Thành phố Hà Giang ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ và các sản phẩm du lịch

11:37, 09/11/2023

BHG - Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng phát triển nhanh, bền vững; khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch, đó là một trong những nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVIII (Nghị quyết) đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Thực hiện Nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với thành phố Hà Giang.

Khách du lịch tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của thành phố Hà Giang.
Khách du lịch tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của thành phố Hà Giang.

Với những nỗ lực trong việc tìm hiểu, sưu tầm, đến nay thành phố đã phục dựng thành công các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Bàn Vương của đồng bào dân tộc Dao, thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường; lễ cúng Thần Rừng dân tộc Dao, thôn Khuổi My, xã Phương Độ; lễ Cấp sắc dân tộc Dao thôn Cao Bành, xã Phương Thiện; lễ hội Lồng Tồng, hội Lẩu Then (Bjooc Mạ) dân tộc Tày. Thành lập mỗi Làng văn hóa du lịch (VHDL) cộng đồng một đội văn nghệ dân gian biểu diễn phục vụ du khách; phục dựng các làn điệu hát múa truyền thống như: Đàn Tính, hát Cọi, hát múa Then cổ, hát giao duyên...

Đến nay, thành phố đã tổ chức thành công các lễ hội như: “Văn hóa du lịch dân tộc Dao”, “Ẩm thực dân tộc Dao” thành phố Hà Giang lần thứ Nhất tại thôn Khuổi My, xã Phương Độ; Liên hoan các Làng VHDL cộng đồng lần thứ 3. Phối hợp với xã Quyết Tiến (Quản Bạ), xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) tổ chức thành công chương trình giao lưu các Làng VHDL cộng đồng tại thôn Tha, xã Phương Độ. Thành lập và ra mắt đoàn nghệ thuật quần chúng thành phố Hà Giang và thường xuyên biểu diễn tại Quảng trường 26/3 gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng để phục vụ khách du lịch và nhân dân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Làng VHDL cộng đồng và xây dựng Làng VHDL tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay thành phố có 5 Làng VHDL cộng đồng với tổng số 739 hộ, trong đó  có 27 hộ làm dịch vụ, du lịch gồm: Làng VHDL thôn Tha có 6 hộ, Làng VHDL thôn Hạ Thành có 7 hộ; Làng VHDL thôn Tiến Thắng có 5 hộ, Làng VHDL thôn Lâm Đồng có 6 hộ và Làng VHDL thôn Bản Tùy có 3 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch.

Quảng trường 26-3 trong Lễ khai mạc Phố đi bộ Nguyễn Trãi.
Quảng trường 26-3 trong Lễ khai mạc Phố đi bộ Nguyễn Trãi.

Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thành phố Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung tổ chức thành công phố đi bộ Nguyễn Trãi; Ngày hội văn hóa dân tộc Tày và khánh thành chợ xã Phương Thiện.

Phố đi bộ Nguyễn Trãi được tổ chức trong không gian đường Nguyễn Trãi từ Sở Xây dựng đến ngã tư cầu Yên Biên I, đoạn đường Lê Quý Đôn từ Sở Xây dựng giao với đường 26/3, toàn bộ Quảng trường 26/3, Công viên Cây xanh và kết nối với Bảo tàng tỉnh. Toàn tuyến có tổng chiều dài 1.045 m. Phố đi bộ Nguyễn Trãi được tổ chức thành 4 không gian chính gồm: Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tại khu vực Quảng trường 26/3 và sân Công viên cây xanh, ưu tiên cho các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc Hà Giang; nghệ thuật quần chúng, đương đại, tổ chức sự kiện; trưng bày tranh, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, báo chí, giới thiệu sách, vẽ chân dung...; các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian và dịch vụ vui chơi dành cho thiếu nhi. Không gian thứ hai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại khu vực sân Công viên cây xanh với các gian hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, trang phục dân tộc. Không gian thứ ba tổ chức các hoạt động dịch vụ tại sân Quảng trường 26/3 và khu vực sân Công viên đối diện khách sạn Yên Biên, Trung tâm Hành chính công tỉnh và trục đường Lê Quý Đôn và không gian thứ tư là tham quan Bảo tàng tỉnh.

