“Đánh thức” tiềm năng du lịch Lán Xì
BHG - Những năm qua, phát triển du lịch cộng đồng được coi là hướng đi đúng của huyện Đồng Văn. Nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng đã phát triển có hiệu quả, trong đó phải kể đến như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; thôn Ma Lé, xã Má Lé… Mô hình du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh về văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Thôn Lán Xì, xã Phố Cáo (Đồng Văn) được ví như “bản mù sương giữa lòng Cao nguyên đá”. |
Thôn Lán Xì, xã Phố Cáo nằm dọc theo Quốc lộ 4C, cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 30 km, có vị trí thuận lợi, nằm ngay cửa ngõ dẫn vào trung tâm huyện và thị trấn Phố Bảng. Toàn thôn có 74 hộ, với trên 90% người dân là đồng bào Mông. Nhiều năm trở lại đây, người dân thôn Lán Xì đã thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rau Bắp cải, một số cây ăn quả lê, mận… mang lại hiệu quả cao. Đến nay, thôn đã hình thành được vùng cây ăn quả và rau an toàn. Đặc biệt, ở Lán Xì, đây là nơi quanh năm có sương mù và được mệnh danh như “ngôi làng trên mây giữa lòng Cao nguyên đá”. Cộng đồng dân cư trong thôn vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, đặc biệt là kiến trúc truyền thống nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương.
Nhận thấy đây là những tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua huyện Đồng Văn đã có kế hoạch xây dựng Lán Xì trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho thôn, đảm bảo các tiêu chí trở thành làng văn hóa cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.
Đồng chí Giàng Mí Say, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo cho biết: Để xây dựng và phát triển thôn Lán Xì thành làng văn hoá du lịch cộng đồng, thời gian qua, xã Phố Cáo đã tổ chức cho người dân trong thôn đi học tập từ các làng văn hóa du lịch trong huyện; tập trung tuyên truyền để các hộ dân trong thôn thay đổi nhận thức, đặc biệt là về làm du lịch. Đến nay, hơn 70 hộ dân trong thôn đều hưởng ứng tích cực. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, huyện, người dân đã đóng góp tiền của, công sức, trực tiếp tham gia vào các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, như: Trồng cây cảnh quan dọc từ Quốc lộ 4C vào trung tâm thôn; cải tạo nhà ở, di dời chuồng trại ra xa nhà, các công trình vệ sinh đã được xây dựng, thay thế cho công trình vệ sinh không đảm bảo. Đặc biệt, phong trào tìm hiểu, gìn giữ và khôi phục văn hóa truyền thống dân tộc đã thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, trở thành hoạt động thường xuyên, sổi nổi của người dân trong thôn.
Đồng chí Vàng Mí Pó, Bí thư Chi bộ thôn Lán Xì, chia sẻ: Trước đây, người dân trong thôn chỉ biết trồng ngô, nuôi vài con bò, dê, lợn mà không biết đến làm du lịch như thế nào. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, tiềm năng du lịch của thôn được khai thác. Đây là niềm vui lớn của người dân trong thôn để có thể mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, thoát khỏi khó khăn. Đến nay, người dân trong thôn đều đồng tình cao với chủ trương của huyện, đồng lòng thực hiện những phần việc được phân công. Bước đầu, ý thức về bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa truyền thống đã được người dân thực hiện có hiệu quả. Đây là tín hiệu đáng mừng để có thể xây dựng Lán Xì thành làng văn hóa du lịch cộng đồng trong tương lai không xa.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Hiện, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và cấp ủy, chính quyền xã xây dựng các giải pháp và lãnh đạo nhân dân trong thôn chung tay hành động, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Mở rộng, nâng cấp đường vào thôn; lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xây dựng biển chỉ dẫn, vận động người dân cải tạo nhà cửa, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, mở rộng quy mô các lễ hội trong năm để thu hút du khách… Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của những đơn vị lữ hành để tăng thêm tính kết nối trong việc quảng bá, tạo các tour, tuyến du lịch... Từ đó có thể “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh cũng như khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH hội tại địa phương.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc