Bánh Trung thu cổ truyền, nét đẹp mùa Trăng

12:03, 13/09/2024

BHG - Dịp tết Trung thu sắp tới, đối với mỗi gia đình, bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon là thứ không thể thiếu. Ngày nay, bánh trung thu đã có nhiều thay đổi về hương vị, màu sắc với nhiều cải tiến để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại. Thế nhưng, những chiếc bánh mang hương vị truyền thống vẫn có một vị trí riêng biệt. Những cơ sở sản xuất gia truyền chính là những người đã và đang góp phần gìn giữ hương vị bánh trung thu truyền thống.

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Minh Huệ, tổ 20, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang).
Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Minh Huệ, tổ 20, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang).

Vào những ngày này, xưởng sản xuất bánh Trung thu Minh Huệ ở tổ 20, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) đã bắt đầu nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, chủ cơ sở Minh Huệ chia sẻ: “Nhà tôi làm bánh Trung thu từ nhiều năm nay, giữa biến động của thị trường với nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng, thì nhà tôi vẫn giữ cách làm bánh truyền thống. Sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong quy trình làm bánh đã giúp thương hiệu của gia đình có chỗ đứng trên thị trường. Chúng tôi tập trung vào sản xuất bánh Trung thu hương vị truyền thống như là thập cẩm, bánh đậu xanh, trong đó vị thập cẩm là nhiều nhất vì vị thập cẩm không nhà nào giống nhà nào được, mỗi nhà một công thức riêng”.

Để có những chiếc bánh ngon, với hương vị cổ truyền độc đáo, thơm ngậy, dẻo mềm mà không dính, từ công đoạn chọn bột, cho đến làm nhân, rồi đổ khuôn… tất cả đều được làm thật tỉ mỉ, khắt khe tuân thủ quy trình kỹ thuật, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bên cạnh đó, giá bán vẫn được giữ nguyên, dao động từ 30 – 55 nghìn đồng/chiếc, không thay đổi nhiều dù điều kiện thời tiết bão lũ, gây khó khăn cho việc nhập nguyên liệu. Nhờ vậy, gia đình vẫn giữ được các mối khách hàng truyền thống, cung cấp mỗi năm khoảng 6.000 chiếc bánh cho thị trường trong tỉnh.

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Hoàng Ban, tổ 2 phường Trần Phú (thành phố Hà Giang).
Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Hoàng Ban, tổ 2 phường Trần Phú (thành phố Hà Giang).

Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Hoàng Ban, tổ 2 phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) nối tiếp nghề truyền thống của gia đình, người cháu trai của bà Ban cũng học nghề. Trên cơ sở kế thừa những bí quyết của gia đình, anh đã tìm hiểu, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, để tạo ra những chiếc bánh vừa đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của khách hàng, vừa không mất đi hương vị cổ truyền. Anh Chu Minh Kiện, cơ sở sản xuất bánh Trung thu Hoàng Ban, cho biết: “Năm nay cơ sở dự kiến làm khoảng 3.000 chiếc bánh nướng và bánh dẻo, để đảm bảo VSATTP và chất lượng của từng chiếc bánh, cơ sở đã nhập nguyên liệu tại các công ty uy tín. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đến khâu vệ sinh trong quá trình chế biến, các thợ làm bánh đều phải mặc đồ bảo hộ lao động khi làm việc. Do bánh không có chất bảo quản nên hạn sử dụng của bánh rất ngắn, chỉ từ 7 – 10 ngày, cơ sở chỉ làm số lượng bánh nhất định trong ngày hoặc khi có người đặt hàng”.

Sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu.
Sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu.

Để bảo đảm VSATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành của thành phố Hà Giang đã triển khai công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn. Đồng chí Ấu Văn Duy, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang, cho biết: Đoàn kiểm tra VSATTP thành phố đã thực hiện kiểm tra các mặt hàng bày bán trong dịp Trung thu, trong đó tập trung vào nhãn mác, hạn sử dụng, xuất xứ của sản phẩm… Qua công tác kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu năm nay, nhìn chung các cơ sở đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP như: Có đầy đủ giấy tờ thủ tục về VSATTP theo quy định; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản món ăn đảm bảo chất lượng; nguyên liệu thực phẩm có hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ với các nhà cung cấp.

Bánh Trung thu không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng của sự đoàn viên và sum vầy. Nghề làm bánh Trung thu không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn hàm chứa những nét đẹp, tinh hoa văn hóa ẩm thực. Vị bánh dân dã, gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Đã được những người làm nghề cố gắng gìn giữ hương vị cổ truyền của bánh Trung thu cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh:  LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ miền du lịch xanh hấp dẫn
BHG - Nắm bắt xu hướng du lịch xanh, huyện Quản Bạ tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mang bản sắc riêng.
30/08/2024
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng
29/08/2024
Người La Chí ở Bản Díu bảo tồn văn hóa truyền thống
BHG - Bên cạnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh thì việc bảo tồn văn hóa truyền thống luôn được cộng đồng người La Chí ở xã Bản Díu (Xín Mần) chú trọng thực hiện. Điều này đã, đang góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh, văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển KT - XH, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
28/08/2024
Trao giải cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch tại điểm”
BHG - Tối 26.8, tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn trong Chương trình ca nhạc và trình diễn thời trang “Dấu ấn Việt Bắc” đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch tại điểm”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XV - Bắc Kạn 2024 gắn với một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24.8.1949 – 24.8.2024)
27/08/2024