Để Hà Giang luôn đẹp trong mắt du khách

18:10, 20/08/2024

BHG - Những năm gần đây, Hà Giang được công nhận như một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam. Có được sức hút lớn đó, các di sản thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, bởi nó mang đến sự độc đáo và đẹp mắt cho du khách khi đến tham quan. Cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, thiên nhiên tươi đẹp cùng khí hậu trong lành là “thỏi nam châm” hút du khách đến với Hà Giang. Vì vậy, việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là một yếu tố quan trọng để thu hút du khách và phát triển ngành Du lịch bền vững.

Từ những hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, trong năm qua Hà Giang được công nhận là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn; Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng. Đây là sự công nhận của du khách và cũng là niềm tự hào để ngành Du lịch tỉnh ta phát huy những giá trị văn hóa thiên nhiên tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước. Xây dựng nền “công nghiệp không khói” đậm đà bản sắc văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các di sản thiên nhiên ban tặng là mục tiêu để Hà Giang luôn đẹp trong mắt du khách.

Vẻ đẹp hoang sơ của hẻm Tu Sản luôn khiến du khách trầm trồ.
Vẻ đẹp hoang sơ của hẻm Tu Sản luôn khiến du khách trầm trồ. Ảnh: Trà Nhân

Bởi vậy, tiêu chí để phát triển dịch vụ lưu trú ở các điểm du lịch vẫn là sự hài hòa thiên nhiên, phù hợp văn hóa bản địa từng vùng, tránh để xảy ra hiện tượng tự phát sử dụng các kiến trúc lai căng không đồng nhất với từng địa phương gây ảnh hưởng đến giá trị văn hóa và giá trị cảnh quan chung của từng vùng. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các ban, ngành và từng địa phương giám sát, tư vấn về đầu tư xây dựng cơ bản để hạn chế thấp nhất những công trình không mang giá trị văn hóa, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, gây ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững ở từng vùng. Thời gian qua, các làng văn hóa du lịch vẫn còn bảo lưu được các giá trị nguyên bản như: Làng Văn hóa du lịch thôn Tha, Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); Làng VHDL thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên), Làng văn hoá du lịch thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn)... đã trở thành các làng văn hóa du lịch mang sắc màu riêng của dân tộc Tày, Dao, Lô Lô... với những nét đặc trưng từ kiến trúc nhà sàn đến văn hóa dân tộc được người dân bảo lưu và phát huy mang lại nhiều nét riêng đầy sức hút từ các làn điệu hát Then, lễ Cấp sắc, Nhảy lửa tới các món ăn truyền thống như bánh Chưng gù, gỏi cá Bỗng... đã tạo thành điểm đến mang đậm phong cách riêng có, giá trị lâu dài.

Du khách bên tường rào đá
Du khách check-in bên tường rào đá. Ảnh: Phan Thoa

Bên cạnh các điểm nhấn về bảo tồn vẻ đẹp gắn với phát triển du lịch từng vùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận các bài học từ tăng trưởng nóng trong du lịch để có thể rút ra những kinh nghiệm trong quản lý xây dựng và định hướng phát triển bền vững gắn với giá trị văn hóa và thiên nhiên như: Trong xây dựng các điểm dừng chân Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, sự phát triển ồ ạt các điểm đến du lịch ở xã Du Già (Yên Minh). Hay mới đây là điểm dừng chân ngắm cảnh thôn Há Súng, xã Pả Vi (Mèo Vạc) được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ. Đây là các công trình tự phát được xây dựng trên những điểm có địa hình đẹp nhưng gây tác động không nhỏ đến cảnh quan thiên nhiên và cấu trúc tự nhiên của vùng Cao nguyên đá Hà Giang.

Với tâm thế cầu thị, ngành Du lịch Hà Giang không ngừng tham khảo cái hay, điểm mạnh của các địa phương khác trong cả nước mà còn nhìn nhận những điểm không tốt trong tăng trưởng nóng về du lịch ở các khu du lịch nổi tiếng Việt Nam như: Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo... đang dần mất đi vẻ hoang sơ, trầm lặng vốn có. Thay vào đó là nhiều công trình với vô vàn khối bê tông đồ sộ, hiên ngang lấn chiếm vẻ đẹp nguyên bản thanh bình của thiên nhiên. Những khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng hỗn tạp, kiến trúc lai căng không theo nguyên tắc chung nào đó là điểm nhìn trực diện nhất để ngành Du lịch Hà Giang soi vào và có những biện pháp mạnh mẽ, uyển chuyển trong hành trình phát triển du lịch ở các địa phương.

Bảo tồn các di sản thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, đồng thời giữ cho văn hóa truyền thống của địa phương lưu được những nét riêng có tạo điểm nhấn phát triển du lịch; có định hướng lâu dài trong quá trình phát triển du lịch từ xây dựng vùng tới lĩnh vực xây dựng cơ bản để đảm bảo cảnh quan, môi trường tạo sự bền vững gắn chặt với giá trị thiên nhiên; phát triển một nền du lịch xanh, sạch và tôn trọng thiên nhiên là điều kiện để du lịch Hà Giang phát triển bền vững.

Trà Nhân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng địa chỉ đỏ Khu di tích lịch sử Nàn Ma
BHG - Khu di tích lịch sử Nàn Ma nằm ở thôn Nàn Ma, xã Nàn Ma (Xín Mần). Đây là địa điểm có ý nghĩa lịch sử gắn với sự hy sinh anh dũng của 11 thành viên Đoàn văn công Trung đoàn 148 khu Tây Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhằm bảo tồn giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Huyện đoàn Xín Mần đã triển khai công trình số hóa địa chỉ đỏ khu di tích. Qua đó, cung cấp thông tin cho người dân và du khách khi đến tham quan và dâng hương.
31/07/2024
Cuộc thi ảnh “Người đẹp hoa Tường vi” huyện Quang Bình thu hút hơn 280 thí sinh tham gia
BHG - Vừa qua, Ban tổ chức Cuộc thi ảnh “Người đẹp hoa Tường vi” huyện Quang Bình lần thứ I năm 2024 tổ chức họp, đánh giá, chấm điểm các bộ ảnh tham gia dự thi. Nhờ công tác tổ chức tuyên truyền, quảng bá, cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng khắp và thu hút hơn 280 thí sinh là cán bộ, viên chức, học sinh, hội viên phụ nữ trong toàn huyện dự thi.
30/07/2024
Áo chàm nhớ thuở chiến khu
BHG - Quốc lộ 279 chạy từ Lào Cai sang Quang Bình, khi đến thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) thì gặp Quốc lộ 2, tiếp tục về xuôi. Đến ngã ba Pác Há rẽ trái, con lộ xuyên qua vùng tiểu khu cách mạng hơn 60 km gặp huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rồi tỏa đi muôn ngả; tiểu khu Trọng Con được biết đến vào thời điểm trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 gồm 9 xã
29/07/2024
Lưu giữ giá trị Lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô
BHG - Người Lô Lô là 1 trong 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu tại vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Dân tộc Lô Lô có bề dày về lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa dân gian độc đáo. Người Lô Lô ở Hà Giang có hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Đồng bào Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, còn nhóm Lô Lô Hoa sống tại các xã của huyện Mèo Vạc và một số xã của huyện Đồng Văn.
19/08/2024