MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC, NHÀ QUẢN LÝ VỀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

22:06, 22/07/2011

HGĐT- Sớm hoàn thành quy hoạch xây dựng CVĐC Cao nguyên đá


 
 (Tiến sỹ NGUYỄN LÊ HUY - Trưởng BQL CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn)
Hội nghị quốc tế về CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 với chủ đề “Công viên địa chất và du lịch địa chất phục vụ phát triển bền vững” cùng các phiên họp chuyên đề về chính sách kết nối phát triển CVĐC và du lịch địa chất; phổ cập, quảng bá di sản địa chất, CVĐC và du lịch địa chất; vùng Karts thách thức và hội nhập; giới thiệu các CVĐC mới và các khu vực muốn trở thành CVĐC, là những kinh nghiệm bổ ích, có thể áp dụng vào thực tế quá trình phát triển của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn. Kết quả khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học đã phát hiện được 139 điểm di sản địa chất có giá trị tại CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc nhiều loại khác nhau như di sản địa mạo, di sản kiến tạo, di sản cổ sinh, di sản địa tầng...có những di sản hóa thạch được tìm thấy trong nhiều tầng đá trầm tích trên 500 triệu năm. Bên cạnh những giá trị di sản địa chất quý hiếm, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng hệ thống di sản văn hóa của 17 dân tộc sinh sống.

 

Trước khi gia nhập mạng lưới CVĐC, công tác bảo tồn các di sản địa chất, di sản văn hóa được đặt ra và trở thành nhiệm vụ cần thiết, các cơ quan chức năng đã tập trung vào các hoạt động phổ cập, quảng bá để nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hình thức tập huấn cho cán bộ thôn, bản để họ trở thành tuyên truyền viên cộng đồng sử dụng tiếng địa phương; mở các lớp tập huấn cho cư dân bản địa bằng tiếng địa phương; xây dựng hệ thống biển, bảng song ngữ nhằm cung cấp thông tin cho người dân và khách du lịch; trưng bày, triển lãm để người dân biết và nhận thức được giá trị các di sản hiện có trên địa bàn mình sinh sống; xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu về CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì ý thức cộng đồng của một bộ phận dân cư trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản còn hạn chế; kinh phí đầu tư xây dựng các công trình giới thiệu, cảnh báo, bảo vệ còn ít; chưa thực sự kết nối tốt giữa di sản với du lịch nên đời sống người dân bản địa vẫn gặp nhiều khó khăn, người dân chưa hiểu được lợi ích kinh tế từ các di sản mang lại để cải thiện đời sống một cách bền vững. Trong thời gian tới, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các công trình cảnh báo di sản; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, xúc tiến xây dựng quy hoạch CVĐC, đặc biệt chú trọng quy hoạch hệ thống các di sản cần bảo tồn; cơ cấu lại hệ thống nội dung và các biển, bảng giới thiệu sao cho vừa hấp dẫn du khách, vừa nâng cao được ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản của du khách và cộng đồng dân cư bản địa.
                                                             THIÊN THANH (Thực hiện)

* Nâng cao trách nhiệm cộng đồng đối với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn

 
 (Giáo sư Michil Dusar, Nhà khoa học địa chất Viện Khoa học Hoàng gia Bỉ)
Đây là lần đầy tiên ông quay trở lại sau khi CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu, trước đó, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu về những kiến tạo, biến đổi địa chất ở khu vực này, kết quả nghiên cứu của ông và các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di sản quý, hiếm vào loại bậc nhất trên thế giới. Và sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức trở thành thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu là niềm vui, niềm vinh dự rất lớn không chỉ đối với người dân Hà Giang mà cả của Việt Nam . Phải khẳng định, công tác quản lý của chính quyền cơ sở, nhận thức của người dân đối với việc bảo tồn, giữ gìn những nét độc đáo về văn hóa, địa chất, địa mạo của CVĐC được nâng lên rất nhiều. Theo ông, công việc trước mắt đối với Hà Giang là phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí theo đúng yêu cầu của mạng lưới CVĐC toàn cầu, cùng với nó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm nổi bật những giá trị của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, mỗi người dân bản địa, khách du lịch cần tôn trọng, chung tay bảo vệ những giá trị của CVĐC. Bên cạnh đó, BQL CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn cũng cần xây dựng nhiều điểm tin, cung cấp đầy đủ thông tin về di sản địa chất, địa mạo cho người dân và du khách, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên đạt chuẩn, đào tạo các nghề truyền thống cho người dân để họ có nguồn thu nhập chính đáng từ hoạt động du lịch, dịch vụ ngay tại quê hương. Và khi đời sống của người dân được nâng cao, lợi ích của họ gắn liền với CVĐC, thì họ sẽ có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giá trị địa chất, địa mạo của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn.

