Nhớ tháng Tư năm ấy
BHG - Sinh ra vào thời đất nước bị chia cắt. Lớp cha ông vừa làm nên “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”. Lớp anh chị tiếp tục sứ mệnh: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Tôi bị “hút” theo từ lúc còn chăn trâu. Ước ao từ những ngày thơ bé ấy là: Lớn lên được đi bộ đội cùng cha anh đánh giặc cứu nước.
Chiến sĩ đại đội 19 Công binh (Bộ CHQS tỉnh) chăm sóc vườn rau xanh. ảnh: Quỳnh Hương |
Lúc học lớp một, lớp hai đọc báo đánh vần từng chữ nhưng cũng biết miền Nam đang đánh giặc, giặc Mỹ và bọn tay sai áp bức đồng bào ta. Miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc chi viện cho đồng bào miền Nam đánh giặc. Ngày nào đi học qua nhà ông “Thư báo” của xã cũng được ông ấy nhờ chuyển báo vào trong bản. Trên đường tranh thủ cùng mấy bạn đọc tin miền Nam thắng trận. Buổi chiều đi chăn trâu, mấy thằng tổ chức đánh trận giả. Không thằng nào chịu làm giặc (thấc), cuối cùng thống nhất lấy trâu làm “giặc”. Nơi đánh trận là những bờ ruộng. Con trâu nào mon men đến ruộng lúa là bị “tấn công” bằng “súng mồm”, hoặc bị ném “lựu đạn” đá. Ngày nào cũng vậy đến khi thấy chúng tôi đeo lá “ngụy trang” là bọn trâu ngoan hẳn. Đến một ngày trên trời từng đàn máy bay giặc Mỹ bay qua, chiến tranh đã lan đến miền Bắc. Trường học được di vào dưới gầm sàn nhà dân, sau đó chuyển vào trong rừng sâu, rậm rạp. Những chiếc hầm trú ẩn được đào quanh lớp học. Những đợt tuyển thanh niên vào bộ đội ở xã mau dần, nhiều dần. Bọn trẻ trâu chúng tôi chuyển sang đánh trận bằng hệ thống pháo phòng không “chuối rừng”, bắt phi công Mỹ rồi bắt biệt kích. Vô tư mà háo hức.
Đến một ngày, một sự kiện đã đánh thức chúng tôi. Chúng tôi thấy mình không còn là thơ bé nữa. Đó là ngày anh lớp trưởng lớp 7 chúng tôi được gọi lên đường nhập ngũ. Vậy là đã đến lượt chúng tôi lên đường đánh giặc. Ngày anh đi chúng tôi chẳng kịp tiễn chân. Mấy năm học cấp ba, lại nhiều đợt học trò xếp bút nghiên lên đường. Đến năm máy bay B52 mém bom Hà Nội và các thành phố khác, tôi mới đủ tuổi và được gọi đi khám sức khỏe để đi bộ đội. Thật là háo hức. Nhưng vừa mới ngồi lên cân, tiếng quả cân kéo “rẹt” thì đã có kết luận từ cán bộ khám sức khỏe: Thôi, không phải vào khám vòng trong nữa. Tôi bủn rủn tay chân không biết mình được bao nhiêu cân nhỉ! Anh bạn cùng đi khám nói nhỏ vào tai tôi bằng tiếng Tày: Tham nạo chất (37kg). Trời đất ơi. Tai tôi đỏ bừng, nước mắt trào ra. Lầm lũi về nhà, bố mẹ không hỏi cũng biết kết quả khám tân binh của tôi. Thằng em trai tôi nó ít hơn tôi ba tuổi mà nó đã bốn mươi năm cân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt và có những bước ngoặt quan trọng. Quân Mỹ đã rút khỏi miền Nam; Hiệp định Pa ri được ký kết. Toàn miền Nam tiến công và nổi dậy, giành chính quyền. Mùa Xuân năm 1975, cuộc tiến công và nổi dậy của đồng bào đã tạo bước ngoặt lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chúng tôi càng háo hức và nung nấu được đi bộ đội. Anh lớp trưởng hồi lớp bảy đã hy sinh ở chiến trường miền Nam cùng với nhiều người khác nữa trong xã tôi. Chiến tranh đã gây đau thương, mất mát cho bao gia đình.
