Hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá:
Bài học từ bạn bè quốc tế
08:23, 29/08/2007
Đến nay, nhiều di sản của Việt
Nghiên cứu, bảo tồn di tích Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) - một trong những thành quả của hợp tác quốc tế.
|
Những bước tiến mới
Ngay sau sự kiện Việt Nam là thành viên của WTO, chúng ta đã nhận được rất nhiều bản ký kết hợp tác thông qua việc triển khai các dự án bảo tồn di sản. Điển hình là tháng 4-2007, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa-Đặng Văn Bài và Giám đốc điều hành Hội đồng Di sản quốc gia, Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật Xin-ga-po – ngài Mai-cơn Kô (Michael Koh) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác di sản văn hóa giữa 2 nước giai đoạn 2007-2012. Bản ghi nhớ gồm 9 điều, trong đó nêu rõ 5 năm tới hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hóa thông qua việc tạo điều kiện và tăng cường giao lưu, phối hợp tổ chức triển lãm; trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, bảo quản, bảo tồn di sản; nâng cao kiến thức văn hóa...
Trong năm 2008, kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước, Hội đồng Di sản quốc gia Xin-ga-po có kế hoạch giới thiệu văn hóa di sản Việt Nam tại nhiều bảo tàng của Xin-ga-po. Cụ thể, phía Xin-ga-po sẽ giới thiệu lịch sử Việt Nam qua trưng bày hiện vật tại Bảo tàng văn minh châu Á; giới thiệu mỹ thuật đương đại và hiện đại tại Bảo tàng nghệ thuật Xin-ga-po; giới thiệu di sản Việt Nam qua những con tem tại Bảo tàng Tem... Tháng 7-2007, đoàn giám đốc các bảo tàng Việt Nam sẽ là khách mời của hội thảo quốc gia các bảo tàng Xin-ga-po.
Trước đó, tháng 3-2007, trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ di sản văn hóa giữa Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam và Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc, Cục Di sản Việt Nam và Quỹ bảo vệ tài sản văn hoá Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về việc hỗ trợ công tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2007 – 2008. Cụ thể là: Trao đổi về nhân sự và thông tin; trình diễn văn hóa truyền thống; hợp tác nghiên cứu về di tích cố đô; hợp tác khai quật khảo cổ, bảo tồn và nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước…
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường đưa di sản văn hóa tới các cuộc giao lưu, trình diễn, trưng bày triển lãm, tại các nước trên thế giới, nhằm mục đích thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đầu tư của bạn bè quốc tế, đồng thời cũng là việc tôn vinh giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Tiêu biểu nhất trong việc hợp tác quốc tế của giai đoạn mới-giai đoạn trên cương vị thành viên của WTO là việc đưa 39 báu vật nhân gian sống tới Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ cùng các nước bạn tham gia trình diễn trong Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian với chủ đề “Mê Công: Dòng sông kết nối các nền văn hóa” diễn ra từ 27-6 đến 8-7-2007.
Bài học từ hợp tác quốc tế
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, chính sách hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Việt Nam trong những năm qua tương đối thoáng, bởi vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ của nước ngoài quan tâm tới việc bảo tồn di sản của Việt Nam. Trong quá trình hợp tác, Việt Nam đã thu hút được sự hỗ trợ về nhân lực, tài chính cũng như những thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Thông qua việc triển khai các dự án, cán bộ nghiên cứu của Việt Nam đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Bài học đầu tiên là công tác chuẩn bị chi tiết, đầy đủ, kỹ lưỡng, chặt chẽ trước khi xây dựng một dự án; mỗi phương án bảo tồn đưa ra đều được giải quyết nhanh gọn, hoàn chỉnh, kết thúc dự án thì tất cả các hạng mục đều phải hoàn thiện (không như cách làm bấy lâu nay của Việt Nam là hỏng đến đâu thì tu sửa đến đấy; hoặc bảo quản, tu sửa từng phần); vận dụng tối đa phương tiện kỹ thuật hiện đại, kết hợp kỹ thuật truyền thống với công nghệ thông tin, tổ chức tốt khâu tuyên truyền; bên cạnh đó còn là thái độ nghiên cứu và làm việc nghiêm túc, quy trình chặt chẽ.
Cũng theo Cục trưởng Đặng Văn Bài, nếu trước đây, khi đề cập đến vấn đề hợp tác quốc tế, thì các tổ chức quốc tế giúp đỡ chúng ta hoàn toàn về nguồn nhân lực và kinh phí. Thế nhưng hiện nay, một trong những điều kiện đưa ra trong một số thỏa thuận hợp tác quốc tế là vốn đối ứng (vốn từ ngân sách Nhà nước và từ các nguồn xã hội hóa). Bởi thực tế, việc huy động tài trợ của bản thân các tổ chức nước ngoài không dễ, đồng thời tiền tài trợ bỏ ra cho dự án không phải dùng thế nào thì dùng, mà phải có hiệu quả rõ rệt. Chính vì vậy, quan niệm “nước ngoài quan tâm là có tiền, là khắc giải quyết được mọi vấn đề” không còn tồn tại. Ngoài số tiền tài trợ, cán bộ dự án của nước ngoài còn cùng cán bộ nghiên cứu của ta trực tiếp cùng ăn, cùng ở tại nơi triển khai dự án. Ví dụ như dự án “Làng cổ Đường Lâm-quan điểm bảo tồn di sản trong đời sống hiện đại” tại Hà Tây, Bà Ogawa-chuyên gia nghiên cứu văn hoá Nhật Bản đã tới sống và làm việc hơn một năm trong các gia đình của làng Đường Lâm để điều tra tình hình văn hóa, xã hội, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, điều kiện sinh sống của người dân. Từ việc điều tra thực tế này, phía Nhật Bản cũng tài trợ kinh phí cho Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành điều tra các giá trị văn hóa phi vật thể như: lễ hội, nghề thủ công, hoạt động thờ cúng của các dòng họ, gia phả, các bài hát, bài vè, trang phục truyền thống, hiện vật gia truyền... đang được lưu giữ trong các gia đình của Làng cổ Đường Lâm.
Với thế mạnh là nước sở tại, di sản của mình nên hiểu biết sâu, nhưng trong quá trình hợp tác quốc tế để nghiên cứu và bảo tồn vốn di sản, những người làm công tác bảo tồn gặp không ít trở ngại. Trước tiên phải kể đến là năng lực đáp ứng triển khai dự án của cán bộ nghiên cứu của ta còn kém về chuyên môn, thứ đến là cách làm việc, ngôn ngữ. Bên cạnh đó là việc gây khó khăn trong thủ tục hành chính cho cán bộ dự án nước ngoài nghiên cứu tại các địa phương, điển hình là việc đòi hỏi giấy tờ chứng thực của nhiều cấp (mặc dù họ đã được cơ quan cấp Bộ chứng thực bằng nhiều quyết định, giấy phép khi triển khai dự án). Chính vì vậy, nếu chúng ta thực hiện được phép tính (Cục trưởng Đặng Văn Bài đưa ra): ngoại ngữ + năng lực + thủ tục hành chính + vốn đối ứng = hợp tác thuận lợi, thì di sản văn hóa của chúng ta sẽ ngày càng được phát hiện, sưu tầm, bảo quản và bảo tồn bền vững, được bạn bè thế giới đón nhận và tôn vinh.
Quân đội nhân dân
Ý kiến bạn đọc