Thao thức cùng… miền đá
15:06, 21/07/2014
Đến với Đồng Văn, miền đất ngút ngàn đá tột cùng nơi cực bắc Tổ quốc, ngoài những khó khăn về đường sá thì ai cũng có một nhận xét hết sức nghiệt ngã là: nghèo, hết sức nghèo và thiếu thốn đủ bề. Phải có những đêm trắng ở đất này, thao thức cùng sương lạnh, nhũng người nông dân thì người ta mới hiểu, thông cảm với miền đất đầy nghèo khó này. Hàng vạn lữ khách lên đây, khi trở về họ đều có chung một nhận xét: Với đất ấy, con người ấy, người ta sống được đã là cả một sự đáng khâm phục, đầy bí ẩn đến diệu kỳ về bản lĩnh và khả năng vô tận của con người.
Một góc thị trấn huyện Đồng Văn
Thị trấn nơi cao nhất!
Chuyến xe khách ngược Đồng Văn, mỗi một cây số đi lên là người ta thấm thêm những nỗi khổ. Con đường mang tên Hạnh Phúc, được mở từ năm 1959 của thế kỷ 20, nối thị xã Hà Giang và huyện Đồng Văn dài 154 km ấy, qua 55 năm tu sửa, nâng cấp, không biết hết bao nhiêu tiền, bao nhiêu sức, kể cả tính mạng nữa, giờ mới đạt độ phẳng phiu. 154 km đường ấy, xe khách chạy hết tốc lực, tài xế phải dẻo dai và thông thuộc đường cũng mất 6 – 7 giờ đồng hồ. Vị chi cho mỗi km đường ở đây, xe chạy chỉ đạt khoảng 20 km/giờ.
Muốn đến được huyện Đồng Văn, xe và khách phải vượt mất gần chục cái dốc, với những đường cua có cảm tưởng như muốn vứt cả người và xe xuống vực. Có cái lạ, tôi đã đi nhiều nơi, với những đèo như Pha Đin, Hải Vân, An Khê,… thì những dốc như Pắc Sum, Tráng Kìm, Chín Khoanh lên với huyện Đồng Văn phải đáng bậc đàn anh, thế nhưng không hiểu sao ở đây người ta chỉ gọi là dốc chứ không thể gọi là đèo.
Để chinh phục con đường này hình như không phải ai cũng lái xe được. Có nhiều tài xế, Nam Bắc ngược xuôi mãi rồi, ấy thế nhưng đến đây đành phải ngả mũ chào thua và tìm tài xế để thuê lái cho an toàn. Mỗi chiếc xe khách ở đây muốn ngược vùng cao đều phải lắp thêm vào ổ phanh bánh sau hai vòi xả nước. Cứ mỗi đợt xe vào dốc, vào cua là hai vòi ấy phải liên tục xả nước để giảm nhiệt. Nếu không làm cách này, chỉ cần lên hay xuống nửa dốc thôi là phanh cháy rụi, xe mất an toàn và sẽ không ai hình dung được những gì sẽ xảy ra nữa.
Đằng đẵng cùng xe và khách nửa ngày đường, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Đồng Văn. Huyện Đồng Văn nằm thọt lỏm giữa một thung lũng đá, trông nghèo và manh mún như thứ đồ chơi của trẻ em được xếp vội. Hoành tráng nhất của khu huyện này là chiếc nhà Uỷ ban, Phòng văn hoá và khu chợ đá của huyện. Huyện buồn tênh trong buổi chiều, trơ trụi và sám ngắt một mầu đá, mầu bụi.
Để nuôi được một bò trưởng thành, mỗi người nông dân của Đồng Văn phải “cõng” tới cả 1000 địu thức ăn như thế này
Làm ruộng trên đá, nuôi bò trên lưng
Hiện, theo thống kê, cả một cao nguyên đá với diện tích bạt ngàn nhưng đất canh tác của Đồng Văn chỉ có vỏn vẹn trên 15 nghìn ha. Diện tích đất canh tác ở đây có cái hết sức đặc thù. Ở đây người ta khó có thể kiếm được một mảnh đất nào phẳng phiu có diện tích từ 1 sào trở lên. Trên 15 nghìn ha đất canh tác ấy, là do người ta cộng từ nhỏ đến lớn, từ mảnh đất bằng cái bàn học trẻ em đến mảnh đất lọt được cái cày và con trâu. Làm nương trên đá ở đây là vậy. Ngoài diện tích đất canh tác ổn định, nghĩa là không bị mưa gió rửa trôi trong năm thì người dân (chủ yếu là người Mông, chiếm tới trên 80% dân số) còn có một cách để giữ và mở rộng diện tích gieo trồng của mình bằng cách cõng đất lên núi.
