Bảo tồn, xây dựng và phát triển bền vững Công viên Địa chất

07:35, 29/10/2014

HGĐT- Vừa qua, Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) vinh dự được tái công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC). Qua 4 năm xây dựng, với nỗ lực lớn của các cấp, ngành T.Ư, đặc biệt là sự nỗ lực của Hà Giang, CNĐĐV không ngừng khởi sắc, được các chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC đánh giá cao. Nhân dịp này, phóng viên (PV) có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ xây dựng và phát triển CVĐCTC – CNĐĐV về một số thành tựu đạt được, cũng như định hướng bảo tồn, xây dựng và phát triển CVĐCTC – CNĐĐV.



      Phóng viên phỏng vấn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý.


- PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả đạt được trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển CVĐCTC - CNĐĐV thời gian qua?

- Đ/c Trần Đức Quý: Năm 2010, CNĐĐV vinh dự được công nhận là thành viên Mạng lưới CVĐCTC. Điều đó đem đến rất nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của địa phương, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Được sự quan tâm của các bộ, ngành T.Ư, của Mạng lưới CVĐCTC, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang trong việc chung tay xây dựng, thúc đẩy hoàn thiện nhiều tiêu chí, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐCTC đối với CVĐCTC – CNĐĐV cũng như cải thiện bộ mặt đời sống của đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá, nên trong các mục tiêu xây dựng, bảo tồn, phát triển trên vùng CNĐĐV, chúng ta đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động có kết quả, hướng đến sự phát triển bền vững; tích cực thực hiện các mục tiêu bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, đa dạng sinh học, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, ngày 7.2.2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 310/QĐ-TTg, về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC – CNĐĐV, giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch chi tiết các công viên khoa học cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 30.5.2014, về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng CVĐCTC – CNĐĐV, tỉnh Hà Giang đến năm 2030...


- PV: Đồng chí cho biết thêm một số chuyển biến về KT - XH của CNĐĐV từ khi được công nhận là CVĐCTC từ năm 2010 đến nay?

- Đ/c Trần Đức Quý: Có thể nói, một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu để xây dựng và phát triển CVĐCTC – CNĐĐV một cách bền vững, đó là việc nâng cao đời sống KT – XH của nhân dân. Trên cơ sở đó, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của Hà Giang, sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế, đời sống KT – XH vùng CNĐĐV đã từng bước khởi sắc. Theo thống kê, nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở 4 huyện CNĐĐV vẫn còn ở mức là 61,55%, đến hết năm 2014, ước tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm còn 34,1%. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo tăng từ 3,1 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 5 triệu đồng năm 2014. Việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông - lâm nghiệp sang các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng tăng lên một cách tích cực qua từng năm. Vùng Cao nguyên đá ngày càng thu hút sự đầu tư, đặc biệt là phát triển du lịch với việc nhiều nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, viễn thông... được đầu tư. Nhờ lượng khách ngày càng tăng lên, giúp cho du lịch – dịch vụ phát triển mạnh. Nếu như lượng khách du lịch đến CNĐĐV năm 2010 đạt 300.000 lượt, thì đến năm 2013 đã đạt trên 520.000 lượt và 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt gần 320.000 lượt; doanh thu từ dịch vụ du lịch phát triển tích cực, nếu như năm 2010 đạt 328 tỷ đồng, năm 2013 đã đạt 500 tỷ và 6 tháng đầu năm 2014 đạt 257 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 4 huyện tăng từ 890 tỷ đồng năm 2009 lên 2.315 tỷ đồng năm 2013.


Với sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ cho các huyện thuộc diện 30a, 4 huyện vùng CNĐĐV đã nhận được các chính sách ưu tiên, đầu tư không nhỏ cho xây dựng cơ sở hạ tầng như điện lưới quốc gia, đường giao thông, trường học, trạm xá, các chính sách hỗ trợ về lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt từng bước được giải quyết với 193 công trình cấp nước tập trung được đầu tư và đang được sử dụng, khai thác. Trong giai đoạn 2012 – 2020, dự kiến sẽ có 293 hồ chứa nước sinh hoạt được xây dựng...


- PV: Xin đồng chí cho biết một số phương hướng xây dựng, phát huy các giá trị CVĐCTC – CNĐĐV của tỉnh ta thời gian tới?

- Đ/c Trần Đức Quý: CVĐCTC – CNĐĐV được Mạng lưới CVĐCTC đánh giá cao trong lần tái đánh giá và công nhận tư cách thành viên vừa qua. Trong những thuận lợi, tiềm năng và cơ hội phát triển của Cao nguyên đá, chúng ta cũng nhận thấy những thách thức đặt ra, đòi hỏi những quyết tâm, nỗ lực và chung tay của các cấp, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, giai đoạn từ 2015 – 2018, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung triển khai các quy hoạch về xây dựng, bảo tồn các giá trị di sản, khai thác các tiềm năng hợp lý, phục vụ an sinh xã hội. Bảo tồn các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hóa rất phong phú ở nơi đây. Xây dựng định hướng phát triển KT - XH gắn với bảo tồn các giá trị di sản, cải tạo và bảo vệ môi trường trên vùng CVĐCTC. Kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho sự phát triển của hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với tăng cường quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch; khôi phục các làng nghề truyền thống; tiếp tục phát triển hệ thống giao thông gắn với bảo vệ, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và du khách; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc đóng góp, xây dựng phát triển CVĐCTC – CNĐĐV. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác, trao đổi kinh nghiệp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của CNĐĐV. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC – CNĐĐV gắn với tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao nguyên đá đến với bè bạn trong nước và quốc tế...


- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


HUY TOÁN (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quyến rũ mùa tam giác mạch nơi Cao nguyên đá
Những ngày tháng 10, khi màu vàng óng ả của những nương ruộng bậc thang nhường chỗ cho những bông hoa nhỏ li ti, phơn phớt trắng hồng điểm tím, là khi ấy, Hà Giang bước vào mùa hoa tam giác mạch. Những vạt hoa tam giác mạch bung nở tạo thành những thảm hoa bồng bềnh trải dài khắp các sườn núi, bản làng, dọc đường đi… Hà Giang bỗng như đẹp dịu dàng như một người thiếu nữ,
29/09/2014
Ngày đón nhận Thẻ xanh
HGĐT- Năm 2010, chúng ta không khỏi vui sướng và tự hào khi Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), nơi chứa đựng những nỗi nhọc nhằn, khó khăn bậc nhất cả nước, nhưng cũng là một nơi có những kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ, những điều còn kỳ bí đã được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) - Thẻ xanh.
29/09/2014
“Đánh thức” tiềm năng du lịch bằng chính sản phẩm du lịch
HGĐT- Hiện Hà Giang được đánh giá là điểm nhấn du lịch ở khu vực các tỉnh Đông - Tây Bắc, là nơi có nhiều lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Với hệ thống 23 di tích, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp Quốc gia, 8 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 2 bảo vật Quốc gia và 29 di tích, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh. Tỉnh đang khai
28/10/2014
Lên Xín Mần mùa tam giác mạch miên man
Với những cánh đồng tam giác mạch rộng lớn, Xín Mần là nơi được nhiều người lựa chọn khi ngắm hoa hơn cả.
27/10/2014