Người La Chí xóa bỏ tập quán lạc hậu
BHG - Tập quán lạc hậu (hủ tục) là những rào cản đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi cộng đồng, địa phương. Việc xác định từng bước xóa bỏ các hủ tục trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số là cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương.
La Chí là một trong 19 dân tộc ở Hà Giang, với khoảng 12 nghìn người sinh sống tập trung tại các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình… đây là một trong những dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc riêng. Tuy nhiên, trong đời sống của người La Chí vẫn còn một số tập quán lạc hậu kéo dài nhiều năm mà chưa xóa bỏ được, đặc biệt trong ma chay, cưới hỏi, lao động sản xuất. Cụ ông Vàng A Nú hơn 90 tuổi là nghệ nhân người La Chí ở thôn Lùng Vi, xã Nà Khương (Quang Bình), chia sẻ: Trước đây, khi một người La Chí qua đời, các nghi thức, thủ tục như: Giết mổ nhiều trâu, bò, lợn để cúng ma và đi chôn cất, sau 13 ngày mới tổ chức đám ma khô, tiếp tục mổ trâu để cúng, mời cả làng và anh em họ hàng gần xa đến viếng, các nghi lễ rườm rà, chia thịt trâu bò cho thầy cúng và anh em nội, ngoại. Con trâu hoặc bò được mổ trong ngày cúng đó chỉ ăn được trong 1 ngày không để qua ngày sau. Một người đàn ông La Chí trưởng thành khi chết sẽ phải mổ ít nhất là 2 con trâu, 1 con bò mới hết đám và xong các thủ tục. Do đó, gia đình không có trâu, bò thì phải bán ruộng, đất hoặc vay mượn để mua trâu, bò, vì vậy nhiều gia đình khó khăn lại thêm khó khăn.
Nghệ nhân Vàng A Nú, xã Nà Khương (Quang Bình) làm lễ cúng Mừng cơm mới theo phong tục người La Chí. |
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030. Các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Quang Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia, gắn với xây dựng Nông thôn mới, xây dựng quy ước, hương ước nếp sống văn minh ở thôn, bản. Đời sống của đồng bào La Chí đã có nhiều khởi sắc, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Nhờ đó, trong đám ma hiện nay đã giảm bớt việc giết mổ trâu, bò, một số thủ tục rườm rà không cần thiết đã dần được xóa bỏ. Hủ tục con dâu không ngồi chung mâm, không ăn chung thức ăn trên mâm với bố chồng, con dâu không ngồi cạnh, đi chung xe máy với bố chồng đã được xóa bỏ; việc đính ước vợ - chồng cho con cháu từ nhỏ hay con chị gái lấy con em dì (hôn nhân cận huyết thống) vì cho rằng anh em lấy nhau cho thân thiết mà không mất của cho người ngoài cũng được xóa bỏ; thách cưới bằng trâu, bạc và nhiều sính lễ khác cũng có nhiều đổi thay. Đặc biệt, khi người La Chí ốm đau, bệnh tật đã chủ động đến các cơ sở y tế, hạn chế việc cúng, bói, gọi hồn… Những nỗ lực trên đã góp phần hiệu quả trong thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa mới tại cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để xóa dần rồi tiến tới bỏ các hủ tục của đồng bào La Chí, các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung vào duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào La Chí như: Khôi phục lễ hội Mừng cơm mới vào tháng 9 âm lịch; Tết Khu cù tê vào Rằm tháng 7 cùng các trò chơi dân gian được lưu truyền như: Tung còn, đu dây, đu quay, trình diễn dệt thổ cẩm, giã cốm, hát đối đáp giao duyên… Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong thực hiện chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm, tạo sức răn đe hiệu quả. Phát huy công tác tự quản trong gia đình, dòng họ, thôn bản trong việc thực hiện hương ước, quy ước chống tệ nạn tảo hôn, sinh con thứ 3, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới; trong việc hiếu, đặc biệt người chết đưa vào áo quan, không tổ chức tang lễ dài ngày, không mổ trâu, bò để chia thịt…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự hưởng ứng tích cực của dân tộc La Chí trong việc xóa bỏ hủ tục đã góp phần quan trọng thúc đẩy bộ mặt nông thôn tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Đó cũng là những bước tiến vững chắc trong việc thực hiện xây dựng Nông thôn mới và từng bước đưa đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Vương Mai
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quang Bình)
Ý kiến bạn đọc