Một thoáng chợ phiên Tráng Kìm

10:43, 03/10/2024

BHG - Chợ phiên Tráng Kìm là chợ đã có rất lâu đời ở xã Đông Hà (Quản Bạ), họp chính vào sáng thứ 5 và một phiên chợ phụ Chủ nhật hằng tuần. Chợ phiên nơi đây toát lên vẻ đẹp vừa hoang sơ, mộc mạc lại vừa độc đáo không chỉ thu hút rất đông bà con địa phương mà còn thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Trong hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách không thể bỏ lỡ những phiên chợ quê hấp dẫn. Đặc biệt là phiên chợ cổ Tráng Kìm, cách trung tâm huyện10 km, đã có cách đây vài trăm năm. Từ tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, phố huyện vẫn chìm trong sương lạnh, thấp thoáng trên khắp các nẻo đường vùng cao Quản Bạ, bà con từ các xóm, bản đã nhộn nhịp kéo nhau xuống chợ Tráng Kìm. Người đến chợ đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ…Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam, nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn, các tiểu thương buôn bán tấp nập, tạo nên khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu…

Một góc chợ phiên Tráng Kìm.
Một góc chợ phiên Tráng Kìm.

Sản phẩm được bày bán trong chợ chủ yếu là các nông sản do bà con tự sản xuất hoặc thu hái trong rừng; những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Trao đổi, mua, bán gia súc, gia cầm; bày bán đồ gia dụng, đồ dùng sinh hoạt thường ngày để phục vụ nhu cầu của người dân. Cách bày bán cũng mộc mạc, giản đơn với tấm bạt cũ, lá chuối trải trên mặt đất hoặc đựng trong những chiếc gùi truyền thống. Dẫu đơn sơ nhưng đó là kết tinh của quá trình lao động sản xuất và thể hiện sự gắn bó, sinh sống hòa hợp với tự nhiên của đồng bào.

Chợ còn có khu hàng ăn với những nồi thắng cố khói nghi ngút, bên những chai rượu ngô thơm nồng; những món ăn đặc trưng của miền núi là mèn mén và tẩu chúa. Cùng với đó là món phở Tráng Kìm, một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Hà Giang.

Cầm trên tay những món hàng nông sản vừa mua từ chợ phiên, ông Sùng Mí Sính, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ phấn khởi chia sẻ: “Chợ phiên là nét đẹp văn hóa truyền thống, đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống sinh hoạt, văn hóa dân tộc Mông. Với người Mông, đi “chơi chợ” mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, phong tục, đặc biệt hơn là hoạt động mua, bán, trao đổi thông thương. Chợ phiên của người Mông luôn đặc sắc, nổi bật với những nét rất riêng về ẩm thực, trang phục...”.

Phở Tráng Kìm đặc sản nổi tiếng được bán tại chợ phiên.
Phở Tráng Kìm đặc sản nổi tiếng được bán tại chợ phiên.

Chị Lưu Bảo Anh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong chuyến du lịch Hà Giang, tôi được tham quan đi chợ vùng cao Tráng Kìm, đây là một trải nghiệm thú vị. Tôi thấy người dân ở đây rất thân thiện, mến khách đem lại cảm giác thật tuyệt. Chúng tôi vừa được tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán bản địa, vừa thưởng thức các món đặc sản thơm ngon. Người dân ở đây ai cũng hiền lành, dễ mến và nhiệt tình. Tôi đã mua mật ong, gạo nếp về làm quà tặng gia đình, bạn bè”.

Không chỉ người dân trong xã, chợ Tráng Kìm còn thu hút tiểu thương và người dân ở một số xã trên địa bàn huyện và các xã lân cận của huyện Yên Minh. Trang phục của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao... làm nên sắc màu độc đáo cho phiên chợ và tạo nên bức tranh sắc màu sinh động và đậm đà bản sắc dân tộc. Chợ họp từ sáng sớm, khi mặt trời lên đến đỉnh đầu là thời điểm chợ bắt đầu tan. Các mặt hàng mang ra trao đổi đã bán hết, những mặt hàng thiết yếu đã được sắm đủ, mọi người lại vượt dốc về nhà, kết thúc một phiên chợ đầy náo nhiệt, hẹn phiên chợ sau.

Chợ phiên Tráng Kìm là một nét đẹp trong sinh hoạt đời thường, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hóa hết sức đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi cửa ngõ Cao nguyên đá, nó không chỉ là nơi buôn bán những sản vật đặc sắc mà còn là chốn gặp gỡ, giao lưu, là dịp để mỗi vùng phô diễn những tinh hoa của dân tộc mình qua trang phục, qua món ăn truyền thống, những điệu dân ca. Đồng thời, chợ phiên vùng cao ngoài việc giao lưu thương mại còn là nơi để các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Giờ đây cuộc sống của người dân ngày càng phát triển, chợ phiên cũng có nhiều đổi thay, không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, chính những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc là nét rất riêng được đồng bào lưu giữ. Sản phẩm đặc trưng khiến chợ phiên trở thành điểm đến có sức hút rất lớn đối với du khách thập phương

Đến với những phiên chợ vùng cao nói chung, chợ phiên Tráng Kìm nói riêng, chúng ta cảm nhận được nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc ẩn chứa trong đó. Nét đẹp đó không phô trương, cầu kỳ mà mộc mạc như chính bản chất hiền lành, chân chất của người dân nơi đây. Bởi vậy, mỗi phiên chợ luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng mỗi người khi có dịp ghé thăm.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sắc vàng ruộng bậc thang ở thành phố Hà Giang
BHG - Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 10 km, 3 thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang) đến hẹn lại lên, những thửa ruộng bậc thang tại 3 thôn vùng cao này lại bắt đầu chín rộ, thu hút đông đảo những du khách và các nhiếp ảnh gia trong, ngoài tỉnh đến khám phá, trải nghiệm. 
30/09/2024
Lễ Cầu mùa của người Pà Thẻn xã Tân Lập được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
BHG - Tối 26.9, tại thôn Minh Thượng (xã Tân Lập), UBND huyện Bắc Quang tổ chức Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Cầu mùa (Mí nhung hơi) của người Pà Thẻn xã Tân Lập. Dự buổi lễ có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bắc Quang…
27/09/2024
Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Kỳ cuối: Định vị thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế
BHG - Tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2024 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương, tổ chức tại Philippines vào tháng 9.2024, Hà Giang vinh dự được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Với giải thưởng danh giá này đã khẳng định cho hướng đi đúng của ngành du lịch tỉnh nhà qua việc từng bước hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết. Cùng với đó là chiến lược phát triển du lịch theo hướng “Chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh, bền vững”, đây sẽ trở thành cơ sở để du lịch Hà Giang bước sang một trang mới và hướng tới vươn tầm quốc tế.
23/09/2024
Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Kỳ I: Nỗ lực để trở thành ngành kinh tế trọng điểm
BHG - Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Giang được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, giữ vị trí quan trọng trong phát triển du lịch vùng và cả nước… Tuy nhiên, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng, nhằm “đánh thức” vẻ đẹp và con người Hà Giang, ngày 4.8.2021 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. 
23/09/2024