Cần một chương trình lớn tuyên truyền, giáo dục vốn di sản văn hóa phi vật thể
Sắp tới đây, Viện Âm nhạc Việt
Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động có tính chất “mở đường” của một đơn vị chuyên sâu về công tác nghiên cứu, nên rất cần tới những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia sự nghiệp lớn này.
Có lẽ chưa bao giờ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có âm nhạc cổ truyền của dân tộc được Đảng, Nhà nước và những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc dành nhiều công lao, trí lực vào việc nghiên cứu, phục hồi để phát huy mạnh mẽ như những năm gần đây. Việc Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên và sắp tới là Nghệ thuật Ca trù Việt Nam, Không gian văn hoá Quan họ, Không gian hát Then-đàn Tính Việt Nam và nhiều dự án khác, lần lượt đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa, Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản chung của nhân loại – là minh chứng cho thấy sức sống những tinh hoa văn hoá truyền thống Việt Nam đang được “đánh thức” và “vươn dậy” với một sức mạnh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, kho di sản đồ sộ của chúng ta vẫn đang còn như trong tình trạng “nằm im” trong “gia đình” các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và trong các thư viện mà người dân chưa có nhiều cơ hội được thưởng thức cũng như được nghe giới thiệu để hiểu biết một cách đầy đủ. Vậy nên, chúng ta cần một “chương trình quốc gia”, nhanh chóng đưa việc giáo dục, quảng bá cũng như xã hội hoá nhận thức giá trị và tầm quan trọng của những di sản văn hoá phi vật thể truyền thống của dân tộc tới từng người dân. Báo chí, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cùng với các nghệ nhân dân gian từ trung ương tới địa phương cần được đẩy mạnh thực hiện công tác này.
Trước hết hãy bắt đầu bằng những hoạt động hướng tới thế hệ trẻ học đường. Đây được coi là lực lượng tri thức, không những là những người sẽ “gánh vác” sứ mệnh phát huy và duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, là cầu nối “Việt Nam ngày mai” tiếp tục đưa những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông kế tiếp và phát triển trong những giai đoạn tiếp theo, mà họ còn là lực lượng hùng hậu đưa văn hoá dân tộc đến với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Họ là “chiến sĩ” trên mặt trận bảo vệ, phát huy văn hoá dân tộc, chống lại sự lai căng trong văn hoá. Quảng bá, giáo dục những giá trị, những tinh hoa văn hoá của dân tộc, chúng ta cần ưu tiên “đi trước một bước” cho đối tượng này. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương, nhất là những đoàn nghệ thuật nằm ở địa phương đang nắm giữ những loại hình dân ca, dân nhạc độc đáo của dân tộc, cần nhanh chóng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu diễn và giới thiệu thường xuyên tới các trường phổ thông, nhất là đối tượng học sinh bậc trung học phổ thông và sinh viên cao đẳng, đại học.
Sự “vào cuộc” cũng như kế hoạch thống nhất quan điểm chung giữa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương là việc làm cần được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch thống nhất và triển khai đồng bộ. Bước đầu, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các địa phương có những chuyến đi biểu diễn trực tiếp ở các trường đại học, cao đẳng và các trường phổ thông trong tỉnh/thành phố; sau đó, tiến hành các buổi diễn giới thiệu trong các trường trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, tính sơ lược, chúng ta đang nắm giữ ít nhất hơn 30 loại hình dân ca và dân nhạc truyền thống độc đáo, như Ca trù, Quan họ, Tuồng, Chèo, Cải lương, Nhã nhạc, Chầu văn… Tất cả các hình thức sinh hoạt này đều có một quá trình hình thành và phát triển riêng gắn với mỗi vùng miền và địa phương nhất định. Cho nên việc đưa ra “chương trình quốc gia” để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương - những nơi mang “đặc sản” địa phương mình tham gia biểu diễn giới thiệu cho thế hệ trẻ học đường và quảng đại quần chúng nhân dân là hoạt động mang lại hiệu quả cao và giá trị nhân văn sâu sắc. Và chỉ có như vậy thì “kho di sản khổng lồ” mới được đại bộ phận quần chúng nhân dân – “mảnh đất” quyết định cho tương lai di sản của dân tộc-duy trì, bảo tồn, tiếp bước phát triển.
Ý kiến bạn đọc