English | Tiếng Việt
Thứ 4, 07/05/2025, 08:22

Mèo Vạc, điểm hẹn du lịch trên Cao nguyên đá

09:28, 16/04/2025

BHG - Đến Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc chắc hẳn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất cứ du khách nào đam mê “xê dịch”. Với phong cảnh thiên nhiên độc đáo, kỳ vĩ cùng bề dày văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nơi đây hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

Có dịp đến huyện Mèo Vạc vào dịp 27.3 âm lịch hàng năm, du khách sẽ được hòa mình vào Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai, một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất trên vùng Cao nguyên đá. Năm nay, sự kiện tiếp tục được huyện tổ chức trong các ngày từ 22 – 24.4 với quy mô cấp tỉnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà, lễ cầu duyên, thi trang phục truyền thống, trình diễn múa khèn Mông, giao lưu văn hóa dân gian. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được huyện tích cực triển khai, đảm bảo theo tiến độ đề ra.

Du khách tìm hiểu thông tin các điểm du lịch ở Mèo Vạc.
Du khách tìm hiểu thông tin các điểm du lịch ở Mèo Vạc.

Nếu nói Chợ Phong Lưu Khâu Vai đại diện cho nét đẹp văn hóa thì chắc chắn đèo Mã Pì Lèng sẽ là đại diện về phong cảnh thiên nhiên của Mèo Vạc. Nhiều dân phượt đã yêu mến con đèo này và gọi nó với danh hiệu “đệ nhất hùng quan” hay một trong “tứ đại đỉnh đèo” của khu vực phía Bắc Việt Nam. Con đèo dài hơn 20 km, nối 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là con đèo có lịch sử hình thành gian nan và hào hùng bậc nhất. Đứng ở trên đèo, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng một vùng rộng lớn các dãy núi đá tai mèo trùng điệp, đặc biệt là ngắm trọn hẻm Tu Sản, hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á sừng sững bên cạnh dòng Nho Quế trong xanh.

Không chỉ có Chợ Phong Lưu Khâu Vai hay đèo Mã Pì Lèng, trên địa bàn huyện Mèo Vạc còn có nhiều phong cảnh và nét đẹp văn hóa độc đáo khác như: Vách đá trắng, lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3, hang động Sán Tớ. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở xã Pả Vi, Tát Ngà, Tả Lủng, thị trấn Mèo Vạc. Các lễ hội truyền thống của dân tộc Mông, Dao, Lô Lô như lễ hội Gầu Tào, lễ cúng Bàn Vương, lễ cầu mùa. Hay các món ăn truyền thống của dân tộc bản địa như mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp, thịt bò khô, rượu ngô. Tất cả những nét đẹp này đã hòa quyện, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến huyện.

Hẻm Tu Sản – kỳ quan thiên nhiên độc đáo trên Cao nguyên đá.
Hẻm Tu Sản – kỳ quan thiên nhiên độc đáo trên Cao nguyên đá.

Chị Trần Huyền Trang, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Mèo Vạc có phong cảnh thiên nhiên đầy cuốn hút, như một Vịnh Hạ Long trên cạn. Không chỉ sở hữu nhiều cảnh quan hùng vĩ, những nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Chắc chắn tôi sẽ quay lại Mèo Vạc trong thời gian không xa”.

Nhằm thu hút nhiều hơn du khách đến địa phương, thời gian qua, huyện Mèo Vạc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh như du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hình thành và khai thác hiệu quả các tua, tuyến du lịch phục vụ du khách; xây dựng ý thức văn minh, bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, du khách đến huyện Mèo Vạc không ngừng tăng qua các năm. Riêng năm 2024, toàn huyện đón 545.000 lượt khách, đạt 107% so với năm 2023. Sang quý I năm 2025, toàn huyện đón hơn 121.000 lượt người, đạt 183,5% so với cùng kỳ năm 2024. Những con số ấn tượng này không chỉ phản ánh sức hút mạnh mẽ của du lịch Mèo Vạc mà còn mở ra một tương lai đầy triển vọng. Với định hướng đúng đắn, sự đầu tư bài bản cùng tiềm năng lớn về du lịch, Mèo Vạc hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá miền đá nở hoa của du khách bốn phương.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai quật nền chùa cũ (chùa Ba Tự) tại huyện Bắc Mê
BHG - Theo Quyết định số 656/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc cho phép Bảo tàng tỉnh Hà Giang khai quật tại khu vực nền chùa cũ (chùa Ba Tự) thuộc thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian từ ngày 1.4 – 15.5 trên diện tích 80 m2.
15/04/2025
Cóc Cọc gìn giữ nghề dệt vải truyền thống
BHG - Theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì cũng ngày càng mai một. Thế nhưng, bằng tình yêu với nghề dệt, nhiều phụ nữ ở thôn Cóc Cọc, xã Sán Sả Hồ vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt nên những tấm vải nhuộm tràm truyền thống.
15/04/2025
61 mùa chữ giữa đá và sương
BHG - Tháng Tư này trên mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc có một ngày rất đặc biệt với những người làm báo: Kỷ niệm 61 năm ngày Báo Hà Giang ra số đầu tiên (13.4.1964 - 2025). Hơn 60 năm đã qua, Báo Hà Giang không ngừng lớn mạnh, là nơi truyền tải những thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời đến những người dân. Bao nhiêu năm ấy có biết bao nhiêu tình của những người làm báo, cùng chung tay, góp sức xây dựng nên một trong những tờ báo uy tín, tin cậy, là niềm tự hào lớn lao đại diện cho tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.
14/04/2025
“Sắp chữ chì”- Một thời để nhớ
BHG - Cầm trên tay tờ báo Hà Giang với thiết kế, màu sắc in đẹp, nội dung phong phú, không phải ai cũng biết làm lên thành công đó là sự nỗ lực của Ban biên tập, mỗi phóng viên, biên tập viên, hoạ sỹ maket… mà còn phải kể đến sự góp sức của những người thợ “Nhà in”.
14/04/2025