Cuốn hút văn hóa Tày trong lòng thành phố trẻ
BHG - Hà Giang là thành phố trẻ, hội tụ 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào Tày chiếm 26,81% dân số toàn thành phố. Với những quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang (TPHG) trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Tày đã tạo hiệu ứng kép: Vừa gìn giữ truyền thống quý báu về giá trị văn hóa dân tộc Tày cho thế hệ mai sau, vừa tạo đột phá phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Đồng bào Tày sinh sống chủ yếu tại 3 xã ngoại thành: Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường. Họ sở hữu những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Trên 95% nhà ở của người Tày là nhà sàn, được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả về kiến trúc và cảnh quan. Đặc trưng của những ngôi nhà sàn ở đây đều được lợp bằng lá cọ, có diện tích lớn, chia thành nhiều gian, mỗi gian có công năng sử dụng khác nhau tạo nên nét đặc trưng rất riêng trong văn hóa dựng nhà của người Tày. Ngoài công tác vận động, khuyến khích đồng bào Tày gìn giữ kiến trúc nhà sàn truyền thống, năm 2023, UBND TPHG đã hỗ trợ 8 hộ dân của xã Phương Độ số tiền 80 triệu đồng để bảo tồn nhà sàn mái lá cọ. Bên cạnh nếp nhà sàn mộc mạc, đồng bào Tày còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống, tạo nên các vật dụng tinh tế, hữu ích bằng tre, nứa như: Sọt, mẹt, quạt lá cọ, túi... vừa đáp ứng nhu cầu gia đình vừa là sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Các Đội văn nghệ dân gian của xã Phương Độ luyện tập hát Then, đàn Tính. |
Trang phục truyền thống của đồng bào Tày tuy giản dị nhưng không kém phần sang trọng, tinh tế và có điểm nhấn riêng. Với nam là quần chân què, áo ngắn năm thân, cổ đứng hoặc áo dài có vạt quá đầu gối hay áo tứ thân xẻ ngực, cổ tròn. Trang phục nữ gồm áo cánh, áo dài năm thân, thắt lưng, quần váy, vải được nhuộm màu chàm đồng nhất trên trang phục, không có hoa văn trang trí cầu kỳ. Tuy nhiên, sắc chàm ấy sẽ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Tày khi kết hợp trang sức bạc lấp lánh như vòng cổ, nhẫn, xà tích, hoa tai... Người dân thường sử dụng trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết hoặc khi có sự kiện quan trọng của gia đình, dòng họ. Riêng tại 6 thôn vùng thấp của xã Phương Độ - nơi có đồng bào Tày sinh sống thì trên 80% người dân sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Điều này góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp và bản sắc riêng của đồng bào Tày.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền TPHG đã tập trung khôi phục và bảo tồn các lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào Tày như: Lễ hội Lồng Tồng, Nàng Hai, Khảu Mảu, múa Lẩu Then (cổ), Lẩu Then Bjoóc mạ. Các loại hình nghệ thuật dân gian hát Then, hát Cọi kết hợp với nhạc cụ đàn Tính, lúc lắc, nhị, sáo… được 14 đội văn nghệ dân gian, 1 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của 3 xã biểu diễn thường xuyên, tạo thành nét đẹp văn hóa trong đồng bào Tày, làm say lòng du khách. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, UBND TPHG tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày TPHG năm 2023. Trong ngày hội, nhân dân và du khách được hòa mình vào không gian văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào Tày. Đó là các gian hàng ẩm thực tinh hoa dân tộc Tày; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, đồ thủ công, lưu niệm và nhiều hội thi hấp dẫn như: Nấu các món ăn dân tộc Tày, Hội diễn văn nghệ dân gian truyền thống, Hội thi Người đẹp dân tộc Tày... Thông qua ngày hội không chỉ tôn vinh văn hóa dân tộc Tày mà còn là một trong những giải pháp quan trọng của cấp ủy, chính quyền TPHG trong việc góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ban Tổ chức trao giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc nhất tại Hội thi Người đẹp dân tộc Tày. |
Với quan điểm lấy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; UBND TPHG đã chỉ đạo xây dựng 5 Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Tày gồm: Thôn Tiến Thắng, Lâm Đồng (xã Phương Thiện); thôn Tha, Hạ Thành (xã Phương Độ), thôn Bản Tùy (xã Ngọc Đường). Văn hóa truyền thống của đồng bào Tày đã trở thành tài sản quý giá để phát triển KT-XH, nhất là kinh tế du lịch. Điển hình như thôn Tha, hiện có 6 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú (homestay), mỗi hộ có thể đón từ 10 – 20 khách ngủ, nghỉ. Ẩm thực Tày là mảnh ghép hoàn hảo cho nét đẹp văn hóa du lịch cộng đồng ở thôn Tha. Trong ngôi nhà sàn xinh xắn, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản như: Thịt lợn đen gác bếp, cá Bỗng nấu măng chua, vịt luộc, gà đồi xé phay, cơm lam, xôi ngũ sắc… Hương vị của những món ăn nóng hổi dậy mùi thơm từ các loại gia vị: Mắc khén, Thảo quả, quế, hoa Hồi hòa cùng men lá của chén rượu cay nồng bên bếp lửa hồng luôn có sức hấp dẫn lạ thường với thực khách. Đặc biệt, Đội văn nghệ dân gian thôn Tha thường xuyên tổ chức luyện tập, sưu tầm những làn điệu dân ca, dân vũ, nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày, tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Khi giọng Then vang lên kết hợp với đàn Tính rộn rã, chùm xóc nhạc réo rắt, tất cả như hòa quyện vào từng phím đàn, tông nhạc cuốn hút du khách khi đến với bản làng của người Tày. Theo thống kê của UBND xã Phương Độ, trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến với thôn Tha và Hạ Thành lên đến hơn 7.500 lượt khách; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 5 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc Tày nói riêng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và nhân dân TPHG. Bởi đây chính là “chìa khóa” quan trọng để gìn giữ truyền thống quý báu về giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau; đồng thời, tạo ra sinh kế, góp phần phát triển KT-XH bền vững, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TPHG trở thành thành phố đáng sống, trung tâm du lịch của tỉnh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc