Ở nơi đá nở hoa
Bấy lâu nay, Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực bắc Tổ quốc vẫn ghi dấu trong lòng lữ khách bởi hai thứ mà nghe qua tưởng chừng như chẳng hề liên quan đến nhau: đó là đá và hoa.
Cao nguyên đá Đồng Văn – Công viên địa chất toàn cầu, một di sản tầm cỡ của thế giới tại Việt Nam – sừng sững nơi đầu trời. Giữa trùng trùng đá núi, bát ngát mây ngàn, con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc, một đoạn của quốc lộ 4C, xuyên qua như một dải lụa mềm mại đưa người ta lướt trên những khung cảnh đẹp như mơ của bạt ngàn hoa tam giác mạch dưới thung lũng, quanh triền đồi hay thậm chí ngay bên vệ đường.
Thời điểm này là lúc cao nguyên đá xám bước vào mùa hoa tam giác mạch, tựa hồ khoác lên một tấm áo choàng lung linh sắc hồng, sắc tím, dịu dàng mà mê đắm lòng người. Tam giác mạch là loài cây thân mềm như cỏ, hoa hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý, cả những chiếc lá cũng có hình tam giác nên được người dân bản địa gọi là tam giác mạch. Họ thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị hết sức đặc trưng. Có nơi dùng để chăn nuôi gia súc. Giản dị là thế, nhưng vẻ đẹp mơ màng, mơn man của những cánh hoa phớt hồng rung rinh trong gió đang thu hút rất nhiều dân du lịch, đặc biệt là giới trẻ.
Hoa tam giác mạch thường nở vào mùa thu tháng mười, ban đầu có mầu trắng, sau đó hồng dần lên rồi sẫm lại thành mầu đỏ, mầu tím. Đẹp nhất là thời kỳ hoa bắt đầu kết hạt, trên một thảm hoa lúc này có đủ các cung bậc của mầu sắc. Dù có khi chỉ là một đám ruộng nhỏ nằm bên chênh vênh trên núi, như mọc lên từ những tảng đá khổng lồ, hay là cả một nương hoa trải dài mênh mông rực rỡ giữa khoảng không hùng vĩ, thì cái mầu hoa ấy cũng dễ dàng làm ta choáng ngợp, say mê. Những địa điểm có nhiều tam giác mạch nhất vẫn là Sủng Là, Đồng Văn, Phố Cáo, Ma Lé, Lũng Cú, Xín Mần… Cùng với bản sắc địa phương độc đáo đã tạo nên một Hà Giang vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, để lại cảm xúc và ấn tượng mạnh đối với bất cứ ai đã từng tới nơi đây.
Không khó để hiểu điều gì đã tạo nên một sức cuốn hút kỳ lạ, khó cưỡng cho cái nơi xa xôi tít tắp này. Rồi cứ theo đường Hạnh Phúc, sẽ dẫn ta lên nào núi đôi, nào cổng trời, nào đèo Mã Pí Lèng cao ngất hiểm trở, nào sông Nho Quế uốn lượn biếc xanh, đến với cột cờ Lũng Cú hiên ngang giữa đất trời – đánh dấu điểm cao nhất của biên giới phía bắc Tổ quốc, đến với chợ phiên Mèo Vạc – nơi có thể thả hồn vào tiếng khèn, tiếng hát của những chàng trai cô gái dân tộc thiểu số, cũng như thử một miếng bánh thơm, nhấp một chén rượu nồng…
Mỗi năm, cứ khi gió thu về là hoa tam giác mạch lại vào mùa, một vẻ đẹp như đã hẹn trước nhưng sao vẫn làm người ta phải trông ngóng, một vẻ đẹp mong manh, dịu dàng mà tràn trề sức sống. Tạc vào mầu xanh xám của những bậc đá cao nguyên nối dài như bất tận là mầu biêng biếc của cây rừng, quyện lẫn sắc tím hồng phớt nhẹ của loài hoa bé nhỏ, tạo thành một cảnh tượng như chốn bồng lai, cách biệt phàm trần. Còn cảm giác lúc đó ư? Tất nhiên là lặng đi vì cái đẹp. Nhưng còn hơn thế nữa, là sự xúc động, tự hào vì vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của đất nước, của những miền đất ta đã, đang và sẽ qua trên dải đất hình chữ S tươi đẹp.
Ý kiến bạn đọc