Dự án Khu du lịch vui chơi, giải trí Suối Tiên - hơn 10 năm... “ngủ quên”!?
HGĐT- Hơn 10 năm qua, kể từ khi Dự án xây dựng công trình Khu du lịch vui chơi giải trí (KDLVCGT) Suối Tiên, tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang được tạm dừng thi công, giãn hoãn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, công trình này đã “ngủ quên”... trong rừng. Mặc cho mưa nắng, thời gian gặm nhấm, cây cỏ đang chen lấn, dự án KDLVCGT Suối Tiên vẫn chưa có hy vọng gì về ngày khánh thành...
Dự án đang chìm vào quên lãng!?.
Trong cơn mưa rả rích tháng 8, sau hồi leo đoạn dốc dài từ QL4C lên khu Dự án KDLVCGT Suối Tiên, chúng tôi được chứng kiến cảnh hạng mục nhà biệt thự đã được xây dựng 1 tầng với nhiều gian, phòng cùng những bức tường mọc rêu thâm xanh, cây cỏ các loại đang thi nhau chen lấn khu nhà. Trên trần bê tông, xuất hiện những điểm thấm dột. Bên cạnh đó, những dãy núi đá vôi, những rừng cây cỏ và tiếng kêu của dòng suối Tiên như đang ru ngủ cho công trình dở dang.
Được biết KDLVCGT Suối Tiên được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ kinh tế kỹ thuật công trình với tổng mức đầu tư 5.515 triệu đồng tại Quyết định 868-QĐ/UB, ngày 15.4.2001. Thực hiện Quyết định 2983/QĐ-UB, ngày 26.9.2001 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại và Du lịch Hà Giang để làm chủ đầu tư Khu DLVCGT Suối Tiên. Theo đó, tổng diện tích thu hồi đất là 23.168,1m2 với 9 hộ gia đình nằm trong khu vực thu hồi, đền bù với mức đã tri trả đền bù thu hồi cho các hộ dân là trên 530 triệu đồng. Sau khi có quyết định chỉ thầu của UBND tỉnh, Sở Thương mại và Du lịch đã ký hợp đồng 29a/HĐKT, ngày 20.3.2001 với nhà thầu là Công ty Đầu tư và xây dựng Hà Nội. Sau đó, công trình được thi công và đến năm 2003, công trình phải tạm dừng thi công theo chỉ đạo của UBND tỉnh về giãn hoãn vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Nhích, nguyên Tổ trưởng tổ 9b, nay là tổ 5, phường Quang Trung cho biết, Dự án KDLVCGT được bắt đầu thi công từ năm 2002 bằng một lễ khởi công rất lớn. Đến măm 2003 thì tạm dừng, sau đó vì không có ai quản lý trông coi nên nhiều sắt thép, xi măng, gạch đá tại công trường đã bị... mất trộm. Không biết Nhà nước có làm gì nữa hay không, nhưng nhìn tiền của đầu tư, để không bao năm lãng phí quá...!.
Cây cỏ đang mọc tốt bên trong hạng mục Nhà biệt thự.
Theo Sở VHTT&DL, đơn vị nhận bàn giao công trình sau khi sáp nhập giữa 2 sở Văn hóa thông tin với Sở Thương mại và Du lịch thì thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Thương mại và du lịch đã cùng với đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát đã tiến hành nghiệm thu các hạng mục Dự án gồm: Đường ô tô đã san ủi xong phần nền đường với độ dài 900m; san ủi mặt bằng các hạng mục gồm: Nhà biệt thự, khách sạn, bể bơi và 2 bãi đỗ xe; đào móng nhà biệt thự; đào hệ thống rãnh thoát nước và đổ bê tông cống. Tổng giá trị nghiệm thu xây lắp là 1.631.924.000đ. Trong đó, vốn đã thanh toán cho đơn vị thi công là 537.700.000đ.
Trao đổi với chúng tôi, phía Sở VHTT&DL cho biết, từ năm 2005 đến nay, đã có 3 doanh nghiệp xin đầu tư tiếp cho dự án này, nhưng khi thấy khó khăn về vốn, họ đã... lặng lẽ rút lui. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, đã có nhiều ý kiến cử tri phản ánh về Dự án. Trong khi đó, ngành Văn hóa tiếp nhận lại Dự án trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, do đó gặp rất nhiều khó khăn để tìm lối thoát cho dự án dở dang này. Những năm qua, ngành cũng kiểm tra tham mưu cho tỉnh nhằm tìm đầu ra cho Dự án. Năm 2013, cũng đã có tín hiệu tích cực khi Ban quản lý dự án Phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông quan tâm tìm hiểu và có thiện chí giúp đầu tư Dự án KDLVCGT Suối Tiên thành Trung tâm Thông tin văn hóa du lịch Hà Giang. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc ưu tiên đầu tư cho các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai trước nên đến nay vẫn chưa có một hướng đầu tư cụ thể nào cho Dự án.
Như vậy, sau 13 năm kể từ khi được phê duyệt và gần 11 năm kể từ khi tạm dừng đến nay, Dự án KDLVCGT Suối Tiên đã rơi vào cảnh “ngủ quên” trong khi các điểm vui chơi, giải trí ở thành phố Hà Giang luôn luôn được coi là thiếu. Sự lãng phí đầu tư đã được thể hiện rõ. Và trong bối cảnh chúng ta đang coi trọng, đẩy mạnh phát triển du lịch như một ngành trọng tâm thì việc xem xét, đánh giá tính khả thi của Dự án, xem xét thu hồi, chuyển đổi mục đích đầu tư hay các phương án giải quyết khác cần phải sớm được thực hiện.
Ý kiến bạn đọc