Sắc màu thổ cẩm Xín Mần
BHG - Đến với huyện Xín Mần thuộc phía Tây tỉnh Hà Giang thời gian này bằng các phương tiện xe máy, ô tô có phần khó khăn vất vả hơn trước. Vì tuyến đường chính đang mở rộng, nâng cấp, xe qua phải chờ đợi khá lâu. Các bác tài thường tìm những con đường liên xã để đi. Xe chúng tôi chọn con đường vòng đi qua Bắc Hà (Lào Cai) vào xã Nàn Ma rồi ra huyện. Đi xa hơn một chút nhưng đường tốt, dễ đi lại được chuyến du ngoạn thích mắt.
Khi ngắm cảnh núi non trùng điệp từ trên đèo cao và thấy những chòm xóm nhà xây, rồi khu phố sá khá đông đúc là lúc chúng tôi đang “hạ cánh” từ bình nguyên Suôi Thầu xuống thị trấn Cốc Pài thân yêu.
1. Từ miền rừng đa màu sắc…
Chị Phương giới thiệu sản phẩm thổ cẩm và bạc trang sức. |
Cách nay hơn một thập niên, chúng tôi đã có dịp leo lên những mỏm núi cao để chụp ảnh toàn cảnh huyện lỵ Xín Mần. Ngày ấy chủ yếu khu công sở của huyện, trường học là nhà xây khang trang và một số ít nhà dân ở thị trấn. Còn lại phố sá miền sơn cước cũng thưa thớt, manh mún như chính đời sống nghèo, khó khăn của người dân nơi đây. Các giá trị xây dựng hạ tầng luôn phản ánh tốc độ đô thị hóa nông thôn.
Bây giờ chúng tôi dừng nghỉ ở các Panorama, điểm chọn để ngắm cảnh diện rộng thật đẹp và mỹ mãn. Tít ngoài xa kia là ngọn Chiêu Lầu Thi cao vút uy nghi, chấn giữ, hiện lên trong màn mây khói, chỉ nhìn rõ nét khi trời vừa mưa xong và nắng lên. Gần hơn chút là mảng màu xanh nhiều sắc độ của Thèn Phàng, Cốc Rế, Tả Nhìu… đang phát triển. Trong vùng thị trấn, thấp thoáng hồ nước thủy điện cũng tạo nên nét mới thời hiện đại.
Buổi tối đi dạo trong “nội đô” Cốc Pài mới thấy những nét “hoa văn” ở đây. Đường phố to, rộng, phẳng đẹp và uốn lượn như ở Đà Lạt. Có cả những bức tranh tường mô tả cảnh hiện thực rất sống động. Hàng quán đủ thứ, nhất là các sản vật của miền rừng. Các siêu thị, khu chợ, khu ẩm thực khá lớn. Có cả những mặt hàng từ bên kia biên giới góp mặt. Sắc áo chàm nổi trội với nét hoa văn cho thấy họ là người Nùng, Tày, Dao hay Mông. “Anh nhìn xem, ở vùng xuôi có thứ gì thì ở đây cũng tràn ngập”. Bạn tôi nói.
Dĩ nhiên rồi. Thời ngăn sông cấm chợ đã “khai tử” từ lâu. Quá trình sản xuất hàng hóa, tham gia các chuỗi sản phẩm, đa dạng hóa các mô hình làm kinh tế đã và đang tạo ra bức tranh nhiều màu sắc của Xín Mần nói chung và Cốc Pài nói riêng. Có một tầng ngầm của sự giao thoa văn hóa đã nhuốm màu bức tranh tươi đẹp này. Tuy nhiên vẫn còn đó cửa ải của cái nghèo án ngữ cần có thời gian để hóa giải.
2. … đến một tổ hợp sản xuất thổ cẩm
Thị trấn Cốc Pài nhỏ xinh đang trên đường đô thị hóa trên nền tảng kinh tế - xã hội của cả huyện là phát triển nông nghiệp và du lịch. Nơi đây là một điểm nhấn, như là một họa tiết đa sắc tộc trên tấm “thổ cẩm” Xín Mần. Chọn đúng nên đã kết nối được nhiều đối tác, nhiều đối tượng quan tâm, có cả trong và ngoài nước đến đầu tư, hưởng lợi. Chủ tịch thị trấn Nguyễn Anh Tuấn vui vẻ và say sưa trong câu chuyện với chúng tôi. Nhiều điểm du lịch, rất nhiều “hôm tay” và các giống cây trồng, hoa đẹp đã và đang được triển khai. Ngoài các câu lạc bộ nhằm phát huy vốn văn hóa văn nghệ dân gian là một tổ hợp sẽ phát triển thành Hợp tác xã Thêu dệt trang phục Nùng và Mông.
