Khám phá “viên ngọc” Cù Lao Xanh
BHG - Cách đất liền hơn 20 km, xã đảo Nhơn Châu, còn gọi là Cù Lao Xanh, thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định) không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về QP - AN, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn được mệnh danh là “viên ngọc xanh” với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, thơ mộng với không gian xanh bất tận, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mỗi dịp ghé thăm.
Một góc trung tâm đảo Nhơn Châu. |
Kỳ nghỉ Hè năm nay, gia đình anh Nguyễn Quốc Hùng (Hà Nội) chọn đặt tour khám phá Cù Lao Xanh 2 ngày 1 đêm để giúp các con thỏa sức khám phá thiên nhiên. Đi tàu siêu tốc ra đảo từ sáng sớm, gia đình anh Hùng đã tham quan và tìm hiểu về ngọn hải đăng, cột cờ Thanh niên; lặn ngắm san hô, tắm biển, đốt lửa trại và thưởng thức bữa tối thú vị bên bờ biển với các món ăn đặc sản của địa phương. Anh Hùng chia sẻ: “Cù Lao Xanh là hòn đảo xinh đẹp, chúng tôi thỏa sức thả mình trong làn nước biển xanh ngắt, êm đềm; mỗi khung cảnh đều là background check – in siêu đẹp; đồ ăn tươi, ngon, người dân thân thiện”.
Cù Lao Xanh có diện tích trên 362 ha với 608 hộ dân và trên 2.190 nhân khẩu. Bãi trước là bờ biển, cát trắng mịn trải dài mênh mông, bãi sau là những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau hướng ra biển với những hình thù ấn tượng. Trên đảo có ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1890, hoàn toàn bằng đá, giúp định hướng cho ngư dân đi biển, cũng là biểu tượng, niềm tự hào của người dân xã đảo. Ngay cạnh hải đăng là cột cờ Thanh niên, được xây dựng năm 2015, là một trong những cột cờ Tổ quốc tiêu biểu được xây dựng trên các đảo của nước ta, có ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia. Từ hải đăng và cột cờ Thanh niên, du khách phóng tầm mắt, chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của Cù Lao Xanh, hoặc thức dậy từ sáng sớm đón ánh bình minh tuyệt đẹp; ngắm nhìn hoàng hôn trên biển với những chiếc thuyền con dập dềnh sóng nước, ngắm nhìn cuộc sống của những người dân làng chài dung dị, bình yên.
Nghề nuôi cá lồng trên Cù Lao Xanh |
Trước đây, chưa có điện lưới, phương tiện ra đảo ít, thời tiết khắc nghiệt, người dân trên đảo chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản nhưng tàu, thuyền ít, công suất nhỏ, thô sơ nên chỉ đánh bắt ngư trường ven bờ, sản lượng kém, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Phần lớn thanh niên rời đảo vào đất liền kiếm việc làm nên người ta gọi Cù Lao Xanh là “đảo người già”. Nhưng những năm gần đây, Cù Lao Xanh đã được “đánh thức” khi Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu hoàn thành vào năm 2020; du lịch (DL) phát triển mạnh mẽ; người dân đầu tư nuôi và chế biến thủy, hải sản; thanh niên trở về đảo lập nghiệp.
Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản của xã đạt 525, đạt 116% kế hoạch. Toàn xã có 57 hộ nuôi thủy sản với 221 lồng, bè; tổng giá trị thủy sản đang thả nuôi ước đạt trên 7 tỷ đồng; tổng giá trị nông, lâm, thủy sản đạt 33 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người đạt 56,2 triệu đồng/năm. Hiện nay, có 6 hộ phát triển cơ sở chế biến thủy, hải sản với các sản phẩm nổi tiếng như: Chả cá, nước mắm, cá khô, mực, rong biển và thủy sản tươi sống các loại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Xã đạt 5/19 tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao và chỉ còn 8 hộ nghèo.
Cá về buổi sáng. |
Mặc dù là xã đảo, nhưng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện xã đã cung cấp thủ tục hành chính đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 57,4%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả điện tử đạt 70,34%; thanh toán điện tử trực tuyến đạt 86,18%.
Đặc biệt, phát huy lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, Cù Lao Xanh chú trọng phát triển mạnh mẽ DL. Toàn xã có 13 hộ kinh doanh dịch vụ DL, lưu trú. Năm 2022 thu hút trên 10.800 lượt du khách. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ, DL đạt trên 26 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2023, thu hút trên 6.550 lượt khách. DL tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương, trong đó phụ nữ phát huy sự chăm chỉ, khéo léo, chế biến nhiều món ăn ngon, thanh niên dẫn tour, chụp ảnh cho khách; đàn ông kiên trì bám biển, đánh bắt, nuôi thủy, hải sản phục vụ DL. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị, lợi thế của Nhơn Châu để phát triển đảo này thành một trong những trung tâm DL biển đảo của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thiêng, người làm DL lâu năm nhất ở Cù Lao Xanh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi buôn bán nhỏ lẻ, nhưng từ ngày có chủ trương của xã về phát triển DL và có nhiều du khách ghé thăm đảo, gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng cơ sở lưu trú, phối hợp với một số công ty DL trong thành phố Quy Nhơn để đón khách. Hiện nay, mỗi ngày tôi đón gần 100 du khách đến tham quan đảo và đặt bàn ăn trưa, trong đó nhiều du khách lưu trú qua đêm; việc phát triển DL giúp gia đình có thêm thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương”.
Là hướng dẫn viên DL, nhiều lần đưa du khách ra Cù Lao Xanh, chị Hồ Thị Hồng tâm sự: “Cù Lao Xanh đẹp và bình yên, mỗi lần ra đảo là một cảm nhận mới, khám phá mới. Con người nơi đây hiền lành, chất phát, làm DL tận tình, phục vụ khách chu đáo, khách em dẫn ra đảo đều rất hài lòng. Nhưng phát triển DL còn nhỏ lẻ, cần đầu tư thêm nhiều tàu ra đảo, xây dựng thêm các cơ sở lưu trú và tăng cường quảng bá hình ảnh để nhiều người biết và đến với Cù Lao Xanh nhiều hơn”.
“Bình Định có núi Vọng Phu, Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”, câu ca khẳng định những địa danh nổi tiếng ở Bình Định gắn liền với lịch sử hào hùng và thiên nhiên tươi đẹp. Ở đó, có một Cù Lao Xanh vừa sừng sững đón phong ba, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; vừa dịu êm bên bờ cát trắng và dung dị, bình yên, yêu mến đến lạ thường.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc