Để du khách đến Làng Văn hóa du lịch thôn Tha

17:41, 17/06/2011

HGĐT- Với những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, năm 2007, thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) được chọn làm điểm xây dựng Làng Văn hoá du lịch. Sau nhiều năm hoạt động du lịch cộng đồng, thôn Tha thu được những kết quả nhất định.


 

 100% nhà dân trong thôn là nhà sàn truyền thống.


Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cũng như chưa tạo được sự chuyển biến trong tư duy, cách nghĩ, cách làm du lịch của người dân nơi đây.


Thôn Tha có điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng: Thôn nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa và đường đi lại thuận tiện; gần 100% hộ dân trong thôn là người dân tộc Tày và bà con vẫn giữ được nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, nổi bật là 100% nhà trong thôn đều là nhà sàn truyền thống rất đẹp; địa điểm của thôn đẹp, phù hợp cho du khách tham quan, ngắm cảnh... Tuy nhiên, qua 5 năm đi vào hoạt động, Làng Văn hoá du lịch thôn Tha không có nhiều chuyển biến tích cực như mong muốn của chính quyền địa phương và người dân. Anh Nguyễn Văn Quyền, người quản lý hoạt động du lịch của thôn cho biết: “Từ khi hoạt động du lịch cho đến nay, lượng khách du lịch thuần tuý đến thôn không nhiều. Mùa du lịch mà du khách nước ngoài hay lên vùng cao đó là từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau thì mỗi tháng cũng chỉ có một vài đoàn khách đến thôn ăn, nghỉ. Ví dụ như từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 4 năm nay chỉ có khoảng 150 lượt khách đến tham quan, ăn nghỉ tại thôn. Con số đó là quá nhỏ so với hàng vạn lượt du khách nước ngoài lên Hà Giang mỗi năm. Còn với du khách trong nước thì hầu như không có, chỉ có một số đoàn khách do các cơ quan, ban ngành tỉnh, thành phố giới thiệu hoặc đưa lên thưởng thức ẩm thực chứ không có khách du lịch tham quan, ăn nghỉ thuần tuý”.


Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển du lịch cộng đồng ở thôn là do bà con nơi đây vẫn chưa hiểu nhiều về việc làm du lịch. Do đó trong văn hoá ứng xử cũng như phong cách phục vụ du khách còn rất kém. Mặt khác, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư của bà con được thực hiện theo kiểu có bao nhiêu tiền làm bấy nhiều nên cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Cả thôn có hơn 100 ngôi nhà sàn nhưng chỉ có vài hộ đáp ứng được yêu cầu về nơi ăn, chỗ nghỉ, công trình vệ sinh đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Mỗi ngày thôn cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15 du khách ăn, nghỉ tại chỗ. Cùng với đó, cuộc sống của bà con vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông trên đường làng, ngõ xóm gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường. Một nguyên nhân khác đó là sản phẩm du lịch không phong phú. Du khách đến đây ngoài thưởng thức ẩm thực, đi dạo quanh thôn thì không còn điểm đến để tham quan cũng như không có nhiều sản phẩm lưu niệm để mua...

Vậy, làm gì để Làng Văn hoá du lịch thôn Tha thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách cũng như công việc làm du lịch giúp dân nơi đây nâng cao thu nhập? Sau nhiều năm quản lý hoạt động du lịch của thôn Tha, anh Nguyễn Văn Quyền nhận định: “Muốn phát triển du lịch công đồng thì công đồng dân cư phải cùng làm du lịch. Đó là điểm mấu chốt để thôn Tha phát triển du lịch cộng đồng trong cả hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, để bà con tích cực tham gia làm du lịch thì chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần mở thêm các lớp tập huấn cho bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa về lợi ích lâu dài khi phát triển du lịch công đồng. Trong đó, đặc biệt quan tâm giúp bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, cùng bảo tồn, giữ gìn nét văn hoá truyền thống, nâng cao văn hoá ứng xử và cách phục vụ du khách. Ngoài việc tập huấn thường xuyên cho người dân thì nhà nước cũng cần cử con em trong thôn đi học tại các trường đào tạo du lịch chuyên nghiệp”. Cùng với đó, tỉnh cần có chính sách cho bà con vay vốn ưu đãi để đầu tư về cơ sở vật chất, chỉnh trang nhà cửa, tu sửa công trình vệ sinh, đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của du khách. Nghiên cứu và có vốn đầu tư cho người dân phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, khơi lại những nghề truyền thống giúp bà con có sản phẩm bày bán, thêm thu nhập và các hoạt động nghề truyền thống cũng là điểm đến cho du khách. Một khi người dân được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch thì chắc chắn bà con sẽ gìn giữ nét văn hoá, tích cực hơn với cộng đồng cùng làm du lịch. Ngoài ra, thôn Tha cũng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của ngành chức năng trong việc tạo mối liên kết giữa thôn với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài nước.


TUYÊN BÌNH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần có giải pháp tích cực gìn giữ cảnh quan môi trường ở Khau Vai
HGĐT- Trong những năm qua, do nhu cầu cuộc sống của người dân được nâng cao nên các hoạt động vui chơi giải trí cũng đã phát triển đa dạng, phong phú, đặc biêt nhu cầu đi du lịch khám phá và du lịch sinh thái đã trở thành thông lê đối với nhiều người, không những ở trong nước, trong tỉnh, mà còn cả ở nước ngoài.
27/05/2011
Bắc Mê, đánh thức tiềm năng du lịch
HGĐT- Bắc Mê là huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang, nơi được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên quý giá, giàu tiềm năng để trở thành vùng du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn. Trong những năm gần đây, Bắc Mê đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng nghìn du khách tham quan du lịch mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh ta.
23/05/2011
Thử cảm giác đi trên “sống mũi con ngựa”
Nghe cái tên Mã Pí Lèng, có lẽ không xa lạ với những kẻ backpacker, nghe như thân quen lắm. Uh, thì Mã Pí Lèng mà, nghĩa là gì, là “sống mũi con ngựa”, là một trong 'tứ đại đỉnh đèo' của miền Bắc.
20/05/2011
Khai thác du lịch gắn với đầu tư, bảo vệ Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT- Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) từ trước khi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) đã là một địa chỉ ưa thích của du khách trong và ngoài nước.
20/04/2011