Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Mông
BHG - Đồng bào dân tộc Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện trong trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc dân gian, lễ hội, nghề truyền thống... Những năm qua, việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông luôn được huyện Quản Bạ quan tâm, thực hiện với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực.
Tả Ván là xã biên giới, nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ hơn 25 km, toàn xã có 8 thôn, 657 hộ và gần 2.700 nhân khẩu, với 98% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hàng năm, người dân trên địa bàn thường xuyên được tuyên truyền, khuyến khích tự may, thêu và mặc trang phục truyền thống trong các sự kiện, lễ cưới, hỏi, lễ hội văn hóa, đặc biệt là trong dịp Tết.
Nhận thức được những giá trị của văn hóa truyền thống, hầu hết đồng bào dân tộc Mông trong xã Tả Ván đều có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa. Ngoài việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị của trang phục truyền thống, bà con còn lưu giữ những làn điệu dân ca, công thức nấu rượu, làm khèn, chè San tuyết, các món ẩm thực như thịt treo gác bếp, gà đen H’Mông và những trò chơi dân gian như kéo co, đánh yến, múa khèn…
Trang phục dân tộc Mông xã Tả Ván (Quản Bạ) được trưng bày, bán tại các sự kiện, lễ hội của địa phương. |
Trang phục là một trong những giá trị tạo nên bản sắc đặc trưng của một dân tộc. Chính vì vậy, việc may, thêu trang phục truyền thống lâu nay đã trở thành việc làm không thể thiếu của người phụ nữ Mông nơi đây, thậm chí đó còn là một trong những tiêu chí quan trọng để chọn cô dâu của gia đình nhà trai khi người con trai đến tuổi lập gia đình. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, từng mũi kim, đường chỉ tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị Mỷ, thôn Lò Suối Tủng. Chị Mỷ là một trong những người có kinh nghiệm nhất trong việc may, thêu trang phục truyền thống của người Mông ở địa phương. Nghề thêu không phải nghề duy nhất, cũng không phải nghề chính của chị Mỷ để kiếm sống, nhưng hàng ngày chị lại dành rất nhiều tâm huyết, đam mê cho nó.
Trao đổi với chúng tôi chị Mỷ chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ tôi đã được bà và mẹ dạy cách may, thêu trang phục truyền thống, đến năm 17 tuổi thì tôi đã thành thạo các bước để làm ra một bộ trang phục dân tộc Mông. Ở Tả Ván hầu hết phụ nữ đều biết may, thêu hoa văn truyền thống, nhưng số người có thể tự hoàn thiện một bộ trang phục thì không nhiều, chủ yếu đều đã ở lứa tuổi trung niên, cao niên. Những bộ trang phục tôi may thường là váy áo cô dâu, chú rể, các trang phục thường ngày, trang phục lễ hội… Trang phục dân tộc Mông ngày nay có sự cải tiến, tuy nhiên những đường nét, hoa văn, họa tiết đẹp của truyền thống xa xưa vẫn được lưu giữ, mỗi sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục, nhưng để làm ra 1 sản phẩm thì mất nhiều thời gian và rất cầu kỳ”.
Đồng chí Vương Ngọc Tẩn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tả Ván cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, tranh thủ phát huy vai trò của người có uy tín, khuyến khích thành lập các nhóm sở thích, tổ hợp tác khôi phục nghề làm trang phục truyền thống, nghề may, thêu trang phục Mông. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích phát triển du lịch gắn với gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc trên địa bàn. Các sản phẩm từ thêu, may của phụ nữ Tả Ván được đem bán tại các phiên chợ vùng cao, quảng bá tại các ngày hội văn hóa của huyện, các điểm du lịch. Điều này vừa giúp bảo tồn văn hóa dân tộc đồng thời từ nghề may trang phục giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Ngày nay, xã hội hiện đại, ngành công nghiệp may mặc, in hoa văn phát triển, các bộ trang phục dân tộc cũng được in và sản xuất với nhiều mẫu mã cách tân đa dạng, đáp ứng nhu cầu ăn mặc của khách hàng. Tuy nhiên, cùng việc tiếp nhận những cái mới, chị em phụ nữ người Mông ở xã Tả Ván vẫn giữ gìn việc may, thêu các bộ trang phục truyền thống để truyền dạy lại cho con, cháu mai sau, vừa hòa nhập cuộc sống ngày càng hiện đại, vừa lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, tốt đẹp của dân tộc Mông.
Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU
Ý kiến bạn đọc