Cao nguyên đá Đồng Văn, một trong ít điểm ở miền Bắc thường đón tuyết rơi mùa đông

08:54, 21/12/2013

HGĐT- Nhiều năm qua, mưa tuyết trở thành một hiện tượng độc đáo, hút du khách. Nhưng với những người sống ở vùng biên giới Đồng Văn, Mèo Vạc, tuyết rơi không phải là chuyện xa lạ. Trong đợt giá rét giữa tháng 12 này, cùng với Sa Pa của Lào Cai, Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) là một trong số ít điểm ở miền Bắc đón tuyết rơi. Nhiều khu vực trên CNĐĐV đã đón những đợt mưa tuyết dầy trắng xóa như cảnh tượng mùa đông ở châuÂu, Nhật Bản.



                          Tuyết rơi trên đường vào Phó Bảng (Đồng Văn).

Trước đây, người dân cả nước chủ yếu biết đến hiện tượng tuyết rơi ở các điểm đến như Sa Pa (Lào Cai), đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Hiện tượng tuyết rơi đã tạo ra không ít khó khăn và cả thiệt hại về kinh tế đối với người dân địa phương. Nhưng với du khách, tuyết rơi đã tạo nên sự tò mò, khám phá. Nhiều du khách từ các tỉnh rất xa xôi, thậm chí ở tận miền Nam cũng chờ thời cơ và khoác ba lô lên đường đón những đợt tuyết rơi hiếm gặp ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có những du khách ở xa may mắn đã được đón những cơn mưa tuyết hiếm hoi trong đời, nhưng cũng có không ít du khách dù đã mất nhiều công sức, nhưng cũng không đạt được mong muốn một lần đùa nghịch với “nàng” tuyết. Ở Hà Giang, những năm qua dù trong mùa giá rét, nhưng đang thu hút ngày càng đông du khách lên với CNĐĐV để được ngắm những nương hoa tam giác mạch đẹp huyền diệu đầu đông và đặc biệt không ít người đến để “rình” cơ hội thấy tuyết.


Theo thông tin từ những người già ở CNĐĐV và theo thực tế ghi nhận rất nhiều năm có tuyết rơi. Với địa hình núi đá, có đường biên giới dài với nước bạn Trung Quốc, CNĐĐV thường là nơi đón nhận đầu tiên những đợt lạnh từ phương Bắc tràn về với cường độ mạnh nhất. Cùng với các điều kiện về gió, không khí, độ ẩm và địa hình đã tạo ra khả năng sinh mưa tuyết ở khu vực CNĐĐV. Có những năm, lượng tuyết rơi dày, phủ trắng nhiều địa bàn biên giới. Hoặc trong những thời điểm nhiệt độ mùa đông xuống thấp, ở những đỉnh núi cao thường có tuyết rơi nhẹ. Có những nơi buổi sáng thức giấc, băng còn đóng theo giọt gianh nhỏ từ mái nhà xuống, hoặc đóng trên mặt các vũng nước...


Theo ghi nhận, những điểm thường hay đón mưa tuyết ở CNĐĐV đó là: Phó Bảng, Lũng Cú, Lũng Táo, Ma Lé, Sà Phìn (Đồng Văn), Sơn Vĩ, Xín Cái, Thượng Phùng (Mèo Vạc)... Tại những điểm như Phó Bảng, Lũng Cú, Xín Cái là nơi rất hay đón mưa tuyết. Đó là những nơi có nhiệt độ trung bình năm khá thấp. Vào mùa hè thời tiết rất mát, có hôm còn mát lạnh, ngủ phải dùng chăn ấm. Chính vì điều kiện thời tiết mát mẻ như vậy nên tại 2 trung tâm huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỷ lệ gia đình dùng điều hòa nhiệt độ là rất thấp.


Vượt lên những trở ngại của giá rét, những năm qua khi CNĐĐV trở thành Công viên địa chất Toàn cầu, du khách nhiều nơi đã chọn nơi đây là điểm đến khám phá. Trước những ngày đông giá, có không ít đoàn khách du lịch vẫn khấp khởi lên Hà Giang để phục cơ hội ngắm tuyết rơi. Biết rằng tuyết rơi là một điều vất vả với đồng bào địa phương, nhưng nếu biết biến khó khăn ấy trở thành cơ hội phát triển du lịch thì chúng ta sẽ giúp cho CNĐĐV ấm áp hơn giữa mùa đông tuyết rơi như ở Sa Pa, Mẫu Sơn. Với du khách, nếu có niềm đam mê du lịch, đam mê khám phá các vùng đất mới, thì CNĐĐV mùa đông là một điểm đến đầy thử thách, với sự huyền ảo từ những vẻ đẹp lấp ló trong sương mây mà thiên nhiên đã tạo ra. Lên với CNĐĐV, lại càng thấy cảm phục về một sức sống mạnh mẽ của cộng đồng các dân tộc giữa dải biên cương hùng vĩ.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang – địa chỉ của du lịch trải nghiệm
Hướng phát triển du lịch trải nghiệm đang được Hà Giang đặc biệt lưu tâm với sự hỗ trợ cuả Tổng cục Du lịch Việt Nam.
29/10/2013
Hộ lan đá trên Cao nguyên đá
HGĐT- Công viên Địa chất Toàn cầu(CVĐCTC) - Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn vốn được biết đến với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của tự nhiên và là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao; diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên
28/11/2013
Giới thiệu tác giả - Tác phẩm: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mã Thế Anh
HGĐT- Mã Thế Anh sinh năm 1966 tại Lạng Sơn. Anh tốt nghiệp Cử nhân Báo chí, Cao cấp chính trị, Chuyên viên chính. Hiện nay là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Ủy viên BCH Hội Văn học- Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Trướng ban công tác Hội viên - Thi đua khen thưởng (Hội VH- NT các dân tộc thiểu số Việt Nam); Phó Trưởng ban Kiểm tra Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh
27/11/2013
Xây dựng hồ sơ Kéo co truyền thống trình UNESCO
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia Kéo co truyền thống đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015.
25/11/2013