Nhọc nhằn hành trình tìm diễn viên chuyên nghiệp

08:32, 25/09/2007

Tìm đâu ra diễn viên chuyên nghiệp đảm nhiệm những vai lớn đang là câu hỏi đặt ra cho nhiều đạo diễn, khi mà số lượng phim truyền hình và phim nhựa mỗi năm lên tới vài trăm tập.


 

Cảnh trong phim "Vũ điệu Tử thần"

Điện ảnh Việt Nam đã từng có một thế hệ các diễn viên như Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới, Bùi Bài Bình, Diệu Thuần, Như Quỳnh... là những "thương hiệu" bảo đảm cho sự thành công của mỗi bộ phim.

Thế hệ sau này như Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Việt Trinh, Võ Hoài Nam, Quyền Linh, Hải Yến... cũng đã gắn được tên tuổi với thành công của một số bộ phim.

Tuy nhiên, thành công của họ phần nhiều là nhờ vào sự trau chuốt kỹ càng của đạo diễn cũng như chất lượng kịch bản. Họ luôn được các đạo diễn để dành vai, nhưng sự xuất hiện thường xuyên của họ đã trở nên nhàm chán...

Nhiều đạo diễn đã cố thay đổi khẩu vị bằng những ngôi sao ca nhạc, người mẫu chân dài để cố níu kéo khán giả, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Các diễn viên này, nổi lắm cũng chỉ đóng trong 1 hoặc 2 bộ phim rồi "lặn" mất tăm.

Tìm đâu ra diễn viên chuyên nghiệp đảm nhiệm những vai lớn đang là câu hỏi đặt ra cho nhiều đạo diễn, khi mà số lượng phim truyền hình và phim nhựa mỗi năm lên tới vài trăm tập.

Sự khan hiếm này một phần bắt nguồn từ thực tế diễn viên chưa thể đảm bảo cuộc sống bằng thù lao đóng phim. Cát-xê cho diễn viên chính quá thấp: chỉ từ 5 - 8 triệu cho một phim truyện nhựa, mà mỗi lần làm phim nhựa thường kéo dài tới nửa năm.

Trong khi nếu làm những nghề như MC, hay ca sĩ, người mẫu sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Vì thế đa số các diễn viên phải làm thêm để kiếm sống, không có thời gian đầu tư cho vai diễn. 

Nhìn vào hai cơ sở đào tạo lớn là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM mỗi năm cũng chỉ cung cấp cho thị trường từ 30 đến 40 diễn viên tạm gọi là chuyên nghiệp. Nhưng họ lại học thiên về sân khấu nên nếu có đóng phim cũng phải mất thời gian làm quen với diễn xuất điện ảnh.

Khi ra trường họ đều đầu quân cho các đoàn nghệ thuật, nhà hát chứ các hãng phim cũng như truyền hình từ lâu đã không có biên chế cho diễn viên. Phim ảnh và sàn diễn là hai bộ môn nghệ thuật hoàn toàn khác nhau.

Không phải diễn viên nào cũng đủ khả năng để rạch ròi giữa lối diễn trước khán giả và trước ống kính máy quay. Vì thế mới có chuyện nhiều diễn viên vẫn mang nguyên phong cách diễn của sân khấu lên màn ảnh. Và người xem thường nhận xét rằng: Cảnh phim này kịch quá!

Gần đây, Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã tự mở lối bằng cách tự tuyển sinh và đào tạo ngắn hạn, trang bị cho các diễn viên tương lai những kiến thức cơ bản về nghệ thuật diễn xuất và đã ưu tiên để các học viên sau khi tốt nghiệp được tham gia vào các dự án sản xuất phim của VFC.

Tuy nhiên một số diễn viên từ khóa đào tạo này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có người còn làm hỏng phim. Dĩ nhiên không thể mong đợi gì ở một cơ sở không chuyên chỉ trong thời gian ngắn có thể cho ra một lớp diễn viên có thể gánh vác được những gian nan của môn nghệ thuật thứ bảy.

Nhiều dự án làm phim đã hy vọng có thể phát hiện từ những nhân tố mới, không chuyên bằng các cuộc thi tuyển diễn viên. Có đạo diễn phải vào Nam ra Bắc mới tìm được nhân vật thật phù hợp như bộ phim "Em muốn làm người nổi tiếng".

