu phúc cho con, cho cháu của 2 họ kết thân làm thông gia để trời đất, tổ tiên chứng giám. Còn lại “gốc tích” của Tết 9.9 thì cụ Khuê, cụ Hòe, các cụ cao niên khác trong làng cũng chịu. Chỉ biết rằng: Sự tích còn lại cho đến ngày nay là những lễ, tết “làm các món ăn toàn bằng cá” rồi mời bà con trong bản đến cùng thưởng thức, chuyện trò... và trò chơi của đám trẻ đua cá vẫn còn lưu giữ nhằm cầu cho “mưa thuận gió hòa”, tưởng nhớ tổ tiên đã gây dựng cuộc sống từ ngàn đời, cầu cho con cháu khỏe mạnh, vật nuôi sinh đàn, mùa màng tốt tươi, con người sống với nhau hòa nhã, vợ chồng, con cái hạnh phúc, đề huề.
Được biết, phong tục này của người Tày Mậu Duệ hiện còn có và lưu giữ ở Ngọc Long, Du Già, nhưng gốc tích của nét văn hóa đặc sắc trên thì kh”ng được hiểu biết cặn kẽ. Dù sao thì phong tục trên cũng là nét văn hóa riêng biệt của đồng bào Tày 3 xã (huyện Yên Minh) rất đáng ghi nhận, nó góp phần làm phong phú nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc