Bảo tàng tỉnh tiếp nhận trống đồng Lô Lô tại Lũng Cú

19:47, 05/12/2024

BHG - Bảo tàng tỉnh vừa hoàn tất thủ tục tiếp nhận một chiếc trống đồng Lô Lô tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giữ gìn và trưng bày.

Đại diện lãnh đạo xã Lũng Cú trao trống đồng cho Bảo tàng tỉnh.
Đại diện lãnh đạo xã Lũng Cú trao trống đồng cho Bảo tàng tỉnh.

Trước đó, vào hồi 12 giờ ngày 6.4, trong quá trình đào đất để xây công trình phụ, anh Vàng Dỉ Phò, sinh năm 1992, trú tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú đã đào trúng một chiếc trống đồng ở độ sâu khoảng 40 cm. Sau đó, anh Vàng Dỉ Phò đã báo cáo lãnh đạo xã và bàn giao trống đồng cho Công an xã Lũng Cú tạm giữ.

Trống có đường kính mặt 49,5 cm, cao 26,5 cm, trọng lượng 14,5 kg, hình dáng cân đối, mặt tròn. Ngôi sao giữa mặt trống có 12 cánh dài, mảnh đều nhau. Tính từ trong ra ngoài có 10 vành hoa văn, được chia tách bằng những đường gờ nổi. Đây là loại trống trung gian giữa HI – IV (theo phân loại của Heger) có niên đại khoảng thế kỷ XI - XIV, có kiểu dáng tương tự một số trống đã phát hiện tại Hà Giang. Trống còn tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên do nằm dưới lòng đất trong thời gian dài khiến cho một phần bề mặt trống bị ô-xi hoá, hoen gỉ, vỡ, nứt ở chân, do đó chưa nhận diện được đầy đủ các hoa văn trang trí.

Dựa vào địa điểm phát hiện cũng như những đặc trưng về kiểu dáng, hoa văn, các chuyên gia cho rằng đây là những chiếc trống đồng của người Lô Lô. Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Lô Lô, trống đồng có vai trò rất quan trọng, được dùng vào các lễ cúng tổ tiên, báo tang, đón khách, gọi hồn... Người Lô Lô quan niệm trống đồng là một nhạc khí thiêng, là biểu tượng của vũ trụ, biểu tượng con người được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Trống đồng giữ nhịp cho các điệu múa dân gian, đưa hồn người chết về với tổ tiên...  

Tin, ảnh: Quang Chung (Bảo tàng tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lưu giữ “hương rừng" Tây Côn Lĩnh
BHG - Mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì trên các ban thờ của mỗi gia đình không thể thiếu đi những nén hương trầm thơm ngát. Ẩn sâu bên trong hương thơm nồng ấm ấy không chỉ là lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu dành cho tổ tiên mà còn thể hiện những câu chuyện riêng về truyền thống văn hóa dân tộc.
29/11/2024
Hỗ trợ người dân phát triển du lịch
BHG - Quản Bạ là một huyện nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Với thế mạnh là nhiều danh lam thắng cảnh, điểm check in mới lạ và đa dạng văn hóa các dân tộc. Thời gian qua chính quyền địa phương cùng người dân đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
28/11/2024
Rêu đá - Thức quà của dòng suối trong lành
BHG - Trong tiếng Tày,  “Quoẹ húc” chỉ loại rêu quý hiếm, mọc bám vào các gờ đá nơi thượng nguồn con suối. Là thức quà của dòng suối trong lành, rêu đá gắn liền với cuộc sống của người Tày xã Xuân Giang và xã Bằng Lang (huyện Quang Bình) từ bao đời nay. Trong năm 2024, món rêu đá nướng của người Tày Quang Bình đã được vinh danh với giải Nhất trong cuộc thi Chấm món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ I. 
27/11/2024
Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Cờ Lao
BHG - Dân tộc Cờ Lao là một trong số ít các dân tộc thiểu số sinh sống ở chân dải Tây Côn Lĩnh, thuộc địa phận xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) còn lưu giữ được nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cờ Lao đã tạo ra những sản phẩm với màu sắc và hoa văn phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi vạt áo, gấu quần được thêu họa tiết tỉ mỉ, chỉn chu bởi sự sáng tạo của những người phụ nữ gửi gắm biết bao tâm tình, nét đẹp trong đời sống văn hóa, được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Cờ Lao.
22/11/2024