Hay như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn công phu thông báo việc tuyển diễn viên cho phim mới "Chơi vơi" cả trên blog của mình.

Bộ phim "Thủ tướng" của đạo diễn Lê Hoàng cũng gây xôn xao dư luận với thành phần những người tham gia dự tuyển gồm cả diễn viên, người mẫu, ca sĩ đã có tên tuổi.

Các đạo diễn muốn phát hiện được những gương mặt mới, chọn được đúng những diễn viên "sinh ra cho những vai diễn", thể hiện con mắt tinh đời của đạo diễn và hy vọng dưới bàn tay "phù thủy" của mình có thể "phù phép" ra các ngôi sao thực thụ như nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh đã làm.

Tuy nhiên, tìm kiếm những diễn viên nghiệp dư không dễ. Khi lựa chọn dàn diễn viên cho phim "Nhật ký Vàng Anh", từ hơn 4.000 hồ sơ, đoàn làm phim mới chọn được 20 người và sau một tháng đào tạo chỉ còn 10 gương mặt trụ lại được.

Nhiều đạo diễn đã rất thất vọng khi các thí sinh trổ hết tài năng bằng những tiểu phẩm ngô nghê, khô cứng. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã có lần nhận xét: Thanh niên tóc đỏ, tóc vàng, móng tay dài nhiều quá. Rất khó tìm một gương mặt trong sáng, thánh thiện.

Ngay như đợt tuyển sinh vào Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam năm nay, có trên 1.600 hồ sơ đăng ký, mà cũng chỉ chọn được 22 thí sinh (chưa đạt 30 chỉ tiêu như trường đã đặt ra).

Những khởi sắc gần đây của thị trường phim nội đang gây áp lực về sự thiếu hụt kịch bản, đạo diễn, diễn viên...

Được biết, Hàn Quốc đã từng mất khoảng thời gian 5-10 năm làm lại từ đầu, mạnh dạn chọn ra những người có năng khiếu và tố chất để gửi sang Mỹ học tập, và hiệu quả của nó đã được chứng minh bằng thành công của điện ảnh Hàn Quốc ngày hôm nay.

Xem ra, nếu chúng ta quyết tâm đổi mới và có hướng đầu tư đúng thì một thời gian nữa mới lại có những ngôi sao thực sự, những hình tượng của một thời kỳ điện ảnh.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam: "Ngày càng ít bạn trẻ theo học ngành diễn viên"

Năm nay, khoa Diễn viên không chọn đủ chỉ tiêu mặc dù có rất nhiều hồ sơ dự thi. Trong số các học sinh trúng tuyển cũng không có đột biến gì. Ngày càng ít bạn trẻ có khả năng theo học ngành diễn viên, họ có quá nhiều lựa chọn.

Những người có ngoại hình và khả năng diễn xuất lại không dự tuyển khoa Diễn viên, họ học kỹ thuật truyền hình, MC, biên kịch, đạo diễn... là những nghề được đánh giá là thực tế, mang lại nguồn thu nhập đảm bảo. Để có nguồn tuyển đa dạng hơn cần có sự quan tâm lớn của xã hội và nhà nước.

Từ năm 2006, nhà nước cũng đã có quyết định giảm 70% học phí cho sinh viên các trường sân khấu nghệ thuật, và một vài cơ sở vật chất trường lớp được nâng cấp, nhưng chúng tôi thấy nhà nước cần quan tâm đích đáng hơn nữa với ngành học đào tạo diễn viên.

Học ngành diễn viên mà lại ít có điều kiện tiếp xúc với ống kính thì khó mà thành tài. Nên chăng có sự kết hợp giữa nhà trường và các đơn vị sản xuất phim để đào tạo theo địa chỉ, như vậy sẽ vừa có kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, khắc phục được những khó khăn hiện thời.

Chi phí công sức đào tạo nghệ thuật cũng rất vô hình. Vì thế chúng ta không chỉ quan tâm đến trò mà cả đến thầy để thu hút được các tài năng đang hoạt động nghệ thuật đến trường giảng dạy.

