Bảo tồn hát Then, đàn Tính gắn với phát triển du lịch
BHG - Hát Then, đàn Tính - nét đẹp văn hoá, đồng thời là hồn cốt trong cuộc sống tinh thần của đồng bào người Tày vùng núi Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hà Giang. Nghệ thuật hát Then, đàn Tính mang nét độc đáo, khác biệt và có sức truyền cảm lạ lẫm, nên được lưu truyền, bảo tồn rộng rãi trong dân gian, hiện trở thành một sản phẩm độc đáo phục vụ ngành du lịch phát triển.
Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian, nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Đội văn nghệ dân gian thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. |
Then xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như đàn Tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Nói đến hát Then không thể không nhắc đến các loại đàn. Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày có âm thanh ngọt ngào, mượt mà và ấm áp. Tiếng đàn Tính và hát Then phản ánh tâm tư tình cảm của cả người chơi lẫn người nghe, có sức hấp dẫn kỳ diệu, tạo cảm giác bâng khuâng, lưu luyến. Hộp đàn làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán bằng gỗ cây khảo quang hay cây dâu tằm. Đàn tính là nhạc cụ mang “hồn cốt” dân tộc, cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh... Đặc biệt, trong thời kỳ chống Pháp, hát Then là "vũ khí" tuyên truyền hiệu quả nhằm cổ vũ, khích lệ tinh thần yêu nước, đấu tranh của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới phía Bắc.
Để lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống hát Then, đàn Tính thì việc truyền dạy cho thế hệ sau là điều hết sức quan trọng và đang được tỉnh quan tâm. Thời gian qua, với việc mở các lớp hát Then tại các xã, các trường học trong tỉnh đã và đang tích cực góp phần bảo tồn, gìn giữ những làn điệu Then cho thế hệ trẻ mai sau, cũng như góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến với du lịch các làng văn hoá du lịch cộng đồng, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành của một vùng quê mà còn được trải nghiệm cuộc sống thực thụ của người Tày như bắt cá, trồng rau, tìm hiểu quy trình sản xuất rượu men lá; thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Tày như cá nướng, gà đồi, vịt làng, lợn đen, các loại rau rừng. Ngoài thưởng thức những món ăn ngon, du khách còn được tìm hiểu và đắm mình trong những làn điệu dân ca như hát Then, đàn Tính do chính những chàng trai, cô gái trong thôn biểu diễn… tìm hiểu về những bản sắc văn hoá dân tộc của người dân tộc Tày, với những ngôi nhà sàn truyền thống, cối giã gạo nước, phong tục tập quán, các sản phẩm dệt truyền thống: Dây dao, túi lưới, những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Tày. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình làm dịch vụ Homestay gắn với trải nghiệm lao động sản xuất, tri thức dân gian, đặc biệt gắn với trải nghiệm hát Then đàn tính.
Đến Hà Giang vào những ngày này du khách sẽ được cảm nhận không khí trong lành, tiếng đàn Tính rộn ràng, những làn điệu dân ca mềm mại vang lên từ trong những ngôi nhà sàn truyền thống.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Ý kiến bạn đọc