Về nghe lúa hát trong mây
BHG - Những ngày đầu Thu, bức tranh miền núi được tô bằng sắc màu đầy mê hoặc của tự nhiên. Xa xa nơi các cánh rừng là màu lá đang dần ngả vàng như ánh nắng cuối ngày. Đá chuyển màu xám sậm hơn khi cái nóng bức mùa Hè đang lui dần nhường chỗ cho từng làn gió mát. Trong vườn, nhiều loài hoa đua nở giữa tiết trời không thể dịu dàng hơn. Trên cây, những loại quả chín đã lên màu rực rỡ cùng hương thơm lan tỏa bay khắp vùng.
Trong các mùi vị của những ngày đầu Thu, hương lúa non là thứ khiến con người luyến lưu, vương vấn. Nếu những bông hoa đẹp có thể cầm hái và nhìn ngắm thỏa thuê, những quả chín thơm hương có thể nếm từng vị ngọt thì hương lúa non chỉ có thể cảm nhận. Những thân lúa đang lên đòng không thể cầm nắm nhưng tỏa ra thứ hương không thể nếm được. Hương lúa lôi cuốn, đắm say bởi những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn nhưng lại chứa đầy sự lớn lao, tinh tế.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín. Ảnh: Phan Thoa |
Những ngày đầu Thu đến Hoàng Su Phì, vào thăm Bản Phùng, tôi như lạc nơi tiên cảnh miền hạ giới. Từng đám ruộng bậc thang xanh ngút ngàn như đang thả gió, dẫn mây bắc lên tận trời cao xanh. Sóng lúa rì rào trên những thửa ruộng bậc thang lẩn khuất trong sương, mây cho tôi thứ cảm nhận không nơi nào có được. Tiếng rì rào của ngàn thân lúa mơn mởn xanh đang hát bài ca đón mùa no ấm. Những giai điệu nhịp nhàng tấu lên thanh âm cho một mùa vàng chờ đón hàng vạn du khách đến tham quan.
Con đường từ thị trấn Vinh Quang dẫn đến Bản Phùng như một cung vạn lý. Giữa sự nhỏ hẹp cheo leo của những dốc đèo là một chân trời luôn mở. Dù gập ghềnh, trắc trở khó đi nhưng chính địa thế đã góp một phần không nhỏ kiến tạo nên cảnh quan kì vĩ của mảnh đất này. Phần còn lại thuộc về đôi tay những con người chăm chỉ, tảo tần, lam lũ và lịch sử. Nếu không có sự kì vĩ, cao xa kia thì những đám ruộng bậc thang làm sao vươn mình trở thành di sản.
Nằm ngay biên giới, Bản Phùng quy tụ mọi yếu tố giúp nơi đây trở nên kì vĩ hơn, mê hoặc hơn bởi linh khí non sông tụ lại giữa đại ngàn. Cuộc sống của người dân Bản Phùng cần sự nỗ lực nhiều hơn mỗi ngày vì họ là những người vừa lao động sản xuất, vừa giữ vững bình yên cho một vùng biên cương.
Tôi đã từng đi đến nhiều nơi, dừng chân ở nhiều địa danh nức tiếng nhưng khi đứng ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, một cảm giác thân thuộc đến khó tả xâm lấn cảm xúc của tôi. Ruộng bậc thang ở Sapa rất đẹp còn ruộng bậc thang bên Mù Cang Chải đã thành di sản, thế nhưng trước ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì, tôi mới cảm nhận rõ thế nào là những bậc thang bắc lên mây.
Cảm giác đi men theo bờ ruộng đang mướt xanh với đòng lúa nõn, từng cơn gió đưa đến mùi hương chỉ có thể chạm bằng cảm nhận. Giữa màn sương chùng chình lúc chiều buông hòa cùng những đám mây là là theo gió thổi. Tôi nghe thấy lúa hát bên trời. Những giai điệu có tiết tấu rộn vui phơi phới cùng những nhịp phách mang âm hưởng núi rừng. Đó là những bản nhạc mà chỉ có thiên nhiên kỳ vỹ mới có thể tấu lên đầy mê hoặc.
Trong sóng lúa reo, trong tiếng gió thoảng là những giọt mồ hôi lam lũ của những người nông dân. Họ bện công việc thường ngày với nụ cười luôn nở trên gương mặt rạng rỡ, trong đôi mắt thẳm sâu luôn xanh màu hi vọng. Tất cả cùng quyện lại với nhau tạo nên một cuộc sống đầy gam màu tươi tắn với đầy đủ sự đầm ấm, tươi vui.
Tản văn: Ngô Bá HÒA
Ý kiến bạn đọc