TIẾN CHIẾN (Thực hiện)

 

* Bảo tồn di sản địa chất, địa mạo - yếu tố quyết định sự phát triển của CVĐC

 
 (Giáo sư Guy Martini - Chuyên gia cao cấp Mạng lưới CVĐC toàn cầu)
Giáo sư Guy Martini là người đã đặt chân đến tìm hiểu, nghiên cứu nhiều CVĐC trên thế giới, thời gian qua, ông cũng dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo ông, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn chứa bên trong nhiều giá trị địa chất, địa mạo hiếm nơi nào trên thế giới có được, đến nay đã điều tra, xác định được 139 biểu hiện di sản địa chất, với 15 di sản cấp quốc tế, 68 di sản cấp quốc gia, 56 di sản cấp địa phương. Những biểu hiện địa chất vô cùng phong phú về kiểu loại, nguồn gốc, niên đại, đặc biệt ở đây đã phát hiện dấu vết 2 trong số 5 biến cố sinh học tầm cỡ hành tinh là: Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra ở danh giới Frasni/Famen cách ngày nay khoảng 364 triệu năm; biến cố sinh học Permi - Trias xảy ra sát trước ranh giới Permi/Trias cách ngày nay khoảng 251 triệu năm, các biến cố này đã làm tuyệt diệt hầu hết số loài cổ sinh vật biển. Cấu tạo địa chất trên CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn rất đặc biệt, nhiều hẻm vực sâu, kỳ vĩ, có hẻm vực dài hơn 30 km, sâu từ 700-800 m, vách dựng đứng 80-900, thuộc loại sâu nhất ở Việt Nam. Bên cạnh những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân bản địa. Chính những phong tục, tập quán canh tác, sinh hoạt văn hóa của 17 dân tộc sinh sống trên CVĐC đã bồi đắp thêm nhiều giá trị độc đáo, quý hiếm, rất riêng của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn so với nhiều nơi khác.

Giáo sư Guy Martini cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đó là: Chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đối với việc bảo tồn những giá trị địa chất, địa mạo hiện có, bảo tồn được rừng và sự đa dạng của thiên nhiên, đồng thời biết giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây.

                                                              HÀ THANH(Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Di tích Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới
Vào lúc 13 giờ chiều 27/6 (theo giờ Paris, Pháp), tại cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 19 đến ngày 29/6 tại Paris, di tích Thành nhà Hồ thuộc tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
28/06/2011
Cần có giải pháp tích cực gìn giữ cảnh quan môi trường ở Khau Vai
HGĐT- Trong những năm qua, do nhu cầu cuộc sống của người dân được nâng cao nên các hoạt động vui chơi giải trí cũng đã phát triển đa dạng, phong phú, đặc biêt nhu cầu đi du lịch khám phá và du lịch sinh thái đã trở thành thông lê đối với nhiều người, không những ở trong nước, trong tỉnh, mà còn cả ở nước ngoài.
27/05/2011
Bắc Mê, đánh thức tiềm năng du lịch
HGĐT- Bắc Mê là huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang, nơi được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên quý giá, giàu tiềm năng để trở thành vùng du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn. Trong những năm gần đây, Bắc Mê đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách tham quan du lịch mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh ta.
23/05/2011
Đến thăm thôn Hạ Thành
HGĐT - Thôn Hạ Thành thuộc xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang, cách trung tâm thành phố 6 km về hướng Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy.
20/07/2011