Giỗ tổ Hùng Vương - hội đền Hùng 2007: Mới & cũ

09:03, 25/04/2007

 Năm nay là năm lẻ, nên Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng do cấp tỉnh tổ chức, tuy nhiên điểm đặc biệt: Năm nay lần đầu tiên Quốc hội cho tất cả cán bộ công nhân viên chức Nhà nước được nghỉ ngày chính hội (10.3 âm lịch - ngày quốc lễ cả nước).


 

 Trò chơi Đâm Đuống của người Mường trong ngày khai hội Đền Hùng.

Cùng với những ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ 30.4 và 1.5, lượng khách đổ về đền Hùng sẽ đông mức kỷ lục.

Vẫn đông, vẫn vui, nhưng còn sạn!

Sáng mùng 8, Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng đã khai mạc. Không gian lễ hội trải dài từ thành phố Việt Trì đến khu vực đền Hùng và vùng phụ cận của hai huyện Lâm Thao, Phù Ninh. Nhưng trước đó hai ngày tại khu di tích khảo cổ Làng Cả (thành phố Việt Trì) đã diễn ra lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia.

Và xa hơn, từ đầu năm, lượng khách đổ về đền Hùng sau Tết Đinh Hợi đã rất đông do chương trình lớn của tỉnh Phú Thọ triển khai từ mùng 6.1 (âm lịch) mang tên "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam"...

Vừa đến cổng khu di tích đền Hùng, chúng tôi bắt gặp một đoàn 10 cụ thuộc đội xe đạp người cao tuổi HN vừa dừng xe. Cụ Đỗ Bảo năm nay đã 73 tuổi cho biết, các cụ đạp xe từ 5h sáng để về đất tổ dâng hương đúng ngày khai mạc.

Hai cô gái người Dao về dự lễ hội Đền Hùng 2007.

Còn hai cô gái người Dao Lục Thị Hoa và Lục Thị Nhật từ Yên Bái xuống xúng xính trong bộ quần áo dân tộc thoáng rụt rè vì lần đầu tiên lên đất tổ. Chị Lục Thị Hoa nói: "Hai vợ chồng tôi lên đây để thắp hương cầu Trời, Phật, tổ tiên cho gia đình hạnh phúc, làm ăn được dễ dàng".

Theo thông tin của Ban quản lý khu di tích thì cả 20 điểm dịch vụ, bán hàng lưu niệm đều niêm yết giá cẩn thận, nhưng thực tế không phải như vậy. Hầu hết các hàng đều không niêm yết giá, nhưng khách ăn cũng ít phàn nàn vì giá cả có đội lên nhưng ở mức chấp nhận được.

Một chị chủ quán cơm còn bảo: "Niêm yết giá chả làm gì! Có chăng là phải mất 120.000đ để mua thêm cái biển của mấy ông quản lý".

Tình trạng xả rác bừa bãi trên đường lên đền Hùng năm nay vẫn diễn ra vì dọc hai bên không có những thùng rác lưu động. Đã thế một đội quân 20 cô gái quảng cáo cho một hãng bánh ngọt (First-Pie) cứ bủa ra chào mời khách ăn miễn phí làm tăng thêm lượng rác.

Một điều làm chúng tôi ngạc nhiên là ngay khi bước chân qua chỗ gửi xe cuối cùng để đi bộ lên đền, đã bắt gặp ngay hai đám đông chơi úp xu, úp xèng công khai tiền trao cháo múc như một dạng đỏ đen ngay giữa đường đi.
 
Lúc về thì chuyện đó không còn, chắc là mấy anh công an đã dẹp hết, nhưng rõ ràng chuyện đỏ đen trá hình vẫn rất rõ nét trong các trò vui chơi có thưởng với tiếng loa ồn ã, đinh tai nhức óc...

Buổi trưa ngồi uống nước tại quán, phóng viên chốc chốc lại bắt gặp mấy ông xe ôm chạy công an toán loạn. Hỏi ra mới biết để tránh ùn tắc, BTC không cho xe ôm vào bắt khách trong khu di tích nhưng đội quân xe ôm vẫn lẩn lút xuyên đường rừng vào.

