“Con đường” du lịch Hoàng Su Phì

07:56, 19/11/2013

HGDT- Có lợi thế là nơi cư trú của 12 đồng bào dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc sắc đa dạng, phong phú vẫn còn vẹn nguyên và ruộng bậc thang góp mặt vào hàng di tích danh thắng cấp Quốc gia... Hoàng Su Phì đã trở thành một trong những điểm du lịch khám phá hấp dẫn, thu hút hàng ngàn lượt du khách tham quanmỗi năm.



Ruộng bậc thàng xã Bản Phùng, một địa chỉ không thể bỏ qua với bất kỳ ai đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín.


Nằm ở vùng núi đất phía Tây của tỉnh, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; tuy nhiên những năm gần đây, khi loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm có cơ hội “lên ngôi”, phát huy lợi thế của địa phương, Hoàng Su Phì đã tìm cho mình một con đường riêng là phát triển văn hóa gắn với du lịch; mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Từ năm 2006, huyện đã xây dựng các tour tuyến và điểm dừng chân du lịch tạo thành một mạng lưới du lịch đồng bộ và liên kết. Năm 2007, tiếp tục xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng để phục vụ nhu cầu của du khách; từ đây, nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng đã ra đời tại các xã: Thông Nguyên, Nam Sơn, Hồ Thầu, Bản Luốc, Nậm Dịch, Bản Péo; Nậm Ty, thị trấn Vinh Quang... Mới đây, trong cuộc họp của BTV Huyện ủy tháng 4.2013, vấn đề phát triển văn hóa gắn với du lịch tiếp tục được đưa ra bàn luận và tìm giải pháp thực hiện có hiệu quả tầm nhìn đến năm 2020. Khám phá Hoàng Su Phì, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo dáng núi, ẩn hiện trong làn sương tại các xã Thông Nguyên, Bản Luốc, Nậm Ty, Hồ Thầu, Bản Phùng, Sán Sả Hồ; tham quan đồn Pố Lũng; đền Cầu may thôn Suối Thầu (xã Bản Luốc), khu mộ cổ vua Gia Long của người La Chí (xã Bản Phùng), du khách còn được khám phá nét văn hóa truyền thống rất riêng của từng dân tộc qua các lễ hội dân gian như: Quýa Hiéng của người Dao Đỏ; lễ cúng rừng của người Nùng; lễ tết Khu cù tê của người La Chí; lễ Cấp Sắc của người Dao; lễ Gầu Tào của người Mông; cúng Hoàng Văn Thùng của người Cờ Lao, hay tham gia vào hội chọi dê độc đáo hàng năm và đắm mình trong các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Để đáp ứng cơ bản nhu cầu khám phá của du khách, ngoài nỗ lực về xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa cơ sở, huyện Hoàng Su Phì còn tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức bảo tồn văn hóa dân tộc và tham gia phát triển du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động của 120 đội văn nghệ dân gian tại các xã, xóm bản, các làng văn hóa du lịch; sưu tầm, trình diễn và giới thiệu các lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng dân gian của các dân tộc trên địa bàn. Thực tế, từ năm 2006 đến nay, lượng khách du lịch đến với Hoàng Su Phì đều tăng mạnh qua từng năm. Con số thống kê cho thấy năm 2009, toàn huyện mới có trên 1.500 lượt khách đến tham quan, trong đó 52% là khách nước ngoài, thì năm 2012 đã có hơn 5.000 lượt khách tham quan, doanh thu từ du lịch đạt trên 3 tỷ đồng. Thế mạnh để phát triển du lịch ở Hoàng Su Phì là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thông tin phản hồi từ khách du lịch thì du lịch ở Hoàng Su Phì còn manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm du lịch đơn điệu, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho du lịch chưa đáp ứng hết nhu cầu của du khách, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch yếu về nghiệp vụ, một bộ phận cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa vào cuộc, việc gắn kết giữa văn hóa và du lịch chưa chặt chẽ và rõ nét, sự phối hợp với các địa phương và với các công ty du lịch còn mang tính thời vụ...

 


Khách du lịch tham quan làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Làng Giang (Thông Nguyên).


Tham quan làng văn hóa du lịch cộng đồng PanHou, xã Thông Nguyên, là một trong những nơi đón nhiều khách du lịch (phần lớn là khách nước ngoài) ghé thăm; nhưng có một điều khiến những nhà quản lý và phát triển du lịch địa phương cần quan tâm là bài toán về liên kết du lịch; bởi du khách đến đây rất ít khi ở lưu trú tại các cơ sở lưu trú của người dân, mà đi theo tour du lịch và do phía công ty du lịch đảm nhiệm. Trong khi theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 100% hộ dân ở thôn Làng Giang đều đạt tiêu chí về cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Ông Phàn Văn Hon, người dân thôn Làng Giang (xã Thông Nguyên) chia sẻ: “Ý thức của người dân trong phát triển du lịch đã được nâng lên đáng kể, khách du lịch về với Làng Giang đông, nhưng vì sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa có sự liên kết với các công ty du lịch để dẫn khách nên chưa níu chân được du khách. Người dân Làng Giang sẵn sàng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch để nâng cao thu nhập; mong muốn các nhà quản lý, những người làm du lịch có giải pháp khắc phục khó khăn, tăng cường sự liên kết du lịch để người dân vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa có thể sống được bằng du lịch”.

 

Làm việc với lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì về chiến lược phát triển du lịch trong tương lai, được biết, trong thời gian tới huyện sẽ đầu tư có trọng điểm hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng; quy hoạch điểm du lịch gắn xây dựng nông thôn mới; khai thác các tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phámới; khôi phục làng nghề và mở các điểm trưng bày, bán sản phẩm truyền thống; khuyến khích và mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch; thành lập các tổ dịch vụ phục vụ du khách tham quan tại cơ sở; trình diễn các lễ thức tín ngưỡng dân gian; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; tăng cường hợp tác với các công ty du lịch, lữ hành để tiếp cận với mọi đối tượng khách du lịch; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, vệ sinh ATTP; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

 

Ngành công nghiệp không khói hiện đang là ngành mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều địa phương trong cả nước; với thế mạnh riêng của mình và những bước đi đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, Hoàng Su Phì đang tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và trở thành điểm du lịch hấp dẫn, gọi mời.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đường lên Tây Bắc đẹp lạ kỳ!
Đường lên Tây Bắc quanh co, trắc trở nhưng cũng rất đỗi thơ mộng. Những đồi cọ rừng chè, đồng xanh ngào ngạt, những cao nguyên đá của Hà Giang, những hang núi với nét đặc sắc văn hóa dân tộc… là nguồn cảm hứng bất tận cho du khách thích khám phá.
29/10/2013
Hà Giang – địa chỉ của du lịch trải nghiệm
Hướng phát triển du lịch trải nghiệm đang được Hà Giang đặc biệt lưu tâm với sự hỗ trợ cuả Tổng cục Du lịch Việt Nam.
29/10/2013
Sủng Là, nơi đá nở hoa
Những vệt nắng cuối thu còn sót lại cùng sắc tím của những cánh đồng hoa tam giác mạch như lời mời gọi du khách lên đường, về vùng đất nơi địa đầu tổ quốc.
28/10/2013
Đồng Văn mùa hoa tam giác mạch
Trời bắt đầu trở lạnh, cành lá ướt đẫm sương trước khi ông mặt trời thức giấc, trước của nhà hoa rau dền đã xậm lại thành mầu đỏ tía,... là lúc hoa tam giác mạch đã vào đến độ thắm.
28/10/2013