Làm khèn Mông ở thôn Kéo Hẻn
BHG - Đối với đồng bào dân tộc Mông, khèn là một nhạc cụ không thể thiếu và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Từ đó nghề chế tác khèn cũng trở thành nghề truyền thống quan trọng được người Mông nơi rẻo cao gìn giữ.
Anh Lầu Súa Say chế tác khèn Mông. |
Anh Lầu Súa Say ở thôn Kéo Hẻn, xã Mậu Duệ (Yên Minh) là người làm khèn Mông giỏi có tiếng không chỉ ở địa phương. Từ năm 13 tuổi, anh Say đã biết thổi thành thạo khèn Mông. Đến nay đã hơn 25 năm gắn bó với cây khèn, cây khèn như là người bạn tri kỷ của anh cũng như đồng bào người Mông nói chung và ở thôn Kéo Hẻn nói riêng. Anh nắm rõ từng giai điệu, nhịp điệu của tiếng khèn, bởi trong các ngày hội vui, khi xuống chợ phiên và trong nghi lễ tang ma cây khèn đều được sử dụng.
Với mong muốn phát huy nghề và lưu giữ tiếng khèn của dân tộc mình không bị mai một anh Say đã đến Đồng Văn để học làm khèn. Sau nhiều năm miệt mài học hỏi, đầu năm 2021 cây khèn đầu tiên của anh Say chế tác được hoàn thành.
Trao đổi với chúng tôi anh Say chia sẻ: “Cuộc sống mưu sinh trên vùng cao khó khăn, vất vả, quanh năm chúng tôi trồng ngô, chăn nuôi gia súc. Bây giờ tôi đã học được thêm nghề làm khèn, việc làm những chiếc khèn Mông không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Để làm và sử dụng thuần thục khèn Mông là việc tương đối khó bởi nó đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, phải thực sự có tình yêu đối với cây khèn Mông. Chế tác khèn, trước hết phải đảm bảo độ chuẩn về âm thanh, kích thước bầu khèn, ống khèn. Thân của cây khèn được làm bằng gỗ cây Thông đá mọc ở rừng đá cao. Gỗ được chọn làm bầu khèn có thớ gỗ thẳng, không cong vênh; 6 ống của cây khèn làm từ cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, chặt về phơi khô rồi mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn.Thân cây trúc phải được thông cho sạch hết trong ống để hơi thổi ra được; lá đồng có chất lượng tốt và có độ mỏng phù hợp là công đoạn rất quan trọng, quyết định âm thanh của khèn. Trải qua rất nhiều các công đoạn sẽ cho ra những chiếc khèn Mông có tuổi đời vài chục năm tuổi.”
Qua câu chuyện với anh Say được biết, khèn của anh làm có các kích cỡ khác nhau từ 1 - 1,5 m được bán với giá 2,5 - 3 triệu đồng/cây. Trung bình khoảng 3 ngày anh Say làm xong một cây khèn, mỗi năm anh làm được khoảng 100 cây.
Những năm gần đây, nhờ bán hàng qua các trang mạng xã hội facebook, zalo... nên nhiều người đã đặt mua khèn qua mạng và thanh toán qua tài khoản. Từ khi bán khèn qua mạng, những cây khèn của anh được nhiều người Mông trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt mua.
Ngày nay, dù cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng với đồng bào dân tộc Mông, những chiếc khèn vẫn gắn bó với họ. Những chiếc khèn với âm thanh dìu dặt vẫn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Ý kiến bạn đọc