Khẳng định vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội
BHG - Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Những ngày cuối tuần vừa qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh diễn ra một loạt sự kiện văn hóa, thể thao truyền thống kết hợp với hiện đại, như: Lễ hội “Mùa vàng - làng nhà rêu” xã Phương Tiến (Vị Xuyên); Tết cá của người Tày huyện Yên Minh; giải trình diễn, thi đấu xe ô tô, mô tô “Tinh thần đá” và bay dù lượn tại huyện Quản Bạ; Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày và khánh thành chợ Phương Thiện, thành phố Hà Giang... Các lễ hội văn hóa, thể thao diễn ra với nhiều hoạt động: Văn nghệ dân gian của đồng bào các dân tộc; thi thu hoạch lúa; thi đấu các môn thể thao dân tộc; giới thiệu ẩm thực truyền thống; trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; giã bánh giầy; đi bộ khám phá khu nhà rêu, rừng chè Shan tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang, rừng Thảo quả; đua cá, thi bắt cá bằng tay, thi gói bánh chưng nhân cá, nướng cá chép ruộng, trải nghiệm nấu rượu ngô men lá, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Các sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức một lần nữa khẳng định, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần của đồng bào vùng rẻo cao Hà Giang vẫn rất phong phú và luôn được bồi đắp bởi những giá trị tốt đẹp.
Du khách trải nghiệm giã bánh giầy tại Lễ hội “Mùa vàng - làng nhà rêu” thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên). Ảnh: BIỆN LUÂN |
Trước đó, tỉnh ta đã khánh thành, đưa vào sử dụng 2 công trình thiết chế văn hóa tiêu biểu, đặc sắc đó là Bảo tàng tỉnh (tháng 5.2023) và Căng Bắc Mê (tháng 7.2022). Những thiết chế văn hóa được tu bổ theo hướng hiện đại, giàu bản sắc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa hào hùng, tươi đẹp của đất và người Hà Giang. Không gian Bảo tàng được tu bổ, tôn tạo gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo kịch bản dựa trên tiến trình thời gian, gồm: Cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái và xây dựng cuộc sống mới; thiết kế trang trí nội, ngoại thất theo nguyên tắc Bảo tàng học hiện đại, ứng dụng công nghệ số tạo hiệu ứng trực quan, sinh động, hướng đến trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc cho khách tham quan. Đây là công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào, nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Còn Căng Bắc Mê, xã Yên Cường (Bắc Mê) là bằng chứng ghi dấu tội ác của thực dân Pháp; là nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cách mạng, là một trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộng sản trong nhà tù đế quốc. Trong thời gian từ năm 1939 - 1942, thực dân Pháp đưa tù chính trị từ các nhà tù Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình lên giam giữ tại Căng Bắc Mê. Năm 1992, Căng Bắc Mê được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ khi hoàn thành tu bổ, tôn tạo đến nay, nơi đây đã trở thành trường học lịch sử sinh động, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu và thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Thời gian qua, các hoạt động văn hoá, lễ hội được tổ chức với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp, cải tạo... đã minh chứng cho quan điểm văn hoá song hành với kinh tế, chính trị, xã hội được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đặc biệt coi trọng. Trải qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 32 năm tái lập tỉnh; với quyết tâm chính trị cao, bám sát thực tiễn, đoàn kết, năng động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các nhân tố văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa được chú trọng.
Bám sát quan điểm xuyên suốt của Đảng văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế, chính trị thì đời sống văn hóa xã hội tiếp tục có sự phát triển vượt bậc; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân. Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện theo hướng đồng bộ; hệ thống các di sản văn hóa được quan tâm đầu tư, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, trang phục, kiến trúc nhà ở... được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; nhiều nghi lễ văn hóa, nghệ thuật dân gian được tổ chức thường xuyên; nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng đã thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, đã hình thành và phát triển sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập của người dân; nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại lâu đời trong cộng đồng dân cư dần được cải tiến, góp phần quan trọng trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng chăm lo xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, đạo đức, nhân cách, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, cần cù, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, tôn trọng kỷ cương, chấp hành nghiêm pháp luật, quy ước của cộng đồng, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, dân tộc mình. Việc giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống cho thanh, thiếu niên, học sinh trong các trường học được chú trọng theo hướng đổi mới, sáng tạo. Các huyện, thành phố đã ban hành đề án, kế hoạch triển khai giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại địa phương, sưu tầm, trưng bày các nhạc cụ dân tộc, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc trong phòng truyền thống, thư viện, lớp học và giới thiệu đồ dùng, ngành nghề truyền thống, quy định học sinh mặc trang phục dân tộc vào các ngày đầu tuần và ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn... Qua đó, đã nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Quá trình phát triển đất nước với 4.000 năm lịch sử đã khẳng định: Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc, hình thành nên những giá trị văn hóa cao đẹp, bền vững. Tiếp nối thành quả tốt đẹp đó, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đã hình thành nên những thế hệ công dân có nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội, đang nỗ lực từng ngày, từng giờ đưa mảnh đất cực Bắc Tổ quốc vươn lên thoát nghèo.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc