Về Vị Xuyên nghe người Dao hát Páo dung

20:37, 24/05/2024

BHG - “Hôm nay số may được gặp cô nàng, sợ nàng không đồng ý tâm sự với nhau, thì mai sau chỉ biết thương nhớ ở đằng sau thôi”, “Hôm nay cũng nhiệt tình gặp anh chàng thương quý nhau, đi bộ không còn biết đến giờ giấc nữa”... Những lời hát giao duyên, thiết tha đã nuôi lớn những tâm hồn, trở thành “phương tiện” chuyển tải tâm tư, tình cảm và ước muốn trong cuộc sống hằng ngày của người Dao.

Người dân tộc Dao ở Vị Xuyên chiếm 27,25% dân số toàn huyện; phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn, trong đó tập trung nhiều tại các xã Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Phương Tiến, Thanh Thủy, Bạch Ngọc. Trong quá trình lao động sản xuất, tín ngưỡng cộng đồng và đời sống sinh hoạt hàng ngày, để xua tan mệt mỏi và làm giàu hơn cho đời sống tinh thần, người Dao dùng lời hát thay cho điều muốn nói và gọi đó là hát Páo dung. Những người già người Dao kể rằng, không biết hát Páo dung có từ bao giờ, từ khi còn nhỏ, họ đã được nghe người lớn trong bản hát, họ lớn lên trong lời hát ru của bà, của mẹ; họ trưởng thành, yêu nhau, nên vợ, nên chồng từ lời hát tâm tình của các đôi nam thanh, nữ tú trong những cuộc hát giao duyên thâu đêm mỗi độ Xuân về; rồi họ hát Páo dung trong lễ Cấp sắc, trong thờ cúng tổ tiên, trong đám cưới, đám ma, hay hát bất cứ lúc nào họ muốn, từ bản người Dao này sang bản người Dao khác, từ ngôi nhà sàn đến trên nương rẫy. Cứ thế Páo dung trở thành người bạn tâm giao, tri kỷ để họ bày tỏ tâm tư, tình cảm, mong ước của mình trong cuộc sống. Hát Páo dung vì thế được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay.

Hát Páo dung trong đám cưới của người Dao xã Phương Tiến (Vị Xuyên).
Hát Páo dung trong đám cưới của người Dao ở Hà Giang. Ảnh Nguyễn Lượng - Sở VH,TT&DL

Các bài hát Páo dung là hình thức hát truyền miệng, ngẫu hứng, người hát thuộc những bài ca dao quen thuộc, cũng có thể tự đặt lời, ứng khẩu vào từng hoàn cảnh hát khác nhau. Lời ca giàu hình tượng, sử dụng nhiều từ ví von, so sánh; âm điệu luyến láy, tiết tấu tự do, nhanh, chậm phụ thuộc vào tâm tư của người hát. Điều đặc biệt là hát Páo dung không có nhạc cụ, được thể hiện rất tự nhiên bằng chính cảm xúc của người hát, vì thế điệu Páo dung luôn thấm đẫm tâm tư, tình cảm người hát muốn gửi gắm trong từng lời hát.

Nghệ nhân Đặng Văn Háu, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) chia sẻ: “Người Dao rất yêu ca hát, họ hát Páo dung ở nhà, trong bản, ngoài chợ, trên nương, bên suối, có thể hát đơn, hát đối đáp, hát đồng thanh, hát lúc vui, lúc buồn, điệu Páo dung vì thế cũng luôn phong phú, phát triển và lưu truyền đa dạng trong cộng đồng và tạo nên đời sống tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, hiểu đạo lý. Hát Páo dung là báu vật của người Dao, gồm các loại hình: Páo dung lễ nghi là những bài hát được sử dụng trong lễ Cấp sắc, lễ cưới, lễ cúng, đám tang, cúng đầy tháng; Páo dung trong sinh hoạt là các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ và Páo dung trong lao động, sản xuất là những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ”.

Với những giá trị độc đáo đó, ngày 21.2.2024, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, người Dao trên địa bàn huyện biết hát Páo dung ngày càng ít, đặc biệt là giới trẻ, bởi ca từ của các bài Páo dung học rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc, do đó, nguy cơ mai một của các làn điệu Páo dung là rất lớn. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị hát páo Dung, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó chú trọng phát huy vai trò các nghệ nhân dân gian, sưu tầm, gìn giữ lời các bài hát Páo dung; tăng cường giới thiệu, quảng bá giá trị hát Páo dung trong cộng đồng bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên các nền tảng số, tạo lan tỏa trong đời sống tinh thần người dân; tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cấp ủy, chính quyền và người dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vị Xuyên, góp phần vào xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

BIỆN LUÂN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về Hạ Thành xem người Tày làm du lịch
BHG - Du lịch (DL) cộng đồng đang được coi là loại hình DL mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Nhiều năm trở lại đây, người Tày ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đã tận dụng sản vật có sẵn và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày để phát triển DL cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
24/05/2024
Giải Báo chí tỉnh Hà Giang năm 2024 có 124 tác phẩm lọt vòng Chung khảo
BHG - Ngay sau khi có quyết định ban hành Thể lệ, Kế hoạch tổ chức Giải Báo chí tỉnh Hà Giang năm 2024, các cơ quan báo chí của tỉnh, các Chi hội nhà báo trực thuộc đã triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến công chúng, hội viên, nhà báo và các cộng tác viên trong tỉnh.
22/05/2024
Phát huy nền tảng tinh thần của xã hội
BHG - Văn hóa (VH) là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN và hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, tỉnh đang quan tâm phát triển hài hòa giữa VH với chính trị, kinh tế, xã hội, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện.
22/05/2024
Mó nước - mạch nguồn văn hóa thôn Tha
BHG - Làng Văn hóa du lịch thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) nằm cách trung tâm thành phố 5 km là bản người Tày lâu đời còn giữ được những nét riêng, đậm đà bản sắc văn hóa. Nơi đây được trời phú cho một dòng suối, tách ra nhiều mạch nguồn từ đỉnh Tây Côn Lĩnh chảy về giúp bà con trồng lúa nước hai vụ/năm, lại có sông Lô ở phía tả ngạn giúp bà con có thêm nghề chài lưới.
21/05/2024