Độc đáo Lễ ra đồng của người Pu Péo

15:42, 18/04/2023

BHG - Pu Péo là dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở xã Phố Là (Đồng Văn), Sủng Cháng, Phú Lũng (Yên Minh) và một số ít ở xã Yên Cường (Bắc Mê). Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Pu Péo có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, đóng góp nhiều di sản văn hóa quý báu vào kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, trong đó có Lễ ra đồng.

Thầy cúng và dân làng hưởng lộc sau khi kết thúc nghi lễ.
Thầy cúng và dân làng "hưởng lộc" sau khi kết thúc nghi lễ.

Lễ ra đồng của người Pu Péo có từ xa xưa, gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Pu Péo. Theo tiếng địa phương là “pặt oong”, pặt tiếng Pu Péo là làm sạch, còn oong là nước, pặt oong có nghĩa là làm sạch nước, là phát nước, phát lửa ra đồng đuổi tà ma, điều xấu, những điều không may mắn, xui xẻo ra khỏi nhà, khỏi làng, ra khỏi vùng lãnh thổ của người Pu Péo. Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Giêng (từ mùng 5 - 12 Tết), tất cả người dân trong bản lại có mặt đông đủ để tham gia Lễ ra đồng với mong muốn cầu chúc một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trình tự Lễ ra đồng cũng hết sức quan trọng, trước hết người dân trong bản góp 2 con gà (1 trống, 1 mái), 2 kg gạo nếp làm bánh để làm lễ cúng chung, dâng lên thần rừng, thần núi, thần nước, sông suối với ý nghĩa tạ ơn các vị thần phù hộ cho một năm đời sống mọi người được bình an, chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi. Đồng thời, cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người dân trong bản trong năm tới. Bên cạnh đó, các gia đình còn phải chuẩn bị mâm cúng lễ Tổ tiên trong nhà.

Lễ ra đồng được bắt đầu ở nhà thầy cúng (chủ lễ), tại bàn thờ Tổ tiên nhà mình, thầy cúng chuẩn bị một con gà trống luộc chín, bánh làm từ bột nếp, rượu, 3 phươn cơm - thịt để làm lễ vật dâng cúng. Sau khi làm lễ cúng Tổ tiên, thầy cúng làm một bó đuốc bằng rơm bện chặt, một đầu châm lửa còn đầu kia dùng dây buộc chặt lại. Hai tay thầy cúng cầm một con gà trống, một con gà mái mang vào cúng trước bàn thờ Tổ tiên khoảng 5 phút, sau đó mang đến tất cả các gia đình trong bản để cúng. Khi vào mỗi nhà, thầy cúng đến đứng trước bàn thờ Tổ tiên thắp hương để xin phép làm lễ xua đuổi tà ma. Xin xong, thầy cúng cầm bó đuốc đến các góc nhà, giường ngủ, bếp... để đuổi ma làm hại, vừa hua bó đuốc thầy vừa khấn với hàm ý làm sạch nước, làm sạch lửa, xua hết bệnh tật cho gia chủ khỏe mạnh, gia súc đầy đàn. Nghi lễ cúng trong các gia đình trong bản xong, thầy cúng chuyển sang cúng thần rừng tại địa điểm chung của bản. Đồ lễ cúng thần rừng dịp này đơn giản hơn lễ cúng thần rừng vào ngày mùng 6.6 hàng năm, chỉ có 2 con gà, cơm và thịt lợn. Sau khi cúng thần rừng, thần ruộng, thầy cúng cho lập đàn để tiếp tục cúng ma trên trời, ma trên mặt đất và ma lang thang; đồ lễ dâng cúng cũng như cúng thần rừng. Lễ cúng dù lớn hay nhỏ đều diễn ra theo nguyên tắc bất di bất dịch đó là cúng dâng lễ vật (cúng sống) hai lần rồi mới cúng chín thì mới kết thúc. Sau đó tất cả mọi người trong bản sẽ cùng với cộng đồng các dân tộc khác sống trong vùng hòa vào những điệu nhảy múa, các làn điệu dân ca hát đối, hát giao duyên, cùng chơi các trò chơi như: Đánh đáo, đánh yến, chơi cù... cuộc vui được kéo dài đến hết ngày hôm đó. Người Pu Péo cho rằng cuộc vui càng được kéo dài thì năm ấy sẽ có nhiều niềm vui, may mắn và ấm no, hạnh phúc đến với mọi người.

Có thể nói, ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, làng bản yên bình, Lễ ra đồng còn là sợi dây liên kết tinh thần cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản và là dịp để bà con trong bản gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Sau Lễ ra đồng người dân trong bản sẽ bước vào một mùa gieo hạt mới với niềm tin, hy vọng cây trồng sẽ tươi tốt, mùa màng bội thu đời sống của bà con trong bản ngày một no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Với ý nghĩa đó, năm 2018, Lễ ra đồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ mai sau thêm trân trọng và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Giang có cơ hội tìm hiểu, khám phá, cùng trải nghiệm về một lễ hội giàu bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc Pu Péo nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Lượng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khinh khí cầu bay trên Cao nguyên đá
BHG - Sáng 31.3, Công ty Khinh khí cầu Quốc tế Ballooning Media phối hợp với huyện Yên Minh tổ chức bay thử nghiệm khinh khí cầu tại xã Lũng Hồ. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Không gian văn hóa, du lịch huyện Yên Minh năm 2023.
31/03/2023
Việt Nam đứng thứ 2 trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất hè 2023 với người Mỹ
Theo chuyên trang du lịch Mỹ Travel Off Path, Hà Nội (một trong những thành phố hấp dẫn nhất với du khách quốc tế) được mệnh danh là “thủ đô nghệ thuật” với những công trình kiến trúc thú vị.
31/03/2023
Hội đàm hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
BHG-Chiều 27.3, tại Khách sạn Yên Biên Luxury (T.p Hà Giang) đã diễn ra Chương trình Hội đàm Hợp tác phát triển du lịch giữa Đoàn đại biểu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang (Việt Nam) với Đoàn đại biểu Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nhằm đánh giá kết quả hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giữa 2 Sở trong những năm qua và cùng thảo luận, thống nhất nội dung hợp tác trong thời gian tới. Dự buổi Hội đàm về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo một số sở, ngành; Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố. Về phía Đoàn đại biểu Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam có đồng chí Thạch Lâm, Tuần Thị viên cấp I, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam; Tưởng Thiên Vân, Cục trưởng Cục Văn hóa – Du lịch châu Văn Sơn; Từ Nhân Chính, Cục trưởng Cục Giáo dục – Thể thao. Cùng dự Hội đàm có đại diện các doanh nghiệp của hai bên.
 
27/03/2023
Ngược dòng Nho Quế
BHG - Dù đã rất quen thuộc với khung cảnh bạt ngàn đá xám và sắc trắng hồng của hoa Tam giác mạch, nhưng mỗi khi lên với Hà Giang, tôi luôn có cảm giác như lần đầu đặt chân đến mảnh đất này. Tự trong sâu thẳm đáy lòng của một người yêu thiên nhiên và yêu cái đẹp, Hà Giang có sức mê hoặc khiến mọi trái tim tan chảy bởi sự kỳ vĩ, hoang sơ nhưng đầy hài hòa của cảnh sắc. Khi làn mưa bụi tháng Giêng nhường chỗ cho những tia nắng Xuân ấm áp, tôi lên Hà Giang tìm điều còn thiếu trong sự trải nghiệm của mình. Đó là ngược dòng Nho Quế mùa Xuân.
16/04/2023