Buổi chiều trời nắng to nên mãi gần 3h cuộc thi đấu vật với sự tham gia của 35 vận động viên thuộc 10 hạng cân và trò chơi bắn nỏ mới bắt đầu. Bắn nỏ không thu hút đông người xem có lẽ một phần vì "thí sinh" ăn mặc đời thường quá, có chị mặc áo phông quần bò!

Cần lắm một quy hoạch tổng thể

Trò chơi đâm đuống của người Mường tại huyện Thanh Sơn.

Ngày 9.3 (âm lịch) là ngày hoạt động trọng tâm của hội với hội thi nấu bánh chưng, giã bánh giày, trưng bày sản vật địa phương của 8 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Tây, Tuyên Quang, với việc trưng bày chiếc bánh chưng khổng lồ, nặng 2,6 tấn của công viên Đầm Sen (TPHCM)...
 
Và mùng 10.3 là lễ dâng hương đền Thượng do lãnh đạo tỉnh tổ chức hứa hẹn khách lên rất đông, nhất là khi cán bộ công nhân viên chức được nghỉ ngày quốc lễ năm nay. BTC cũng đã phòng hờ chuyện ùn tắc với việc mở thêm một số đường vào khu trung tâm và có thể kéo dài phần hội đến ngày 15.3 với nhiều hoạt động đa dạng: Văn hoá, nghệ thuật, thể thao, du lịch dịch vụ, thương mại...

Tuy nhiên qua thực tế nhiều năm, chúng tôi đi về dự lễ hội vẫn thấy sự cần thiết phải quy hoạch một không gian tổng thể với các khu dịch vụ trò chơi cũng như khu vực dành cho hoạt động tâm linh tín ngưỡng. Việc tổ chức các hoạt động hội cũng nên chăm chút hơn, tránh để tình trạng năm nào cũng giống năm nào và mất dần đi bản sắc nét văn hoá đặc sắc.

Cần Thơ: Lần đầu tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương

Ngoài 2 điểm "vệ tinh" diễn ra chiều ngày 24.4 tại đình Bình Thuỷ (quận Bình Thuỷ) và đình Thới An (quận Ô Môn), lễ hội chính tổ chức đêm 26.4 (10.3 âm lịch) tại Bảo tàng TP.Cần Thơ, với hình thức sân khấu hoá để thể hiện công đức dựng nước của các vua Hùng, công mở cõi khai hoang lập ấp ở phương Nam của tiền nhân và quá trình gìn giữ, phát triển đất nước tới ngày nay.  


Lao động

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giỗ Tổ Hùng Vương theo dòng lịch sử
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 - 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là ngày giỗ của một gia tộc, một dòng họ, một làng, một xã, một vùng mà là ngày giỗ cụ Tổ chung của cả nước.
25/04/2007
Hàng chục vạn người hành hương về đất Tổ
Chính hội Đền Hùng được tổ chức vào mùng 10/3 âm lịch. Thường thì sau Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3, đồng bào cả nước hành hương về đây, thắp nén hương thơm lên bàn thờ các vua Hùng, bồi hồi, xúc động, thành kính tri ân công đức Tổ tiên.
25/04/2007
Bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của người dân tộc Lô Lô
(HGĐT)- Người già làng Lô Lô kể rằng, xưa kia người Lô Lô có tục “Khù mi” gọi là ăn cắp chơi - nghĩa là ăn cắp lấy may. Ăn cắp vào tối 30 tết: Mỗi gia đình đi ăn cắp một cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12 bởi con số đó ứng với 12 tháng trong năm.
24/04/2007
Phát động quyên góp ủng hộ sách cho thư viện và tủ sách cơ sở xã
(HGĐT)- Nhân Ngày Sách và bản quyền thế giới (23.4) và hưởng ứng “Tuần lễ đọc sách”, từ ngày 22 - 23.4, tại Thư viện tỉnh, Sở VH-TT tổ chức Lễ phát động quyên góp ủng hộ sách cho thư viện và tủ sách cơ sở xã. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Trần Bắc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Đình Châm, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo, đại diện
24/04/2007