3 chị em Phương, Năm và Hiền. |
Không phải chờ đợi lâu, chúng tôi đã có mặt tại “trụ sở”, hay gọi là “xưởng” sản xuất của tổ hợp này. Đó là căn nhà đẹp và rộng rãi. Máy may, các loại vải, đồ trang sức bằng bạc, công cụ làm việc rất đầy đủ và chuyên nghiệp. Hôm nay có ba chị trong trang phục người Nùng tiếp chúng tôi. Còn mấy chị nữa đang tiếp tục các công việc thường nhật bận rộn. Ba người phụ nữ mang những nét đẹp trang phục và hình thể Nùng U thật đặc sắc và quyến rũ. Người trẻ nhất là Vàng Thị Phương 37 tuổi, Tổ trưởng, nhà ở ngay huyện lỵ. Chị Thèn Thị Năm và Lù Thị Hiền đã ở độ tuổi bốn mươi nhưng trông rất trẻ. Chị Hiền đã có con đang học đại học năm thứ 3 ở Hà Nội. Các chị tận tình hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về công việc của mình. Từ việc nhuộm vải bằng chàm và củ nâu, phơi rồi lại nhuộm, lặp đi lặp lại đến một hai tháng mới hoàn thành. Sau đó là dùng viên đá nhẵn mài thành tấm vải đen bóng để cắt may, thêu nên những bộ trang phục đẹp. Chị Phương nói:
- Chúng em đã khởi nghiệp vài năm nay, có một số chị em tay nghề cao cùng tâm huyết với nghề ông bà để lại, tập hợp thêm các chị em cùng sở thích vừa làm vừa học. Các loại trang phục các dân tộc trong vùng chúng em đều làm được. Khó nhất là hoa văn, họa tiết của người Pà Thẻn. Ngoài ra hợp tác xã của em còn làm búp bê mang trang phục của các dân tộc, mọi người và khách du lịch cũng rất thích. Hiện tại em bán “on lai” là chủ yếu. Một bộ trang phục nữ dân tộc Nùng có gắn đồ trang sức bạc, hoàn hảo, đã có khách đặt mua với giá 1,8 triệu đồng.
Rồi các chị lấy mấy bộ quần áo mới cho chúng tôi mặc thử để cảm nhận và chụp ảnh lưu niệm. Cũng là một cách để quảng bá thêm sản phẩm của mình. Cảm nhận chung là các chị rất thân thiện, lại thông minh lanh lợi, thực chất và tự tin trong giao tiếp. Hình như đó chính là giá trị đầu tiên, quan trọng mà họ trao cho khách du lịch và khách hàng thương mại. Thái độ giao tiếp và sản phẩm đỉnh cao luôn mang đến thành công.
Chúng tôi ví công việc của các chị như thể những bông sen ngụp lặn trong bùn ngoi lên mặt nước và nở hoa, tỏa ngát hương thơm. Để có một tấm vải đậm sắc chàm đen bóng rồi thêu dệt những hoa văn, họa tiết trên đó, làm đẹp cho cộng đồng và cuộc sống là cả một quá trình vất vả, nhuộm vải, mài màu khổ công. Tính chăm chỉ và nhẫn nại của người phụ nữ đã tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm thủ công này. Chính vì thế, ngay từ đầu đã có nhiều đơn vị, cá nhân đặt hàng ở Hà Nội và các tỉnh khác. Các chị vừa sản xuất vừa truyền dạy nghề cho nhiều học viên các dân tộc. Các chị rất thành thạo trong việc sử dụng điện thoại thông minh để làm dịch vụ thương mại và chụp ảnh lưu niệm. Thu nhập của chị em ở đây tuy còn khiêm tốn nhưng công việc mở ra một chân trời mới.
Chẳng có một lâu đài nào hoàn thiện trong một sớm một chiều. Với ý nghĩa này, chúng tôi chia sẻ niềm vui ban đầu với hợp tác xã thổ cẩm ở Xín Mần. Một bức tranh sáng màu trên vùng đất dốc đã và đang được thêu dệt bởi những con người đầy khát vọng thay đổi cuộc sống và làm chủ thời cuộc.
Bài, ảnh: Quốc Trí
Ý kiến bạn đọc