“Đất thiêng” Quảng Trị

12:05, 29/04/2023

BHG - Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình…

Đoàn đại biểu dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) dâng hoa, dâng hương viếng Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn đại biểu dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) dâng hoa, dâng hương viếng Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Những ngày tháng Tư lịch sử, những người làm báo miền cực Bắc Tổ quốc - Hà Giang trở lại mảnh đất Quảng Trị đúng dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông (30.4.1975 – 30.4.2023). Mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự vươn mình mạnh mẽ. Dấu tích của những năm tháng chiến tranh ác liệt, đạn bom cày xới giờ được thay bằng màu xanh cây cỏ, những ngôi nhà cao tầng, hệ thống giao thông phát triển và dòng chảy hối hả của cuộc sống tươi mới. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị - nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm, nơi mà mỗi mét vuông đất là một mét máu giờ đã phủ xanh màu hy vọng.

Lãnh đạo Báo Hà Giang, Hội Nhà báo tỉnh và các báo Đảng bên Thành cổ Quảng Trị.
Lãnh đạo Báo Hà Giang, Hội Nhà báo tỉnh và các báo Đảng bên Thành cổ Quảng Trị.

Di tích Thành cổ Quảng Trị nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị - địa bàn có diện tích không lớn nhưng nằm trên trục giao thông huyết mạch quốc gia, có vị trí địa chính trị quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Năm 1809, một năm sau khi dinh Quảng Trị trở thành dinh trực lệ Kinh sư, triều đình nhà Nguyễn nhận thấy vị trí đóng lỵ sở của dinh Quảng Trị tại Ái Tử - Trà Liên không được đắc địa, khó có thể hội tụ đủ các điều kiện để trở thành trung tâm chính trị, KT-XH cho một vùng trực lệ Kinh sư nên vua Gia Long cho chuyển lỵ sở dinh Quảng Trị về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng.

Sân bay Tà Cơn - cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ, mắt xích quan trọng của Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
Sân bay Tà Cơn - cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ, mắt xích quan trọng của Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.

Khu vực được chọn xây dựng thành Quảng Trị là khu đất cao tại xã Thạch Hãn - Hải Lăng (ngày nay thuộc thị xã Quảng Trị). Từ thành Quảng Trị có thể đi Nam hay ra Bắc bằng đường sông, đường bộ, đường biển đều thuận lợi. Quá trình xây dựng thành Quảng Trị kéo dài gần 28 năm (1809 – 1837), bắt đầu từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (26.6-16.9.1972) mảnh đất này phải gánh chịu 328 nghìn tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo; số bom đạn ném xuống Thành cổ Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 đã phá huỷ hoàn toàn 1 vạn ngôi nhà và toà Thành cổ. Các tài liệu lịch sử ghi lại: Suốt 81 ngày đêm, ngày nào địch cũng tiến hành rất nhiều trận đánh bằng bom pháo, bằng bộ binh có xe tăng, xe thiết giáp, xe phun lửa yểm trợ cho lính dù, lính thuỷ đánh bộ, lính biệt động tiến công, chỉ xoay quanh một tòa thành không đầy 300.000 m2, trong một thị xã với diện tích gần 4 km2, nhà cửa đổ nát, không một bóng người… Trong khi đó, quân ta, trừ mấy tiểu đoàn của Tỉnh đội Quảng Trị, đại bộ phận đều chưa thông thạo địa hình, phải vừa đánh vừa quan sát hiệp đồng nhưng đã phát huy trí thông minh của từng cấp, tạo ra cách đánh phù hợp, không phòng thủ thụ động, liên tục cải thiện thế phòng thủ, vừa giữ chốt vừa xuất kích phản kích, tập kích tìm địch mà đánh.

Thế hệ tương lại của đất nước thăm cầu Hiền Lương.
Thế hệ tương lại của đất nước thăm cầu Hiền Lương.

81 ngày đêm khói lửa, có ngày địch đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom… Tính bình quân, mỗi người dân phải chịu 250 quả đạn pháo. Ngay những ngày đầu chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị, có thời điểm các chiến sĩ Trung đoàn 48 đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm 1 chọi 100 đánh quỵ Lữ đoàn 2 dù… Càng ngày, tình trạng thiếu thốn do tiếp tế vũ khí đạn dược, hậu cần gặp khó khăn, chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lã, bắn dè xẻn từng viên đạn trong vòng vây địch. Quân ta đã làm chủ thị xã trong một thời gian dài, diệt hơn 24.000 tên địch, phần lớn là quân dù và thuỷ quân lục chiến, bắn rơi 180 máy bay, phá huỷ 140 xe quân sự, trong đó có 90 xe tăng, xe bọc thép, 20 khẩu pháo cùng nhiều đồ dùng quân sự khác.

Tuy nhiên, do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9.1972, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành cổ. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta.  Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ, ngày 16.9.1972.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa Hè đỏ lửa năm 1972 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vào thăm Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi thực sự xúc động khi thắm nén tâm hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này và càng bồi hồi, xúc động hơn khi cùng thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn. Dù chiến tranh đã lùi xa, dù cuộc sống mới đã xua tan mùi thuốc súng, nhưng khi nghe những câu thơ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn nằm” (Lê Bá Dương) khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

Ngoài Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất miền Trung này còn nhiều địa danh lịch sử ghi dấu một thời hoa lửa không thể nào quên, như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, di tích địa đạo Vịnh Mốc… Thật tự hào khi được biết, mảnh đất Quảng Trị thân thương từng hứng chịu mưa bom, bão đạn những năm tháng chống Mỹ; sau 48 năm thống nhất đất nước, những đau thương, mất mát đã trở thành sức mạnh đưa mảnh đất này không ngừng phát triển với mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao, năm 2030 đạt tỉnh phát triển khá của nước ta. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch; trong đó, công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% năm 2025, trên 8% năm 2030; GRDP bình quân 85-90 triệu đồng/người/năm 2025, trên 150 triệu đồng năm 2030…

Bài, ảnh: TIẾN CHIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Long trọng tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023
Tối 28/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023.
29/04/2023
TP Hải Dương khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng
Tối 28.4, tại Quảng trường Thống Nhất, TP Hải Dương tổ chức khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng.
28/04/2023
Bảo tồn, phát huy và lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc là biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống biết ơn tổ tiên, nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay. Với những đặc trưng ý nghĩa đó, ngày 06/12/2012, tại kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 Pari, UNESCO đã chính thức ghi danh tín ngưỡng “Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
28/04/2023
Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế mở màn cho Năm du lịch Tuyên Quang
Với thông điệp "Tuyên Quang-điểm đến an toàn-thân thiện-hấp dẫn," lễ hội khinh khí cầu là điểm nhấn cho Năm du lịch Tuyên Quang, góp phần thực hiện mục tiêu đón trên 2,5 triệu lượt du khách năm 2023.
28/04/2023