Chợ Phương Thiện vừa khánh thành giai đoạn 1, có kiến trúc độc đáo theo phong cách chợ Phố cổ Đồng Văn, với hệ thống vì kèo, xà gồ, cầu phong sử dụng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương tráng men… Nơi đây kết hợp với Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố hoàn thành sẽ tạo thành một sản phẩm du lịch mới, độc đáo thu hút khách du lịch đến, ở lại với thành phố lâu hơn.

Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm tại Làng du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành, xã Phương Độ.
Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm tại Làng du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành, xã Phương Độ.

Đồng chí Trần Song Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Việc xây dựng chợ xã Phương Thiện và phố đi bộ Nguyễn Trãi nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giao thương, trao đổi các mặt hàng của người dân các xã ngoại thành và thành phố; là nơi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, các sản phẩm du lịch của tỉnh; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với thành phố. Để đảm bảo những phiên chợ, mỗi buổi tối tổ chức phố đi bộ được an toàn, hiệu quả, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý chợ, tuyến phố, các phòng, ban, đơn vị liên quan tập trung đảm bảo các phương án về an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đảm bảo phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Hà Giang, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn, tạo nét đẹp về văn hóa, văn minh đô thị đặc trưng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ xây dựng các sản phẩm du lịch, thành phố đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch. Nhiều cơ sở dịch vụ được đầu tư mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay thành phố có 133 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 1 cơ sở 4 sao, 31 cơ sở từ 1 đến 3 sao; 54 homestay với chất lượng hạ tầng, dịch vụ được nâng lên rõ rệt; toàn thành phố có 14 công ty lữ hành; 655 cơ sở nhà hàng dịch vụ ăn uống, trong đó có 62 nhà hàng đạt tiêu chuẩn…

Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, cùng với sự ưu tiên các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc… Chắc chắn du lịch thành phố Hà Giang sẽ tiếp tục có bước phát triển mới trong tương lai gần, sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Bài, ảnh:  VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang đón hơn 58 nghìn lượt khách du lịch trong dịp Lễ hội hoa Tam giác mạch

  ↵

BHG - Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong dịp Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX năm 2023 (từ 27 - 29.10), tổng lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt hơn 58 nghìn lượt người, trong đó khách nước ngoài gần 3.500 lượt, khách nội địa gần 55 nghìn lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 137 tỷ đồng.

31/10/2023
Tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú phục vụ mùa lễ hội

BHG - Nhằm chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ đợt cao điểm mùa lễ hội hoa Tam giác mạch, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú, việc niêm yết công khai giá theo quy định, vệ sinh môi trường. Sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ mọi phản ánh của du khách, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với Hà Giang.

31/10/2023
Mùa lễ hội mới mẻ, ấn tượng và tự hào

BHG - Lễ hội hoa Tam giác mạch là sự kiện thường niên được tỉnh Hà Giang tổ chức vào cuối tháng 10 hoặc trung tuần tháng 11 Dương lịch khi hoa Tam giác mạch đang thời kỳ nở rộ. Vừa qua, tại Quảng trường Thanh niên, huyện Đồng Văn, UBND tỉnh đã tổ chức thành công chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Tam Giác Mạch lần thứ IX, năm 2023 với chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa”. Đặc biệt, tỉnh quyết định đưa vào chương trình sự kiện đón Bằng công nhận tái thẩm định tư cách thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho du khách thập phương. 

31/10/2023
Chuyển biến tích cực trong công tác văn hóa trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc

BHG - Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo triển khai học tập, quán triệt sâu sắc kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tập trung nghiên cứu 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc.

30/10/2023