Nghệ nhân Lù Mí Thào - người giữ hồn khèn Mông
BHG - Sáng sớm mùa Thu, tiết trời ở vùng cao Quản Bạ có chút se lạnh. Những tia nắng ban mai xuyên qua những kẽ lá, chiếu sáng các triền đồi hoà cùng hương lúa chín càng thơm ngát, thơ mộng. Trong không gian ấy, tôi bỗng nghe tiếng khèn Mông dìu dặt, tha thiết, lúc trầm lúc bổng vang cả núi rừng. Theo tiếng khèn tôi tìm đến nhà ông Lù Mí Thào, sinh năm 1969 ở thôn Lố Thàng 2, xã Thái An. Ông Thào được biết đến như là một trong những nghệ nhân tiêu biểu, người có uy tín của huyện Quản Bạ, ông đã dành cả cuộc đời cho việc lưu giữ, bảo tồn khèn, loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Lù Mí Thào chia sẻ: “Tiếng khèn gắn liền với đời sống, văn hóa của dân tộc Mông. Từ xưa đến nay, chỉ có nam giới mới biểu diễn độc tấu khèn. Những người cao niên như chúng tôi, trước đây ai cũng biết làm khèn Mông”.
Ai giỏi, làm khèn đẹp, tiếng khèn vang xa thì được rất nhiều cô gái trong vùng thầm thương, trộm nhớ. Nhờ sự chỉ dạy của những người già trong làng mà chẳng mấy chốc tôi đã biết múa và thổi thành thục hàng chục bài khèn từ lúc mới 15 tuổi. Một năm sau đó, cũng nhờ các nghệ nhân chỉ bảo, cộng thêm chịu khó mày mò học hỏi nên tôi đã biết cách chế tác khèn”.
Nghệ nhân Lù Mí Thào (trái) giới thiệu cây khèn do ông chế tác. |
Chiếc khèn của người Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Thông thường, chiếc khèn có 6 ống làm từ trúc rừng gắn trên một cái bầu bằng gỗ khoét rỗng. Bộ phận duy nhất làm từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Bầu đàn thường được làm từ gỗ cây Thông đá, Kim giao... Từ khâu tìm kiếm nguyên liệu, sơ chế đến chế tác, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Quan trọng nhất là điều chỉnh sao cho âm thanh vang vọng và có hồn thì chiếc khèn đó mới đạt chuẩn.
Qua câu chuyện với ông Thào được biết, khèn của ông có nhiều loại, độ ngắn dài khác nhau, tùy kích cỡ với giá bán từ 1,5 - 5 triệu đồng/chiếc. Trung bình khoảng 2 ngày ông Thào làm xong một chiếc khèn, mỗi năm ông làm được khoảng 100 chiếc khèn. Những chiếc khèn ông Thào làm ra không cần đem ra chợ bán mà khách tự tìm đến nhà để đặt mua, chủ yếu bán cho đồng bào Mông ở trong huyện và các tỉnh Tây Bắc. Từ làm khèn Mông giúp thu nhập của gia đình ông Thào được cải thiện, có tiền xây nhà kiên cố, đời sống đầy đủ hơn.
Cùng với chế tác, nghệ nhân Thào cũng là người thổi khèn, múa khèn Mông rất giỏi. Trong các Hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, các hoạt động văn hóa của địa phương hay hội thi khèn trong vùng tổ chức, ông đều được mời tham gia. Giờ đây, khi đôi chân đã mỏi, mái tóc đã bạc, nghệ nhân Lù Mí Thào vẫn đang nỗ lực truyền lửa đam mê với những kiến thức cơ bản và kỹ năng, kinh nghiệm thổi khèn, múa khèn và cách chế tác khèn của mình cho nhiều thanh niên trong bản, xã cũng như lớp trẻ trong các huyện và tỉnh lân cận.
Ông Lù Mí Thào tâm sự: “Tôi cảm thấy rất vui, vì từ cây khèn không những mang lại thu nhập mà còn bảo tồn bản sắc văn hóa quê hương. Ngoài ra, tôi còn tích cực truyền dạy miễn phí nghề làm khèn và thổi khèn cho người thân cùng các thanh niên trong và ngoài địa phương có nhu cầu học tập. Trong thời gian qua tôi đã truyền dạy cho 30 thanh niên trong xã học nghề, trong đó đã có 10 thanh niên kiếm ra tiền từ chế tác bán khèn Mông, nhiều người có thể biểu diễn, tham gia các lễ hội, buổi biểu diễn văn hóa của địa phương”.
Đồng chí Hạng Mí Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thái An cho biết: “Với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông, để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông trên địa bàn, UBND xã đang khuyến khích và hỗ trợ ông Lù Mí Thào truyền dạy kỹ thuật thổi, biểu diễn và chế tác khèn cho thế hệ trẻ. Ông Thào là nghệ nhân, người có uy tín của huyện Quản Bạ từ năm 2012. Ngoài việc duy trì và phát triển nghề chế tác khèn Mông ông còn tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của người dân xã Thái An đến với bạn bè, du khách gần xa”.
Tạm biệt nghệ nhân Lù Mí Thào - người giữ “linh hồn” tiếng khèn Mông, tin tưởng rằng những nỗ lực của ông sẽ giữ nhịp cho tiếng khèn mãi ngân lên những khúc du ca của núi rừng, để gắn kết những tâm hồn, hòa quyện con người với thiên nhiên. Và những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của biết bao du khách đã và sẽ được thưởng thức, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Mông khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU
Ý kiến bạn đọc