Nghe câu Quan họ trên cao nguyên...
Xin thưa ngay, đây là cao nguyên đá Đồng Văn, mảnh đất cực kỳ khô cằn gian khó vùng cực Bắc tổ quốc thiêng liêng, chứ không phải ở Tây Nguyên đất đai màu mỡ như trong lời bài hát “Nghe câu Quan họ trên cao nguyên” của nhạc sĩ Vũ Thiết, sáng tác năm 1982 và được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2016.
Trở lại nội dung bài viết, ngày 10-4-2024, báo bạn Hà Giang kỷ niệm 60 năm thành lập. Tôi biết trước đó, Tổng biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu đã thầm thì với Tổng biên tập Báo Bắc Ninh Nguyễn Tiến Vụ rằng trong dịp lễ trọng ấy, người Hà Giang rất muốn nghe những làn điệu Quan họ nhưng phải từ chính nghệ sĩ quê hương Kinh Bắc. Thế là chuyến lên cao nguyên đá Đồng Văn lần này của đoàn chúng tôi, bất chấp những khúc cua tay áo với một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực thẳm hun hút cũng chả có ai bị say xe. Tôi đồ rằng có thể vì trên xe có 3 nghệ sĩ tươi trẻ của Nhà hát dân ca Quan họ tỉnh là Thu Ngà, Bích Ngọc và Minh Hiền.
Với riêng tôi, mảnh đất Hà Giang đã quá quen thuộc với gần chục lần đặt chân đến hầu hết các huyện khó khăn nhất địa đầu Tổ quốc. Huyện Đồng Văn trước đây rất rộng lớn, gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ngày nay, bởi thế danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mà UNESSCO công nhận chính là tài sản chung cần bảo tồn của cả 4 huyện này. Cũng vì quá quen thuộc, thậm chí mê mẩn vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn, nên tôi rất đồng tình với ý kiến của ai đó cho rằng, đến được Đồng Văn - Mèo Vạc mà không say xe thì không một con dốc nào ở Việt Nam có thể khiến ta say xe; khi đã tự lái được ô tô lên Đồng Văn - Mèo Vạc thì có thể chinh phục được những đèo dốc hiểm trở nhất trên khắp dải đất hình chữ S từ Bắc vào Nam.
Vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn luôn hút hồn du khách phương xa. |
Lại kể thêm, trong 3 liền chị Quan họ cùng xe, có 2 người chưa một lần đến Hà Giang nên qua cách dẫn chuyện hóm hỉnh và hài hước pha chút tiếu lâm của anh Đỗ Xuân - Trưởng phòng Xây dựng Đảng báo Bắc Ninh, 3 người đẹp Quan họ cứ là mê tít. Cung đường từ thành phố Bắc Ninh đến thành phố Hà Giang non 300 cây số nhưng đường tốt, xe ngon và tay lái cứng nên chỉ gần 5 tiếng chúng tôi đã có mặt. Dịp lễ trọng, báo bạn đón đồng nghiệp từ mấy chục tỉnh, thành cả nước nên phải cắt cử người tiếp đón ở nhiều khách sạn mới đủ chỗ nghỉ cho các khách mời. Tất bật thế, nhưng đọng lại vẫn là vẻ niềm nở và tận tình của chủ nhà khiến những vị khách nơi xa như chúng tôi thấy gần gũi, ấm cúng. Ngoài đại biểu Trung ương các báo bạn, còn có đầy đủ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh. Để tạo được uy tín và vị thế, sự quan tâm, chia sẻ như vậy, các đồng nghiệp báo bạn đã không ngừng nỗ lực vươn lên, bằng chứng là nhiều năm nay, Báo Hà Giang không chỉ giành nhiều giải báo chí quốc gia, các ngành Trung ương mà còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực, nhân văn, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng địa đầu Tổ quốc.
Tại buổi lễ trọng, ở phần văn nghệ, đan xen những ca khúc truyền thống quen thuộc, thì sự xuất hiện của 3 chị hai Quan họ với khuôn mặt tươi tắn, nụ cười duyên đương uyển chuyển hết sức dịu dàng trong trang phục truyền thống khăn mỏ quạ, áo mớ ba mớ bảy đã khiến cả hội trường như bừng sáng hơn khi thưởng thức ca khúc đầu tiên tựa đề Mời nước mời trầu, rồi Gửi về Quan họ, Mười nhớ, Liện sai… Tôi để ý thấy phần đông đại biểu gật gù ưng ý, khi tận thấy các nghệ sĩ Quan họ thăng hoa tại thành phố Hà Giang. Văn nghệ dường như là sợi dây gắn kết mọi người gần nhau hơn, nhất là với Dân ca Quan họ. Bởi thế mà trong các buổi giao lưu sau đó, 3 liền chị Quan họ luôn được các đại biểu đề nghị hát vài câu Quan họ “cho đã”. Đặc biệt là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý đã cùng nghệ sỹ Minh Hiền song ca bài Cây trúc xinh trong tiếng vỗ tay tán thưởng của nhiều người.
Chị hai Quan họ thể hiện ca khúc Mời trầu tại lễ kỷ niệm. |
Hay buổi tối trên phố cổ Đồng Văn, các chị hai Quan họ vẫn “bị” các đồng nghiệp của chúng tôi ở Hà Giang và nhiều tỉnh, thành phố cố nèo hát tiếp mấy bài Quan họ, cho buổi giao lưu thêm đậm đà tình thân. Rất có thể, tình cảm của mọi người đã khiến các chị hai không chỉ quên hết mệt mỏi sau quãng đường đèo dốc gần 150 cây số vừa trải qua, mà còn thăng hoa hơn khi cất lên những câu ca Quan họ quê mình trong đêm cuối xuân giữa điệp trùng núi đá Đồng Văn.
Năm 1982, tỉnh Đắc Lắk mở trại viết bồi dưỡng cho những người thích sáng tác. Nhạc sĩ Vũ Thiết của Đài Tiếng nói Việt Nam sau khi biết nội dung trên, chợt nhớ đến bài thơ Nghe câu Quan họ trên cao nguyên của thi sĩ Hữu Chỉnh, nội dung bài thơ rất dài, nhưng ông cảm ngay ý thơ đẹp có thể chuyển thành bản nhạc hấp dẫn từ tựa đề, vậy là một ca khúc cùng tên ra đời. Sau này, nghệ sĩ Quỳnh Liên là người đầu tiên thể hiện ca khúc đó trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đông đảo thính giả cả nước thương mến. |
Trở về thành phố miền Quan họ, khi tôi hỏi về cảm nhận chuyến trải nghiệm trên cao nguyên đá, chị hai Thu Ngà cười: Em đã đến Hà Giang một lần nhưng ấn tượng thực sự phải là chuyến đi cùng các anh nhà báo. Các anh rất thân thiện, gần gũi và hóm hỉnh giúp chúng em quên mệt nhọc của một chuyến đi dài. Còn các anh chị báo Hà Giang thì quá chu đáo, đầy đủ và rất trọn vẹn, chúng em rất trân trọng tình đồng nghiệp của các anh… Còn hai liền chị Minh Hiền và Bích Ngọc thì trải lòng, chuyến đi ngắn nhưng đọng lại nhiều kỷ niệm khó quên. Các liền chị mong muốn Báo Bắc Ninh và ngành Văn hoá sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để ngày nào đó, các nghệ sĩ sẽ lại có những chuyến trải nghiệm thú vị tương tự, không chỉ cho bản thân mà còn góp phần để di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh quê mình trường tồn và lan toả…
Theo Báo Bắc Ninh
Ý kiến bạn đọc