Từ lần đầu đi khám sức khỏe, bặt mấy năm sau đó không có ai gọi đến tôi đi khám. Em trai tôi đã đủ tuổi đi bộ đội. Tôi có cảm giác nó sẽ “lấy mất” phần đi bộ đội của tôi.
Tháng Tư năm 1975, quân ta chiến thắng khắp các mặt trận, các chiến dịch lớn. Ngày giải phóng miền Nam chỉ còn tính từng ngày. Tôi đã học xong cấp ba được một năm. Đi thi đại học sư phạm đủ điểm mà cũng vẫn không đủ cân. Một năm ở nhà thật buồn, tôi trở thành “một ông cụ non” giữa đàn em ít tuổi hơn. Rồi một tin mà tôi từng mong ngóng. Tôi có giấy gọi khám sức khỏe nếu đủ điều kiện thì nhập ngũ luôn. Nhưng... thằng em tôi cũng có giấy như vậy. Cái cảm giác của tôi về thằng em sẽ là người đi bộ đội càng lớn lên. Nhưng không sao, nó còn đang học. Cả xã tôi có hơn hai chục người. Hai anh em tôi là trường hợp đặc biệt.
Tháng Tư, quê tôi thật đẹp. Nắng ấm chan hòa. Những trùm hoa Xoan tím rụng cánh dọc theo con đường chúng tôi đi. Những cây Phách cổ thụ dọc con suối nở rộ, tiếng đàn ong đến hút mật như một dàn nhạc thôi thúc, thiết tha; những cây măng vầu mọc thẳng như lưỡi kiếm đâm lên bầu trời xanh; tiếng những con ve rừng kêu và gọi bạn gấp gấp.
Theo thông báo, chúng tôi chuẩn bị tư trang, gạo ăn trong một tuần. Người nhà cùng đi cũng vậy. Tất cả tập trung tại xã Quang Minh. Chúng tôi đi bộ một ngày đường thì đến. Tất cả quân các xã đều về đó. Chúng tôi được phân đến từng nhà dân xung quanh khu vực trung tâm xã. Những ngày nằm trực chờ để khám thật là dài và mệt mỏi đối với tôi. Rồi ngày ấy cũng đã đến. Từ sáng đến chiều khám từng xã. Mấy ngày mới xong. Khi tập trung thông báo tình hình xếp hạng sức khỏe tôi được xếp hạng B1. Vậy là có hy vọng rồi. Tôi hỏi dò thằng em thì nó xếp hạng sức khỏe A2. Tôi nghĩ, nó dù A2 nhưng đang học có thể họ sẽ chọn mình. Hôm sau là ngày công bố kết quả khám và công bố lệnh nhập ngũ. Đêm đó là đêm cuối cùng hai anh em tôi ngủ với nhau từ tấm bé. Không ai ngủ được. Sáng hôm sau nghe đọc các văn bản nhất là lệnh gọi nhập ngũ theo vần an pha bê. Vần K đã qua mà không có tên tôi. Tôi buồn bã, nắm tay em trai thật chặt, nước mắt giàn giụa, không chịu nổi nữa tôi bật tiếng khóc. Em tôi được đi bộ đội còn tôi thì không. Tôi chẳng còn nghĩ được gì mà thương em và tủi thân, khóc càng to, mặc kệ trời đất. Em tôi và những thanh niên làng tôi bỏ áo thường, mặc áo bộ đội. Một loáng sau tôi không nhận ra ai là người quê, cả thằng em trai cũng vậy. Đoàn tân binh đã lên xe, nhưng chiếc xe nhận quân bưng kín mít dần chuyển bánh. Tôi vẫy tay mãi đoàn xe khuất sau những rừng nứa tép rậm rịt.
Tôi xếp áo và tư trang của em và những tân binh không có người thân đi tiễn cẩn thận cho vào chiếc ba lô gấp, ghi tên cẩn thận lầm lũi cùng mọi người đi về. Cũng may, trong số những người quay về có vài người không đủ sức khỏe, tôi đỡ tủi thân phần nào. Mấy ngày sau, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Tôi tiếp tục ôn thi đại học và cuối năm tôi được nhập học.
Đất nước thống nhất, chiến tranh đã lùi xa. Những thanh niên quê tôi lên đường nhập ngũ hôm nay nối tiếp cha anh lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mỗi lần liên hoan tiễn các cháu ký ức tháng 4.1975 lại ùa về.
Hoàng Kiệm
Ý kiến bạn đọc