Bảo vệ dấu tích chùa cổ niên đại thời nhà Trần, thế kỷ XIII – XIV

17:50, 12/12/2023

BHG - Vừa qua đoàn khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành khảo sát khu vực được gọi là “Chùa Tam Tự”, thuộc thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê. Từ các hiện vật khai quật được, đoàn khảo sát khẳng định: Đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII- XIV. Từ phát hiện giá trị đó, huyện Bắc Mê đã tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ và lưu giữ các hiện vật.

Di tích kiến trúc cổ tọa lạc trên một quả đồi có hình mu rùa nằm về bờ trái tả ngạn của dòng sông Gâm, cách sông Gâm khoảng 50 m. PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Sau khi dọn vệ sinh lớp thải của các lá cây rụng, các di vật, vật liệu kiến trúc xuất lộ dần. Có những hiện vật lộ ngay trên bề mặt, có những di vật bị vùi chìm dưới mặt đất, chỉ nhô lên một phần trên bề mặt. Đoàn đã lấy đỉnh đồi làm trung tâm và mở rộng khảo sát ra xung quanh, từ đó phát hiện nhiều hiện vật quý, cụ thể: 121 tảng đá kê chân cột; có 7 hiện vật mô hình tháp đất nung; cùng với đó là nhiều ngói đất nung, chuông sắt, chuông đồng nhỏ… Tất cả các hiện vật này mang đặc trưng kỹ thuật và loại hình thời nhà Trần, thế kỷ XIII-XIV. Là loại di vật quý, mang đặc trưng văn hoá kiến trúc thời Trần”.

Các di vật lộ ngay trên bề mặt, giúp các nhà khảo cổ học dễ dàng phát hiện.
Các di vật lộ ngay trên bề mặt, giúp các nhà khảo cổ học dễ dàng phát hiện.

Tại đợt khảo sát lần đầu, đoàn đã mở rộng phạm vi và phát hiện thấy có 3 vòng kè đá cho khuôn viên của kiến trúc chùa. Theo đó vòng kè thứ 3 ở ngoài cùng và vòng kè thứ 2 ở giữa có đặc điểm chung là có hình ô van kéo dài theo địa thế quả đồi. Nhưng nhìn chung quy mô di tích khá lớn, rộng hàng nghìn mét vuông, được xây dựng với nhiều đặc điểm kiến trúc của các ngôi chùa thế kỷ XIII-XIV, trong cương vực lãnh thổ miền núi phía Bắc của nhà Trần.

Các di vật được xác định có niên đại thời nhà Trần, thế kỷ XIII - XIV.
Các di vật được xác định có niên đại thời nhà Trần, thế kỷ XIII - XIV.

Đồng chí Trần Mạnh Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết: “Trước những đánh giá và kết quả ban đầu của đoàn khảo sát, huyện đã giao thị trấn Yên Phú xây dựng kế hoạch tuyên tuyền và bảo vệ khu vực nền chùa cũ, thường xuyên kiểm tra, quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, tránh xâm hại, đào bới tìm kiếm và lấy cắp di vật khu vực nền chùa cũ. Rà soát thống kê chính xác diện tích khuôn viên chùa và tuyên tuyền người dân hiến đất để khôi phục lại chùa. Công an thị trấn tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, giữ nguyên hiện trạng di tích trước khi cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành; không cho bất cứ người nào vào đào bới, vận chuyển di vật ra khỏi khu vực chùa. Bên cạnh đó kiên quyết không để những sai sót có thể xảy ra trong thời gian chờ kết luận của các cơ quan chuyên môn, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang”.

Đồng chí Hoàng Văn Mười, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Phú chia sẻ: “Ngay sau khi phát hiện các di vật đầu tiên, để đảm bảo cho việc khảo cổ và bảo vệ tính nguyên vẹn của di tích. Trước và sau khi cuộc khai quật diễn ra thị trấn đã tiến hành họp và phân công nhiệm vụ, công việc cụ thể cho từng đơn vị; đồng thời chỉ đạo công an thị trấn, thôn, tổ, theo dõi thường xuyên và tạo “chân rết” trong việc nắm bắt tình hình, tránh việc người lạ vào đào bới làm thất thoát các di vật. Qua đó, tính đến thời điểm hiện tại các hiện vật, di tích được phát hiện là chùa cổ nhà Trần vẫn được bảo vệ và không có dấu hiệu xâm phạm”.

Kết quả khai quật đã làm xuất lộ nhiều di vật quý, nhiều thông tin giá trị hàm chứa thông điệp của lịch sử dân tộc. Bởi vậy, tăng cường các biện pháp bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di tích trước khi có kết quả chính xác và kết luận của cơ quan chuyên môn là việc rất cần thiết.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đưa “mũi nhọn” du lịch bứt tốc

BHG - Với lợi thế là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch (DL), tỉnh ta xác định phát triển DL trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, góp phần tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cực Bắc.

30/11/2023
Phát triển sản phẩm OCOP ở Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm

BHG - Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) được bao phủ bởi những cánh rừng và những cánh đồng quê vô cùng hùng vĩ và bắt mắt. Đến đây du khách sẽ được đắm chìm trong văn hóa của người dân tộc Dao. Năm 2022, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh đã góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch mảnh đất giàu truyền thống, văn hóa.

29/11/2023
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa truyền thống ở Bắc Mê

BHG - Xác định đưa Du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống là việc cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, huyện Bắc Mê tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp phát triển DL gắn với bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc.

27/11/2023
Mùa măng tay của miền núi rừng Hà Giang

BHG - Trên vùng đất Hà Giang, có nhiều loại măng rừng mọc theo các mùa. Mùa Xuân là thời điểm của những cây măng vầu to khỏe; mùa Hè là những đợt măng nứa, măng giang và các loại măng mai, măng bương thi nhau vươn lên chiếm lĩnh không gian đồi rừng. Cuối Thu, đầu Đông, thời điểm khi những cánh rừng bắt đầu ngả vàng, chuẩn bị ủ mình qua Đông, có một loại măng rừng nhú mầm thức giấc, bắt đầu mùa măng trúc nhỏ. Bà con các dân tộc hay gọi loại măng trúc nhỏ này là măng tay, vì thân măng bé như những ngón tay.

27/11/2023