Mùa tra hạt đến, cứ một gùi đất, một nắm hạt giống dắt ở cạp váy, vợ chồng con cái những người nông dân ấy lại gói gém mèn mén lên nương. Xuống chỗ thấp, gạt đất vào gùi rồi chân trần đạp đá, bám đá mà leo lên. Nhìn thấy hốc đá nào mà nắm đất, hạt ngô có thể “ở” được là lại tay trần bốc đất ném xuống cùng hai ba hạt ngô được thẩy xuống để hy vọng có một mùa thu. Ở đây, đất gieo trồng người ta không thể tính theo diện tích được. Cách tính cơ bản nhất vẫn là tính theo giống. Dưới xuôi, một cân ngô có thể gieo được cả sào đất thế nhưng ở đây để gieo một cân ngô người ta phải cần 1 thậm chí là 2 đên 3ha đá núi.
Ở nơi khác, một năm người dân có thể gieo cấy được 2 – 3 vụ, thế nhưng ở cao nguyên đá này, một năm chỉ cho người dân gieo cấy 1 vụ, chủ yếu là ngô. Có gieo và có thu là may mắn lắm rồi. Hết tháng 3, mùa đông giá qua đi, nhiệt độ nhích lên, mưa xuống, cao nguyên đá bước vào mùa gieo cấy. Cây ngô được gieo xuống hốc đá, mỗi hạt ngô gieo cho người ta một hy vọng. Cây ngô dù có chăm sóc thế nào cũng chỉ lớn ngang vai trẻ, cho thu một bắp nhỉnh hơn quả trứng ngỗng. Có gieo có thu là may mắn. Năm nào, trời trở mưa, gió và sương lạnh về sớm, đúng vào lúc ngô trổ bông là cả cao nguyên đá não nùng với chuyện đói ăn. Mất mùa, ngô không về nhà đủ, người già và trẻ em chỉ biết ăn bớt khẩu phần chứ không lấy gì để đắp đổi thêm được.
Với người Mông ở Đồng Văn, ngoài vợ, con, anh em dòng tộc, bạn bè, ngôi nhà thì có lẽ thứ tài sản người ta quý nhất đó là con bò. Nuôi bò trên lưng ở đây là vậy. Con bò ở đây ngoài việc cung cấp sức kéo cho gia đình các hộ dân thì nó còn là thứ tài sản bán được tiền nhất. Đất đai khô cằn, lương thực thiếu, đến cỏ cho bò cũng thiếu. Một con bò nuôi ở đồng bằng, một năm là bán được nhưng ở đây muốn bán được con bò người dân phải nuôi mất 2 – 3 năm.
Bò ở đây không thể chăn thả tự nhiên được, nếu chăn thả theo kiểu tự nhiên thì đi mãi cũng không có cỏ, thậm chí nếu không cẩn thận thì bò sẽ vướng đá núi, rơi vực mà chết. Con bò giá trị là vậy, thế nhưng do chăn thả khó khăn nên hiện tại cả huyện Đồng Văn, sau hàng chục năm phấn đấu, đàn bò mới chỉ đạt trên 20 nghìn con. Con bò ở đây ngoài việc cầy kéo thì sướng nhất là chuyện sinh sống. Nếu không phải cầy, bừa thì chỉ phải nằm ở chuồng, thức ăn đã có người gùi đến tận miệng. Bò chăn nuôi khó và quý như vậy nên nó đã được đưa vào chủ trương phát triển kinh tế, hướng xoá đói giảm nghèo ở đây. Giảm số hộ không có trâu bò và tăng số lượng cho nó đã được đưa vào mục tiêu huyện Đồng Văn luôn đưa vào mục tiêu phấn đấu trong các năm.
Thoát nghèo luôn là ước vọng của người Đồng Văn
Thách thức
Với điều kiện tự nhiên mang nét hết sức khác biệt nên cái nghèo đã trở thành căn bệnh trầm kha, đã có từ rất lâu ở Đồng Văn. Cái nghèo ở đây như “một kẻ thù” lẩn khuất, “có mặt” ở hầu khắp các xó xỉnh, từ những bụi cây lúp xúp … đến từng hốc đá. Đợt nghèo này chưa qua, đợt nghèo khác lại sầm sập đến.
Trước đây, theo tiêu chí nghèo cũ, bằng sự cố gắng của chính mình và sự hỗ trợ, theo đánh giá, cái nghèo đã bị đẩy lùi. Ấy thế mà bước vào thời kỳ mới, cái nghèo theo diện mới được đưa ra, bằng việc đánh giá lại, cái nghèo lại đưa người cao nguyên đá vào tình thế nao núng. Hiện Đồng Văn có 19 xã thị trấn thì đã có 12 xã có tỷ lệ nghèo vẫn duy trì ở mức độ trên 50%.
Đã chính Hạ nhưng Đồng Văn càng về đêm càng lạnh. Cái lạnh bủa vây con người tựa như sự bủa vây của cái nghèo. Thoát nghèo vốn là một ước vọng từ bao đời nay của người Đồng Văn và tới nay nó chưa thành hiện thực.
Theo dongvan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc