Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa du lịch đất Tổ 2023
Dự khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ 2023, tối 21/4, tổ chức tại TP. Việt Trì, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định giá trị văn hóa chỉ trường tồn khi trở thành nét truyền thống, một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành địa phương và đông đảo người dân TP. Việt Trì dự lễ khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ 2023 - |
Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 đúng vào dịp 10 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam. |
Nhắc lại câu ca dao "Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn", Phó Thủ tướng khẳng định truyền thống đạo hiếu của dân tộc đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, để mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, triệu triệu con tim người Việt trong và ngoài nước lại cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng, khởi nguồn của Tổ quốc, thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhằm tôn vinh giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đồng thời giới thiệu 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh của 13 tỉnh, thành phố- |
Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Lễ hội là dịp nhìn lại chặng đường 20 năm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ giữ gìn, xây dựng, và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh thông điệp của tiền nhân tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa còn thì dân tộc còn".
Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa cộng đồng hết sức độc đáo trên thế giới.
Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể "Nhã nhạc cung đình Huế" |
Các di sản văn hóa này cùng với hệ giá trị đậm đà bản sắc đã được hun đúc, định hình nên hồn cốt dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với bao thăng trầm.
"Tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, mỗi người Việt Nam cũng ý thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa truyền thống cộng đồng, bởi giá trị văn hóa chỉ trường tồn khi trở thành nét truyền thống, một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, phục hồi, phục dựng và trùng tu các di sản văn hóa; kêu gọi con cháu Lạc Hồng trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng chung tay, góp sức phát huy các giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản phi vật thể khác.
Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể "Đoèn ca tài tử Nam Bộ" |
Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, đưa tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực phát triển đất nước.
Nghiên cứu, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa quốc gia và con người Việt Nam, phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp Việt Nam cùng với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Xây dựng và triển khai Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam.
Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ" |
Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa và dữ liệu hóa di sản văn hóa; lập bản đồ di sản trên nền tảng số nhằm bảo tồn các giá trị, di sản văn hóa, phục vụ cho phát triển, chuyển đổi số.
Tiếp tục đầu tư nguồn lực nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội để bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú, đa dạng.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ văn hóa tầm chiến lược, văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật trong nhà trường các cấp.
Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Cồng chiêng Tây Nguyên" |
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu; đặc biệt đã cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO có sáng kiến kết nối các di sản văn hóa phi vật thể nhân dịp Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ bảo đảm điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có không gian sáng tạo, biểu diễn; du khách có thời gian trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể "Dân ca Quan họ Bắc Ninh" |
Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn và mong muốn UNESCO, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn, công nhận, vinh danh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
"Hướng về Ngày giỗ Tỗ Hùng Vương với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp tự ngàn đời, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, nhân dân ấm no, hạnh phúc, phồn vinh", Phó Thủ tướng nói.
Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" |
* Tại lễ khai mạc, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân đã thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc biệt tôn vinh giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng cùng 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, nghệ nhân dân gian của 6 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam biểu diễn các di sản như: Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Xoè Thái, dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên…
Trong khuôn khổ Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 sẽ diễn ra một số hoạt động đáng chú ý: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị - Hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch"; Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; Liên hoan Văn hoá ẩm thực Đất Tổ,...
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc