Tìm phần kết truyện

10:39, 27/04/2007

                                                           Truyện ngắn mi ni: Nguyễn Trần Bé

Thôn Cây Mít của chúng tôi có hình một con bò đang gặm cỏ. Từ xưa đến nay thôn tôi chẳng có gì đặc biệt, thậm chí là một thôn nghèo về mọi thứ so với các thôn khác trong cùng xã.


Nhưng chẳng hiểu sao khoảng mươi năm trở lại đây trong thôn lại xuất hiện một nhóm người biết viết văn và làm thơ. Họ viết miệt mài, mê mệt, đắm đuối, say sưa và hết sức có trách nhiệm. Hễ ai trong nhóm viết được cái gì ưng ý thì đều tìm cách triệu tập các thành viên của nhóm đến nhà mình nhâm nhi chút rượu ngô với lạc rang và đọc cho các bạn nghe tác phẩm mới của mình, rồi đề nghị mọi người góp ý kiến để chỉnh sửa cho hoàn thiện. Tuy chưa người nào trong số họ được kết nạp vào hội văn nghệ địa phương, chưa ai có bài thơ hoặc truyện ngắn nào được đăng báo (trừ báo tường của lũ học sinh nhờ viết hộ), nhưng không ai nản lòng. Họ vẫn viết say sưa, đắm đuối và chau chuốt từng câu chữ, từng vấn đề.

 

Nhóm thơ văn thôn Cây Mít lúc đầu chỉ có ba người, sau tăng lên năm người và nay là bảy người. Ai cũng hi vọng rằng con “số bảy” này sẽ làm nên chuyện (vì người xưa có câu “ba chìm, bảy nổi” mà), nhất là từ khi họ được đọc cái truyện ngắn mi ni “Đắt giá và giá đắt” của thành viên thứ bảy, thì họ lại càng tin rằng, từ nay nhóm văn thơ của họ sẽ nổi tiếng (ít ra là ở hàng thôn, hàng xã).

 

Cái truyện ngắn mi ni ấy viết về đề tài an toàn giao thông. Toàn văn như sau:

 

“Cha hắn là thủ trưởng của một ngành đầy tiền tài và quyền lực. Hắn lớn lên giữa phù hoa vật chất và một nền giáo dục... băng hình!

 

Vật chất làm cho thân thể hắn đẫy đà và trái tim phủ đầy mỡ. Băng hình làm cho đầu óc hắn đầy dẫy bạo lực, ngông cuồng, du đãng và thách thức.

Hắn thấy mình có sức mạnh. Hắn coi thường tất cả. Mới 16 tuổi đầu hắn đã được làm chủ một xe máy 125 phân khối đời mới nhất. Khi ngồi lên xe là lúc hắn thực sự trở thành cao bồi, hảo hán.

 

Một hôm cảnh sát giao thông giữ hắn lại vì hắn vi phạm Luật Giao thông đường bộ và xe hắn hầu như chẳng có giấy tờ gì, kể cả giấy phép lái xe. Hắn chẳng thèm xin, chẳng nộp phạt. Cái mặt hắn cứ câng câng đắc thắng. Khi bị lập biên bản tạm giữ xe thì hắn chìa ra một mảnh giấy “bảo hành”. Thư của bố hắn. Một bức thư thật sự đắt giá. Rất đắt giá. Lập tức hắn được cho đi.

 

Hắn càng thấy sức mạnh của mình là vô địch. Hắn tự thưởng cho mình bằng những đường đánh võng với tốc độ chóng mặt. Hắn sung sướng vì rất nhiều kẻ phải “ăn khói” xe hắn. Nhưng Thần Chết thì lại coi thường sức mạnh của hắn. Vị thần man rợ này đã cho xe của hắn húc nhau với ô tô. Xe hắn thua. Hắn vỡ sọ. Mảnh giấy “bảo hành” trong túi hắn đẫm máu!

 

Khi được báo tin đến đem xác con về chôn cất, cha hắn hầu như không nói được lời nào. Cho đến khi cầm tờ giấy “bảo hành” chính tay mình viết đã nhoè đi vì máu, cha hắn gào lên:

 

- Đây là con dao hai lưỡi! Con dao hai lưỡi đã giết chết con trai tôi! Trời ơi!

 

Ông xé nát tờ giấy và đổ vật xuống cạnh xác đứa con quý tử của mình!”

 

Khi tác giả đọc xong cái truyện hãi hùng kia, sáu thành viên trong nhóm thơ văn thôn tôi đều lặng đi vì sốc và choáng. Có đến ba người kéo gấu tay áo lau nước mắt. Hai người hỉ mũi và một người ôm ngực ngúc ngoắc như thể tắc thở!

 

Đợi cho cơn “sốc choáng” bớt đi, ông ôm ngực thều thào nói:

 

- Hay. Hay tuyệt!... Nhưng phần kết mạnh tay quá! Kể ra chỉ để thằng “cậu ấm” ấy bị thương nặng là được rồi. Cái chết của nó thảm khốc quá! Theo tôi, cái kết dù không có hậu thì cũng phải mang tính nhân văn.

 

- Chúng tôi đồng ý là không nên cho thằng “trời đánh” ấy chết, nhưng nó phải gẫy sương sống, liệt toàn thân, để cha mẹ nó phục dịch suốt đời cho họ biết mặt! Ai bảo chiều chuộng con cái cho lắm vào! - Hai ông hỉ mũi cùng góp ý.

 

- Như vậy thì còn ác hơn cả để cho nó chết! - Ba ông lau nước mắt lúc nãy đồng thanh - Theo chúng tôi, để cho nó chết là phải! Trong cuộc đấu tranh chống thảm hoạ tai nạn giao thông hiện nay thì phải mạnh tay và quyết liệt như thế mới được. Nhẹ tay là không xong đâu. Thà rằng đau đớn một lần còn hơn đau âm ỉ cả đời. Cái thằng ấy mà không chết thì còn là tai hoạ cho nhiều người vô tội khác. Vả lại, nó là con quan, nếu chỉ bị thương nằm đấy thì cha mẹ nó lại có cơ hội ăn đủ các thứ quà cáp mà người ta biếu xén dưới hình thức “thăm người ốm”. Đó là một cách hối lộ tinh vi hiện nay đấy các ông ạ. Phải kiên quyết “cắt khẩu” nó!

 

Sau khi lắng nghe hết mọi nhẽ các ý kiến góp ý, cuối cùng tác giả của cái truyện ngắn kia hạ một câu:

 

- Thôi, vậy thì tôi quyết thế này: cho nó bị thương, nhưng không phải gãy sương sống mà là mù một mắt. Vậy là vừa, phải không các ông?

 

Cô vợ của tác giả, đồng thời là chủ xị ngày hôm nay, thập thò ở cửa từ nãy, bất ngờ chen ngang:

 

- Em xin mời các “nhà văn kiêm quan toà” nghỉ ngơi xơi bát cơm rau muối với nhà em ạ!


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (đợt 2)
(HGĐT)- Sáng 25.4, Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đợt 1 và triển khai công tác tuyên truyền đợt 2. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo sở; các trung tâm, phòng văn hoá các huyện, thị và các cơ quan văn hoá trực thuộc sở.
25/04/2007
Giỗ tổ Hùng Vương - hội đền Hùng 2007: Mới & cũ
Năm nay là năm lẻ, nên Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng do cấp tỉnh tổ chức, tuy nhiên điểm đặc biệt: Năm nay lần đầu tiên Quốc hội cho tất cả cán bộ công nhân viên chức Nhà nước được nghỉ ngày chính hội (10.3 âm lịch - ngày quốc lễ cả nước).
25/04/2007
Hàng chục vạn người hành hương về đất Tổ
Chính hội Đền Hùng được tổ chức vào mùng 10/3 âm lịch. Thường thì sau Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3, đồng bào cả nước hành hương về đây, thắp nén hương thơm lên bàn thờ các vua Hùng, bồi hồi, xúc động, thành kính tri ân công đức Tổ tiên.
25/04/2007
Giỗ Tổ Hùng Vương theo dòng lịch sử
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 - 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là ngày giỗ của một gia tộc, một dòng họ, một làng, một xã, một vùng mà là ngày giỗ cụ Tổ chung của cả nước.
25/04/2007