Từ năm 2005, trường đã mời các chuyên gia, diễn viên, quay phim, đạo diễn của Nga, Pháp và Thụy Điển đến giảng dạy và đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, có được một số "thầy ngoại" là do các dự án hợp tác tài trợ, nên lớp học chỉ kéo dài trong vài ba tháng. Nếu có một chiến lược dài hơi hơn trong việc đầu tư thầy ngoại, chắc chắn chất lượng sinh viên ra trường sẽ được đảm bảo hơn.

***

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: "Khả năng diễn xuất bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu "

- Anh đánh giá thế nào về các diễn viên trẻ hiện nay so với những diễn viên thế hệ trước?

+ Diễn viên trẻ hiện nay có nhiều lợi thế hơn. Họ có điều kiện kinh tế và luồng thông tin đa dạng để có thể cập nhật kinh nghiệm diễn xuất từ nhiều dòng phim khác nhau trên thế giới, có điều kiện giao lưu học hỏi trực tiếp với bên ngoài.

Bên cạnh đó lớp diễn viên trẻ còn có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, xét về khả năng diễn xuất lại không bằng lớp đàn anh, đàn chị.

Ngày trước, diễn viên thường được đào tạo bài bản và trước mỗi vai diễn họ đều được đi thực tế tới vùng mà câu chuyện phim xảy ra. Họ hiểu rất rõ về môi trường, hoàn cảnh của nhân vật nên có sự hóa thân tuyệt vời vào mỗi vai diễn. Thời gian làm phim kéo dài từ 3 đến 4 năm.

Cách làm phim ngày nay không đủ thời gian và kinh phí cho diễn viên đi thực tế. Trong một guồng máy sản xuất, nhiều phim kịch bản chưa viết xong mà đã có lịch chiếu.

Nó đòi hỏi cả êkíp làm phim phải cuốn theo nên không có thời gian trau chuốt, kỹ càng. Điều này chi phối và hạn chế khả năng diễn xuất của diễn viên rất nhiều.

- Anh thường đề cao tiêu chí nào trong việc tuyển diễn viên cho phim của mình?

+ Với tôi, khả năng diễn xuất bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và điều thứ hai là phụ thuộc vào nhà sản xuất. Có thể diễn viên tôi chọn không đáp ứng được lịch quay của đoàn, hoặc quá khả năng tài chính của bộ phim...

Diễn viên được chọn còn phụ thuộc vào từng bộ phim, vào mục đích của phim. Với mỗi diễn viên tôi sẽ có cách làm việc riêng để họ nhập vai được tốt nhất. Ngay như phim "Vũ điệu tử thần", mọi người cho là tôi chọn Bình Minh, Thanh Thúy, Tuấn Tú bởi họ đẹp và là ngôi sao, nhưng không, tôi chọn họ đơn giản vì họ diễn xuất tốt.

Nếu đánh giá về khả năng của một diễn viên thì việc đào tạo cơ bản đóng góp phần nửa, còn lại là phụ thuộc vào năng khiếu của cá nhân mỗi người.


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cuộc thi "Thiết kế những trang báo đẹp"
Cục Báo chí - Ban Quản lý dự án "Ðào tạo nâng cao báo chí Việt Nam giai đoạn 2" tổ chức cuộc thi "Thiết kế những trang báo đẹp" theo Quyết định số 2326/QÐ-BVHTT ngày 23-7-2007 của Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông.
31/08/2007
Kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập ngành Văn hóa – Thông tin
(HGĐT)- Ngày 28.8, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh, Sở Văn hóa – Thông tin tổ chức Lễ kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập ngành Văn hóa – Thông tin (28.8.1945 – 2007). Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; cán bộ, CCVC các đơn vị thuộc ngành Sở Văn hóa.
29/08/2007
Bài học từ bạn bè quốc tế
Đến nay, nhiều di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở nước ta vẫn đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của những cơ quan làm công tác bảo tồn, bảo tàng.
29/08/2007
Những nỗ lực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
5 năm qua (2001-2006), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh ta được thực hiện tốt từ tỉnh đến cơ sở và thu được những kết quả đáng khích lệ. Công tác xây dựng làng bản văn hoá, gia đình văn hoáđược các cấp ủy, Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, sự nỗ lực của ngành Văn hoá - Thông tin nên công tác tuyên truyền về thực hiện
27/08/2007