Có một Ban Mê trong tôi
BHG - Đêm, từ trên máy bay nhìn xuống, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thật lung linh huyền ảo, khiến chúng tôi có nhiều cảm xúc, ấn tượng về thành phố cao nguyên xinh đẹp, thơ mộng này.
Là một tỉnh trung tâm Tây Nguyên, có đường biên giới với nước bạn Cam Pu Chia, thu hút và gây ấn tượng mạnh mẽ cho khách du lịch không chỉ là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi Đắk Lắk có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk: “Đó là những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã… những sản phẩm làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc. Cùng đó là những lễ hội và phong tục độc đáo, những âm thanh của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng. Đặc biệt là những lời ca, điệu múa đậm chất cao nguyên của cộng đồng 44 dân tộc anh em”.
Tượng đài Chiến thắng - biểu tượng của thành phố Buôn Ma Thuột. |
Anh Huỳnh Quang Hổ, cán bộ kỹ thuật của Đài PT-TH Đắk Lắk mới được nghỉ chế độ, nhiệt tình đưa tôi đi chiêm ngưỡng thành phố cao nguyên. Sinh ra và lớn lên ở đây, anh khá rành về lịch sử và quá trình phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột mà người ta hay gọi tắt là Ban Mê. Anh kể: Phiên ra từ 3 chữ Buôn Ma Thuột, cả cách nói vui thì thành phố có tới 17 tên gọi, nhưng gọi thế nào thì người ta vẫn dành tình cảm đặc biệt về thành phố thủ phủ của cà phê Việt Nam.
Không ồn ã, có chút gì đó thong thả, dịu dàng, Buôn Ma Thuột đẹp như bức họa tuyệt tác của thiên nhiên, đẹp nao lòng du khách. Những con đường rất rộng, thoáng, vỉa hè lớn, sạch sẽ thích hợp cho người dân và du khách đi bộ, dạo mát, cùng đó là hệ thống cây xanh phát triển, có lẽ hiếm có nơi còn nhiều cây cổ thụ như ở thành phố này, mỗi cây được gắn số tiện cho việc gìn giữ bảo vệ.
Dường như ai đến thành phố Buôn Ma Thuột cũng tìm đến để chụp ảnh lưu niệm khu Tượng đài Chiến thắng - biểu tượng của thành phố ở giữa trung tâm ngã 6.
Cách ngã 6 không xa là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Bảo tàng được thiết kế dựa theo kiến trúc nhà dài đặc trưng của cộng đồng người Ê-đê (dân tộc đông dân nhất ở tỉnh này). Bảo tàng lưu giữ và trưng bày khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh giới thiệu về lịch sử, tự nhiên và văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở Đắk Lắk.
Điều bất ngờ đối với chúng tôi, đó là lá cờ Tổ quốc đã treo ở Cột cờ Lũng Cú được đặt trang trọng trong tủ kính ngay khu đầu tiên khi vào khu trưng bày của Bảo tàng. Lá cờ mang số hiệu 233, đã được CBCS Đồn Biên phòng Lũng Cú long trọng tổ chức Lễ thượng cờ vào ngày 12 .11. 2016 và được Lãnh đạo tỉnh Hà Giang trao tặng tỉnh Đắk Lắk trong dịp Đoàn nghệ nhân dân tộc Mông cư trú trên địa bàn 3 huyện Ea Kar, Krông Năng và Krông Bông đến Hà Giang tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 (tháng 11. 2016).
Đêm trăng cao nguyên, trong hương ly cà phê, thoảng dịu nhẹ mùi hương vừa quen vừa lạ. Lần theo mùi hương ấy, ngay đầu phố “Con đường sách” bất chợt bắt gặp hoa bàng Vuông, loài hoa của biển cả, loài “nữ hoàng sắc đẹp” của quần đảo Trường Sa. Dưới tán lá, bên những quả bàng là những chùm nụ, hoa hé nở, nhè nhẹ đung đưa theo gió. Sắc trắng cánh hoa, sắc hồng tím nhụy hoa mang lớp phấn vàng trong ánh trăng khiến những bông hoa thêm lung linh sắc màu.
Du thuyền trên hồ Lắc. |
Chiều sau đó, bên gốc cây Kơ nia cổ thụ, anh Huỳnh Quang Hổ, khoe: Cây bàng Vuông là do bộ đội Trường Sa tặng trong dịp Đoàn các dân tộc tỉnh Đắk Lắk ra thăm đảo. Cây được trồng trong khuôn viên trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk, nay trụ sở cơ quan đã di chuyển đến nơi mới, song cây bàng Trường Sa vẫn được chăm sóc và bảo vệ.
Có điều đặc biệt là vị trí Bảo tàng - nơi lưu giữ và trưng bày lá cờ được đưa về từ Lũng Cú nơi cực Bắc Tổ quốc, vị trí cây Kơ nia cổ thụ biểu tượng Tây Nguyên và cây bàng quả vuông, biểu tượng kiên cường trước sóng gió nơi đảo xa tạo thành 3 điểm góc của tam giác mà tượng đài chiến thắng là tâm của tam giác đó. Phải chăng, đó cũng là thể hiện sự gắn kết vượt lên khó khăn, chiến thắng của những người nơi biên giới, nơi đảo xa.
Theo Quốc lộ 27, tuyến đường nối giữa tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, những bản làng trù phú, chúng tôi đến với Khu Du lịch Hồ Lắc (huyện Lắc) nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km. “Đến Lắc ắt thành công” câu slogan của huyện Lắc được khắc trên phiến đá bên đường ngay cổng trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện khiến hầu như ai đến cũng dừng chân để chụp ảnh. Có rất nhiều giai thoại, hình ảnh đẹp và ấn tượng xung quanh câu nói này về huyện Lắc anh hùng.
Hồ Lắk có diện tích khoảng 6,2 km vuông, nằm ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, với nguồn cung cấp nước chính đến từ con sông Krông Ana. Được thiên nhiên ban tặng, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ hai Việt Nam (sau hồ Ba Bể). Hồ Lắk sở hữu một vẻ đẹp vừa hoang sơ, nhưng rất thơ mộng.
Sinh sống xung quanh hồ đa phần là người M’Nông. Ở quanh hồ Lắc vẫn có những ngôi nhà dài truyền thống cổ với các vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt nghề dệt thổ cẩm vẫn được lưu truyền qua các thế hệ.
Dinh vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng triều Nguyễn) chính là hai công trình lịch sử đặc biệt của tỉnh Đắk Lắk, một tọa lạc cạnh Bảo tàng Đắk Lắk và một được xây dựng trên một ngọn đồi ven hồ Lắc này. Xung quanh có rất nhiều cây xanh tuyệt đẹp, từ tầng 3 biệt thự, sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ hồ Lắk và các vùng lân cận.
Không phải đến Buôn Đôn để gặp Voi, ở huyện Lắc cũng có 14 chú voi sinh sống và tham gia vào hoạt động du lịch, đặc biệt là cưỡi voi tham quan hồ Lắk.
Cùng với du thuyền hồ Lắc, chúng tôi cũng được xem biểu diễn cồng chiêng, những điệu múa vô cùng thú vị.
Chia tay Buôn Ma Thuột, chia tay Đắk Lắk, chúng tôi mang theo những tình cảm ấm áp của người dân Tây nguyên. Mang theo lời hẹn Ban Mê, “ Trở lại để thưởng thức hương vị cafe phố núi, để ngắm hoa dã quỳ, hoa cà phê nở, dự lễ hội cồng chiêng Tây nguyên”.
Bài, ảnh: Đặng Phương Hoa
Ý kiến bạn đọc